Pháp: Bất ổn xã hội từ đâu?

Pháp: Bất ổn xã hội từ đâu?
Hai thiếu niên gốc Ả Rập bị cảnh sát “dí” phải chạy trốn vào một trạm biến thế để rồi bị điện giật chết. Sự kiện này đã như “giọt nước tràn ly” làm bùng lên một làn sóng bạo loạn khiến cả thế giới chưng hửng.
Pháp: Bất ổn xã hội từ đâu? ảnh 1
Hàng ngàn chiếc xe đã bị đốt trong vụ bạo loạn kéo dài cả chục ngày tại Pháp

Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên nổ ra những bạo loạn: năm 1981 ở Les Minguettes, đến năm 1990 ở Vaulx-en-Velin.

Có nhiều giải thích như nạn kỳ thị, cảnh sát áp bức, thất nghiệp, đời sống khó khăn, các chung cư xuống cấp ở ngoại ô, tác động của mafia, của Hồi giáo cực đoan... Nhưng trong chiều sâu, đây là vấn nạn (không) hội nhập xã hội. Vì sao?

25 năm qua, các chính phủ tả hữu ở Pháp đều biết rằng cần phải giải quyết các hậu quả của việc “mở banh cửa” cho người Bắc Phi nhập vào trong thập niên 1960 làm những công việc mà dân Pháp chê. Nhằm giải quyết bài toán “hậu nhập cư” này đã có không ít chính sách ưu tiên đầu tư giáo dục, đô thị cho các khu vực đặc biệt khó khăn (ZEP, ZUP).

Thật vậy, trong số 4,5 triệu người nhập cư hiện nay, bài toán hội nhập không đơn giản như nhau. Nếu như hầu hết người gốc châu Á sẵn sàng hội nhập thì lại có một số người suy nghĩ khác với suy nghĩ chung. Không ít phụ nữ gốc Bắc Phi cứ xoành xoạch đẻ năm một (tỉ lệ sinh đẻ bình quân đến 4,72 con/người), lãnh tiền trợ cấp khỏi phải đi làm.

Đối với họ, tiền trợ cấp đó là lớn (cỡ lương tối thiểu), song so với mặt bằng chung của xã hội lại là thấp. Con cái họ khi đến trường sẽ phải cảm nhận điều này khi so sánh với chúng bạn, từ đó khởi đầu cho những rắc rối hiện nay.

Trong những gia đình đó, khó có thể hình dung cha mẹ đốc thúc con cái học hành để tiến thân như ở hầu hết các gia đình người nhập cư gốc châu Á. Từ đó, việc các trẻ này mặc cảm, chán học không khó hiểu. Bỏ học, tụm năm tụm ba chọc ghẹo người qua đường, nhất là khi ở các thành phố ngoại ô chẳng có chỗ nào chơi ngoài bãi đậu xe bên ngoài siêu thị.

Nhà xã hội học Eric Marlière, tuy bênh vực họ song cũng phải ghi nhận: “Các thanh niên này chiếm cứ các khu phố, biến những nơi này thành lãnh thổ của mình. Thật ra, họ bị “nhốt” trong không gian đó, do lẽ các chốn công cộng khác đều ít nhiều đóng cửa đối với họ (do phải trả tiền)” (Le Monde 4/11/2005). Lớn chút nữa vô nghề vô nghiệp, chôm chỉa radio xe hơi, cạy cửa siêu thị... chỉ một bước.

Không lấy làm lạ tại sao “Báo cáo dân số tù tội” 2003 của Cao ủy Y tế công cộng (HCSP) của Pháp ghi nhận “người có sinh quán ở nước ngoài vào tù nhiều hơn đại bộ phận dân số: 24% so với 13%”. Nếu tính cả số thanh niên cha mẹ nhập cư nhưng sinh ra tại Pháp, tỉ lệ này chắc còn nhiều hơn gấp đôi.

Báo cáo trên cũng cho biết số thanh niên gốc nhập cư này thoát ly gia đình sớm hơn các thanh niên “gốc tại chỗ”: 50% ra khỏi nhà trước năm 19 tuổi, sớm hơn đại bộ phận thanh niên những ba năm! Tại sao thế? Báo cáo trên giải thích: “Nhóm dân số này thất bại ở nhà trường, thất bại trong gia đình, thất bại trong bộ máy kinh tế”. Nói cách khác, ở nhà cha mẹ không ưa; đến trường học không vô; đi làm thì không có cửa!

Do lẽ, không phải tất cả đều “quậy” mà chỉ một thiểu số. Thế nhưng những con sâu này làm rầu nồi canh khiến các thanh niên học hành đỗ đạt phải chịu vạ lây khi xin việc hay thuê nhà.

Bỏ học giữa chừng làm sao có nghề nghiệp để có công ăn việc làm như người khác. Thế cho nên, họ chiếm đa số trong nhóm dân số dưới ngưỡng nghèo (vốn chiếm 6,5% tổng dân số, tức khoảng 1 triệu người). Trong một xã hội mà GDP/ đầu người tính theo sức mua lên đến 28.700F/năm, những người dưới ngưỡng nghèo 2F/ngày làm sao sống nổi (và không ganh ghét)? Và xe hơi chính là đối tượng thèm khát và ganh tị.

Ở Pháp, do khoảng cách chỗ làm ngắn, xe buýt, xe điện thiết thực hơn, nên xe hơi được xem như là một “vị trí xã hội”, một “giá trị xã hội” hơn là “cái chân đi”.

Trong bối cảnh đó, các biện pháp “cảnh sát” không còn ý nghĩa. Nhà xã hội học Eric Marlìere nhận định:  “Không thể cứ chỉ đàn áp mà thôi. Những cuộc nổi loạn năm 2005 này đã chứng tỏ sự thất bại của các chính sách đô thị trong 25 năm qua”. Cần phải có một kế sách khác.

Hôm thứ ba 8/11, Thủ tướng Pháp De Villepin tuyên bố trước quốc hội: “Phải làm sao đưa các học sinh nào từ 14 tuổi trở lên mà chán học hoặc đã bỏ học đi tập việc”. Dường như đây là một giải pháp căn cơ hơn. Có vẻ như Thủ tướng De Villepin đã “bấm đúng huyệt”.

Cho đến nay, ở Pháp chủ trương phổ cập hóa tú tài, sao cho tất cả, nếu muốn, đều có thể bước vào đại học. Chủ trương là như thế, song có đến 50% học sinh thôi học ở tuổi 16 để quay qua học nghề, có thể do chán học, có thể do sức học yếu. Thế nhưng, đâu phải tất cả đều có thể chọn một trong hai con đường trên. Muốn học nghề trong các trường chuyên nghiệp cũng phải hội đủ trình độ học vấn tối thiểu hết cấp II (bằng brevet). Các thiếu niên bỏ học giữa chừng trong cấp II “kẹt cứng”!

Thế cho nên, Thủ tướng De Villepin đã thức thời khi quyết định tạo ra một chọn lựa thứ ba cho họ để họ khỏi nhàn cư vi bất thiện. Tập việc nơi một thợ cả lò bánh mì chẳng hạn, lại được trả công, có lẽ đây sẽ là lối ra khả dĩ cả cho các thanh thiếu niên này lẫn cho xã hội. Hi vọng là như thế. Trừ phi đằng sau các vụ này là những sự giật dây nào đó giấu mặt, như có thể nghi hoặc từ sau khi các xe chuyên chở công cộng cũng bị đốt.

MỚI - NÓNG