Sáng 3/7, đại tá Phùng Đình Triển – Phó GĐ Công an tỉnh Sơn La chủ trì buổi họp báo công bố thông tin triệt phá hai chuyên án ma túy 18TN và 19TN do Nguyễn Thanh Tuân (SN 1983, quê xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) và Nguyễn Văn Thuận (SN 1984, quê huyện Thanh Liêm, Hà Nam) cầm đầu.
Nói về nguyên nhân vì sao chuyên án nhiều năm mới được triệt phá dù người dân, thậm chí cán bộ bị trùm ma túy dọa dẫm nhiều lần, ông Triển lý giải: Việc giải quyết vụ án này không dễ, bởi còn liên quan đến yếu tố nước ngoài do gần biên giới Lào. Nếu chỉ bắn chết hai tên trùm ma túy thì quá dễ. Hơn nữa, ở Tà Dê, người dân vẫn có thói quen dùng súng đi săn ban đêm. Nếu không xác minh kỹ thì dẫn đến bắn nhầm dân là điều khôngchấp nhận được.
Bốn năm trước, địa bàn Lóng Luông, Vân Hồ không hề có tên của Thuận và Tuân. Chúng đang nằm trong tầm ngắm của Công an tỉnh Quảng Ninh ở một chuyên án khác.
Trong khi đó, thời điểm Tuân và Thuận lên Lóng Luông trú ngụ, Công an tỉnh Sơn La đang tập trung phối hợp với Bộ Công an, Công an các tỉnh mở rộng điều tra vụ án Tráng A Tàng cùng bố và đồng phạm trong một chuyên án ma túy rất lớn khác. Khi đó, tại Lóng Luông (Vân Hồ, Sơn La) và Pà Cò - Hang Kia (Hòa Bình) thời điểm đó cũng có khá nhiều ổ nhóm tội phạm ma túy.
Theo đại tá Phùng Tiến Triển, mỗi năm công an tỉnh phát hiện bắt giữ trên dưới 1.000 vụ, 1.700-1.800 người liên quan, thu giữ khoảng 1 tạ heroin, 2.500 viên ma túy tổng hợp. Điều này chứng tỏ Sơn La là địa bàn rất phức tạp, trọng điểm về ma túy của cả nước và chịu nhiều áp lực từ bên kia biên giới.
"Việc bắt giữ đến bây giờ mới làm vì tính nhân đạo, thêm đó tính nhân văn của lực lượng công an nhân dân. Nếu để tiêu diệt hai tên này thì làm lúc nào cũng được, không phải đến bây giờ. Cái quan trọng là phải chặn đứt hai mắt xích, chặn nguồn cung, nguồn cầu. Hơn nữa, phải nhận được sự hưởng ứng của cấp ủy địa phương từ cấp bản, cấp xã, huyện. Thực ra nhiều con em của các cán bộ dính đến ma túy."
Khởi tố vụ án để điều tra
Đại tá Phùng Tiến Triển cũng cho biết: "Chúng tôi không muốn sát hại, tiêu diệt hai tên này. Tỉnh kiên trì kêu gọi chúng, gửi thư cho thân nhân, gia đình để họ tác động. Lực lượng đã về gặp bố mẹ, mẹ đẻ, vợ của Tuân. Tôi đã trực tiếp nói chuyện với chị Loan, mẹ đẻ của Thuận. Ngoài ra, chúng tôi đã từng mời mẹ của Hùng và Tuân lên để hợp tác nhằm thuyết phục con trai mình ra đầu thú. Nhưng họ lắc đầu không hợp tác, không cung cấp số điện thoại của hai tên này cho cơ quan chức năng. Hôm nổ ra đấu súng, mẹ của Tuân mới lên đứng cách hiện trường vài chục mét, dùng loa để kêu gọi con ra hàng. Bà Vượng kêu gọi đến khàn cổ nhưng Tuân vẫn cố thủ".
Theo ban chuyên án, ngày 27/6, trong sào huyệt của Tuân có 6 người, trong đó có 3 kẻ ra hàng, đầu thú để được sống. Họ tên Thó, Sơn và Minh. Chắc chắn 3 người này sẽ bị xử lý nhưng có thể được sống.
Còn thượng tá Trần Thanh Sơn, sau khi khám nghiệm tử thi, các gia đình có người thân bị tiêu diệt đã làm đơn đề nghị bàn giao người chết cho họ mai táng.
Ngày 2/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La có quyết định khởi tố vụ án hình sự: Tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự và Chống người thi hành công vụ xảy ra tại bản Tà Dê, Lóng Luông. Vụ án đang được điều tra mở rộng.
"Trong quá trình đấu tranh tác chiến, chúng tôi đã đưa mẹ của các đối tượng đến kêu gọi, thuyết phục nhưng chúng không chấp hành. Nhóm phạm tội tiếp tục lôi kéo những kẻ khác xây dựng boong-ke để đối phó với lực lượng. Phải nói là hiếm có chuyên án nào cảnh sát sử dụng vũ trang phá án kéo dài đến 3 ngày rưỡi".