Phán quyết gây tranh cãi của Tòa án đặc biệt Pakistan

TP - Ngày 19/12 vừa qua, Tòa án đặc biệt Pakistan đã công bố phán quyết áp dụng mức án tử hình đối với cựu Tổng thống Pervez Musharraf vì tội “phản quốc”. Trong đó còn yêu cầu, nếu Musharraf chết trước khi bị thi hành án tử hình, thi thể của ông phải được kéo đến treo tại quảng trường trước trụ sở Quốc hội Pakistan trong ba ngày.
Phán quyết gây tranh cãi của Tòa án đặc biệt Pakistan ảnh 1

Ông Waqar Ahmad Seth, Chánh án Tòa án đặc biệt Pakistan

Hiện đang được điều trị tại Dubai, ông Musharraf đã lập tức lên tiếng cho rằng bản án dành cho ông là do “có người trả thù vì mối hận thù cá nhân”. Một số chuyên gia pháp lý cho rằng ngay cả khi phán quyết trên chỉ mang tính tượng trưng, cũng đã vi hiến.

Theo Reuters, vào ngày 17/12, giờ địa phương, Tòa án đặc biệt Pakistan gồm ba thẩm phán đã kết án cựu Tổng thống Pakistan Musharraf tử hình vì tội “phản quốc” với hai người đồng ý và một người phản đối bản án. Ông Musharraf bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2001 và đã được bầu lại nhiều lần kể từ đó. Vào tháng 11/2007, ông đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và bãi nhiệm gần 60 thẩm phán. Hành động này được coi là vi hiến. Cựu Thủ tướng Sharif nhậm chức năm 2013, và vài tháng sau Musharraf bị buộc tội phản quốc. Ông rời Pakistan vào năm 2016 và hiện đang được điều trị tại Dubai.

Ông Asif Ghafoor, người phát ngôn quân đội Pakistan ngày 18 đã tuyên bố: ông Musharraf đã phục vụ đất nước này trong 40 năm, không thể bị coi là “phản quốc” và nói phán quyết liên quan đã khiến các thành viên của quân đội ở tất cả các cấp “cảm thấy đau lòng”. Ông chỉ ra rằng bản án đã bỏ qua quy trình pháp lý và còn thiếu sót. Tuyên bố của chính phủ Pakistan sau đó cũng đã chia sẻ quan điểm này.

Trong bản án dài 169 trang được ban hành vào ngày 19/12, chánh án Tòa án đặc biệt Waqar Ahmad Seth đã ra lệnh cho cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ ông Musharraf. Điều đáng ngạc nhiên là, ông còn yêu cầu nếu Musharraf trốn tránh bản án và chết trước khi bị xử tử, thi thể của ông phải được đưa đến quảng trường trước Quốc hội ở thủ đô Islamabad treo trong ba ngày. Lý do quan tòa Seth biện minh cho phán quyết gây tranh cãi nêu trên là bởi ông Musharraf đã liên tục trì hoãn, tránh ra tòa chịu xét xử. Ông cũng yêu cầu trừng phạt những người đã giúp Musharraf rời khỏi Pakistan.

Các chuyên gia pháp lý nói với Reuters rằng ngay cả khi phán quyết trên mang tính biểu tượng, nó vẫn vi hiến. Người phát ngôn quân đội, tướng Asif Ghafoor đã trả lời vào hôm thứ Năm (19/12): “Quyết định hôm nay, đặc biệt là từ ngữ, đã vượt ra khỏi giới hạn của nhân tính, tôn giáo, văn minh và bất kỳ quan niệm giá trị nào”. Ông cũng tiết lộ rằng Tham mưu trưởng Quân đội Pakistan, tướng Bajawa đã báo cáo về vụ việc với Thủ tướng Imran Khan.

Tờ Express Tribunal của Pakistan đưa tin, Asif Ghafoor còn nói với giọng điệu cứng rắn rằng, quân đội “biết cách làm thế nào bảo vệ danh dự và nhân phẩm của chính mình”, nhưng vẫn giữ sự kiềm chế vì “ưu tiên quốc gia”.

Tối 19/12, ông Farogh Naseem, Bộ trưởng Bộ Pháp luật và Công lý Pakistan, đã tổ chức một cuộc họp báo tuyên bố ông sẽ tìm cách loại tư cách thẩm phán của Chánh án Tòa án đặc biệt Waqar Ahmad Seth với danh nghĩa có hành “vi vi phạm quy trình”. “Quan điểm của chúng tôi là một thẩm phán như vậy không có đủ uy quyền phục vụ như một quan tòa của bất kỳ tòa án cấp cao hoặc Tòa án tối cao nào. Ông ta đã đưa ra một tuyên bố như vậy chứng tỏ rằng không phù hợp đảm đương trọng trách về mặt tinh thần. Do đó phải ngay lập tức ngăn ông ta thực hiện chức trách chính thức”.

Vào ngày 18, ông Musharraf đã cho công bố một đoạn video được ghi lại trên giường bệnh ở Dubai, mô tả phán quyết của Tòa án đặc biệt có động cơ chính trị và xuất phát từ “mối hận thù riêng tư”. “Bị cáo và luật sư không được phép có bất kỳ sự bào chữa nào đã ra phán quyết tử hình là điều chưa từng có trong lịch sử”. Luật sư của ông Musharraf dự định sẽ kháng cáo.

Sinh ngày 11/8/1943, Pervez Musharraf tiến thân bằng con đường binh nghiệp, từ một Binh nhì thăng dần lên đến chức vụ Tổng tư lệnh Bộ tham mưu Quân đội Pakistan. Ông lên nắm quyền ngày 12/10/1999, sau một cuộc đảo chính quân sự lật đổ ông Nawaz Sharif, Thủ tướng được bầu cử và từ đó đứng đầu cơ quan hành pháp. Sau đó ông trở thành Tổng thống Pakistan thứ 12 năm 2001 và đã được bầu lại nhiều lần.

Ngày 3/11/2007, ông đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở quốc gia này. Sau 9 năm cầm quyền, ngày 18 tháng 8 năm 2008, trước áp lực của các đảng đối lập kêu gọi luận tội tổng thống trước Quốc hội, ông đã buộc phải tuyên bố từ chức Tổng thống Pakistan rồi tới London sống lưu vong. Tháng 2/2011. Tòa án Pakistan phát lệnh truy nã ông Musharraf với cáo buộc ông mưu sát cựu Thủ tướng Benazir Bhutto.

Ông Musharraf luôn tìm kiếm sự ủng hộ và giúp đỡ của giới chính trị các nước phương Tây, tích lũy lực lượng hòng quay trở lại nắm quyền. Năm 2013, ông trở về Pakistan để tranh cử trong cuộc bầu cử quốc hội, nhưng tòa án bầu cử Pakistan ra phán quyết cho rằng ông không có tư cách để ra tranh cử.

Vào năm 2016, một tòa án địa phương ở Islamabad đã quyết định bắt giữ Musharraf và không cho phép ông được bảo lãnh tại ngoại vì cho rằng ông đã mưu sát cựu Thủ tướng Benazir Bhutto và giết hại các giáo sĩ tôn giáo vào năm 2007. Tháng 3 năm 2016, Musharraf đã xin đi Dubai để điều trị bệnh và đã không trở về Pakistan kể từ đó.

Phán quyết gây tranh cãi của Tòa án đặc biệt Pakistan ảnh 3

Ông Musharraf đang nằm trên giường bệnh ở Dubai

Phán quyết gây tranh cãi của Tòa án đặc biệt Pakistan ảnh 4

Ông Musharraf khi còn là Tổng thống Pakistan

Phán quyết gây tranh cãi của Tòa án đặc biệt Pakistan ảnh 5

Tướng Kafoor, người phát ngôn quân đội Pakistan

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.