Cũng theo ông Bảo, lương thưởng ở Tập đoàn được thực hiện theo quy định Nhà nước và việc thưởng tết hay không do cổ đông quyết định.
Chủ tịch Petrolimex- ông Bùi Ngọc Bảo. |
Bên lề Hội nghị tổng kết công tác tái cơ cấu và thực hiện Nghị định 99/2012/NĐ-CP đối với doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công thương diễn ra sáng 30/11, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã có cuộc trao đổi với báo chí các vấn đề liên quan đến tập đoàn này.
Trong Báo cáo tài chính 9 tháng vừa rồi không cho thấy phần đóng góp của kinh doanh xăng dầu vào lợi nhuận chung. Vậy con số cụ thể bao nhiêu thưa ông?
Có lẽ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không công bố, còn Petrolimex đã nộp đầy đủ các báo cáo. Tập đoàn của chúng tôi hoạt động đa ngành. Theo tôi nhớ thì lợi nhuận từ xăng dầu trong 9 tháng đầu năm khoảng 729 tỷ đồng. Trong quý III, lợi nhuận xăng dầu cũng tương đương với quý II thôi.
Ngoài xăng dầu thì hoạt động ở lĩnh vực nào đóng góp lớn nhất cho Petrolimex hiện nay thưa ông?
Ngoài xăng dầu thì hóa dầu là có đóng góp lớn nhất.
Có nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước đang được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước và lợi nhuận của Petrolimex cũng thu được đa phần tư tăng giá xăng dầu. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi không hiểu ưu đãi ở đây là gì vì thị trường xăng dầu là thị trường rất mở, tư nhân bất cứ ai có tiềm lực đều có thể tham gia. Đây chỉ là thị trường có điều kiện. Bạn có thể thấy là hiện tại cũng đã có tới mấy chục đầu mối rồi.
Nhưng Petrolimex vẫn đang là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất và có lợi thế dẫn đầu?
Chiếm thị phần lớn nhất hay không thì quan trọng các tiêu thức đánh giá phải chuẩn. Hơn 50% thị phần là cộng bình quân: Có những thị trường như Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng… thì thậm chí chúng tôi chiếm 100% vì chẳng ai muốn lên kinh doanh trên vùng núi cả, chắc chắn lỗ. Những khu vực này tỉ lệ chiếm lĩnh thị trường của Petrolimex lại rất lớn.
Nhưng tại những thị trường cạnh tranh như TP.HCM, Nà Nội, Tây Nam bộ thì chúng tôi chỉ chiếm dưới 30%. Tỷ lệ thị phần phụ thuộc vào từng khu vực và con số trên 50% chỉ là con số trung bình của các khu vực cộng lại. Vì thế, cần phải đánh giá thật tổng thể.
Giá vốn hoạch toán 9 tháng của Petrolimex giảm nhiều, lợi nhuận tăng không phải do doanh thu mà do chi phí giảm. Trong hoạt động nhập khẩu xăng dầu vừa rồi, Petrolimex có có lợi thế nào về giá nhập vào không?
Giá xăng dầu hoàn toàn tuần thủ theo giá lên hay xuống của thị trường quốc tế. Giá bán ra thì có nhiều yếu tố, từ thuế, chi phí của Nhà nước, trong đó có định mức về hoạt động của các doanh nghiệp 1 cách đồng đều. Các doanh nghiệp đều có phần định mức chi phí giống nhau
Thời điểm nhập khác nhau nhưng vì sao mỗi lần tăng, giảm giá bán lẻ xăng dầu, các doanh nghiệp đầu mối đều có mức giá đồng loạt giống nhau?
Như vậy có nghĩa là liên bộ đã khống chế ở mức không thể thấp hơn được. Nó khác nhau ở một chi tiết cụ thể thôi còn mức giá đó thì vẫn tuân theo đúng bình quân tháng, bình quân tháng thì không khác nhau.
Việc ngừng trích quỹ Bình ổn giá xăng dầu có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh của Petrolimex?
Kinh doanh có nguyên tắc chung, kết quả lỗ, lãi đều vào tùy thuộc vào giá bán, bỏ đi cấu thành nào trong đó đều ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Đấy là điều dễ hiểu! Thế nên, khi không cho trích, chi Quỹ nữa thì dĩ nhiên sẽ phản ánh quá giá bán.
Tất nhiên là ảnh hưởng, nhưng đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Có thể là Nhà nước đã có dự toán lâu dài về sự ảnh hưởng của diễn biến giá bên ngoài.
Ông nghĩ thế nào về ý kiến cho rằng, Petrolimex đang đẩy lỗ sang cho người dân?
Về giá, hiện liên bộ đang quản lý. Các cơ quan quản lý họ xác định và có tiêu thức. Tôi không nghĩ là các cơ quan quản lý hay Chính phủ đùn đẩy khó khăn cho người dân, mà dùng mọi biện pháp để có thể bình ổn một cách tốt nhất. Bằng chứng là trong nhiều năm, dù rất khó khăn nhưng Chính phủ vẫn phải bằng mọi cách, giảm thu Ngân sách, giảm thuế để giữ giá bình ổn. Cho nên, không thể nói như vậy. Không một Chính phủ nào, bộ liên ngành nào đẩy khó khăn cho người dân cả! Hiện tại, giá vẫn do liên Bộ quyết định và chúng ta tin tưởng, đấy là sự cố gắng nỗ lực lớn nhất của Chính phủ đối với người dân.
Từ trước tới nay Petrolimex không hề kêu ca phàn nàn gì về chuyện lỗ, lãi vì giá xăng dầu do liên Bộ quản lý, chúng tôi không có ý kiến gì, bảo điều chỉnh lên thì lên, xuống thì xuống. Đây là cân đối lớn của Nhà nước.
Với tình hình lợi nhuận đang rất khả quan, 9 tháng gấp rưỡi cùng kỳ. Dự kiến lương thưởng cuối năm của Petrolimex như thế nào thưa ông?
Chúng tôi thực hiện theo quy định của Nhà nước. Năm ngoái là năm cực kỳ khó khăn với Petrolimex nên không có thưởng, năm nay chúng tôi cũng sẽ cố gắng duy trì giữ bởi vì với đơn vị cổ phần thì lợi nhuận sau thuế là lợi nhuận của cổ đông.
Đối với đơn vị cổ phần, thưởng hay không là do cổ đông quyết định, mặc dù vốn Nhà nước chiếm đa số. Đây là điểm khác nhau giữa doanh nghiệp cổ phần và doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Dù là cổ đông chỉ nắm 5% nhưng nếu cổ đông không hài lòng cho thưởng thì cũng không thể thưởng.
Trong hai năm vừa rồi, chúng tôi đã chậm chia cổ tức cho cổ đông do vướng mắc trong quyết toán cổ phần hóa.
Hiện tại đối với kinh doanh xăng dầu thì dù chỉ còn 1 tháng cũng không ai dám nói đạt lợi nhuận kì vọng cả năm sẽ như thế nào.
Theo Bích Diệp
Dân Trí
Xem thêm:
> Nhờ đâu Petrolimex lãi hơn 1.500 tỷ đồng?
>Petrolimex lãi hơn 630 tỷ đồng, 4 lần tăng giá xăng