"Phải tôn trọng quyết định của tòa án"

"Phải tôn trọng quyết định của tòa án"
TP - Chiều 7-3, ông Lê Hữu Thể (ảnh), Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao, người đã ký kháng nghị vụ "kỳ án hiếp dâm" để xét xử theo trình tự giám đốc thẩm đồng thời ký quyết định tạm đình chỉ thi hành án đối với 3 bị án, đã có cuộc trao đổi với PV Tiền Phong.

> Kỳ án hiếp dâm ở Hà Đông: Tống đạt quyết định thi hành án

Ông Thể nhấn mạnh: Các bị án Lợi, Tình, Kiên phải tôn trọng và tự giác thi hành quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án. Trong thời gian thụ án, họ vẫn có quyền tiếp tục làm đơn xin minh oan.

Thưa ông, nếu các bị án có lý do, ví dụ đang chữa bệnh, họ có được hoãn thi hành án không?

Nếu bị án có lý do chính đáng, họ phải có đơn xin được hoãn thi hành án. Nếu họ bỏ trốn hoặc chống đối thì sẽ bị cưỡng chế.

Trường hợp họ vẫn tiếp tục kêu oan thì sao, thưa ông?

Trước hết, họ vẫn phải chấp hành quyết định thi hành án của toà án. Trong thời gian thụ án, các bị án có quyền tiếp tục làm đơn xin được minh oan.

Vì kêu oan, nên họ sẽ không được miễn giảm một ngày tù nào, dù họ có cải tạo tốt đến mấy.

Báo Tiền Phong các bạn từng đăng vụ kỳ án "Hai chiếc phích nước" ở Phú Thọ, 4 công dân đã được giải oan sau 18 năm bị hàm oan. Nếu các bị án Lợi, Tình, Kiên thực sự bị oan, họ đừng tắt hy vọng.

Biết đâu sau này, chính các cơ quan toà án sẽ tìm được chứng cứ nào đấy chứng minh họ bị oan, khi đó họ sẽ được minh oan - kể cả khi họ đã thi hành xong án phạt tù.

Ông có niềm tin 3 bị án này bị oan không, thưa ông?

Vấn đề là đánh giá chứng cứ. Chúng tôi cho rằng các tài liệu, chứng cứ của vụ án không đủ kết tội 3 bị án. Tuy nhiên, kháng nghị của chúng tôi chưa đủ thuyết phục Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

Điều này không phải hy hữu, các kháng nghị của Viện KSND Tối cao được TAND Tối cao chấp nhận khoảng 70 - 80% thôi.

Theo một nguồn tin, Công an TP Hà Nội đã bước đầu tìm ra manh mối thủ phạm đích thực của vụ án, tuy nhiên họ không thể áp dụng các biện pháp tố tụng cần thiết để điều tra, do không thể khởi tố vụ án. Nhiều chuyên gia pháp luật nhận định, để tránh làm oan ở mức cao nhất, cần huỷ các bản án trước đây (đã có hiệu lực) để điều tra và xét xử lại. Xin cho biết quan điểm của ông?

Việc đó thuộc thẩm quyền của toà án. Phải nhận thấy việc chúng tôi ra kháng nghị, rồi TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, là đều cùng hướng tới một tiêu chí chung, đó là tránh làm oan cho các bị án ở mức cao nhất.

Xin cám ơn ông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG