Ông giáo dạy toán 'suốt đời tập nói' và tập sách kỷ lục 15 lần tái bản

Ông giáo dạy toán 'suốt đời tập nói' và tập sách kỷ lục 15 lần tái bản
TPO - Nhà văn Đoàn Thạch Biền kể lại lần đầu tiên gặp Phạm Hồng Danh khi ông thầy đến nhận giải thưởng cuộc thi Truyện ngắn mini do tuyển tập Áo Trắng tổ chức. Khi gặp Phạm Hồng Danh, BTC cuộc thi đã ngỡ ngàng bởi trong bản thảo gửi dự thi, tác giả chỉ ghi “Phạm Hồng Danh - Đại học kinh tế” nên ai cũng nghĩ Phạm Hồng Danh là sinh viên trường đại học này. Nhưng hoá ra Phạm Hồng Danh là giảng viên trường này, mà là giảng viên về toán không liên quan gì tới văn thơ. 

Phạm Hồng Danh quê ở Nha Trang, nhà nghèo nên khi trở thành sinh viên đại học ở Sài Gòn, ông đã phải “ăn bờ ngủ bụi” đúng nghĩa khi không có tiền trọ, sau buổi học nếu không đi làm thêm đành chọn nằm ngủ khi thì thềm nhà hát TP, khi thì chân tượng Trần Nguyên Hãn. Ấy vậy mà Phạm Hồng Danh lại học rất giỏi để rồi được mời giảng dạy môn toán tại Đại học kinh tế TPHCM.

Gần 40 năm theo nghề dạy học, Phạm Hồng Danh là Trưởng bộ môn Toán Cơ bản của Đại học Kinh tế TPHCM, rồi Giám đốc Trung tâm Luyện thi Vĩnh …. Ở tuổi 60, Phạm Hồng Danh mới lấy xong cái bằng Tiến sỹ Toán, cái bằng mà rất nhiều học trò của ông đã có từ rất lâu. Nhưng vì Phạm Hồng Danh dạy toán nhưng lại mê văn thơ. 

Ông giáo dạy toán 'suốt đời tập nói' và tập sách kỷ lục 15 lần tái bản ảnh 1 Thầy giáo Phạm Hồng Danh.

Phạm Hồng Danh bắt đầu đến với văn thơ từ năm 1985 qua bài thơ Người suốt đời tập nói. Đây là giai đoạn khó khăn với ông thầy trẻ với những vấp ngã, với những vui buồn trong cuộc đời rồi tình cờ đọc được câu danh ngôn “Người ta cần 2 năm để tập nói và cần 60 năm để tập im lặng”. Nhưng Phạm Hồng Danh lại không muốn im lặng nên để đi đúng hướng trong cuộc đời, đôi khi người ta cũng cần phải luôn luôn tập nói. “Tôi hiểu gì sau bao năm cầm phấn/ Còn lại gì từ dòng chữ tôi ghi/ Gánh trên vai quê hương nhiều lận đận/ Từ nơi này tôi tiễn các em đi/ Chưa nói hết những điều trong ý nghĩ/ Để lòng mình bao ấm ức mang theo/ Ôm khát vọng cùng đi tìm chân lý/ Hạnh phúc tôi đôi mắt ấy trong veo/ Chưa hiểu hết bảng đen cùng phấn trắng/ Dẫu tuổi đời cứ chồng chất trên vai/ Tôi vẫn sống với niềm vui thầm lặng/ Rơi âm thầm như bụi phấn ban mai/ Trái tim tôi bao lần tự hỏi/ Nỗi niềm nào đành giấu kín thôi em/ Cứ như thể suốt đời tôi tập nói/ Trước học trò và phấn trắng bảng đen” 

Nhưng Phạm Hồng Danh học nói bằng bút. Ngoài thời gian đánh vật với những con số, công thức, hằng đẳng thức vô hồn thì thời gian còn lại, Phạm Hồng Danh lắng đọng với thơ, với truyện… Phạm Hồng Danh coi công việc viết lách là thư giãn nhưng không vì thế mà người đọc cảm thấy.. thư giãn khi đọc văn của anh. “Văn của Phạm Hồng Danh rất lạ. Anh thường đưa nhưng điều nghịch lý, những lời nguỵ biện để các nhân vật (Và cả người đọc) lao vào với những bàn luận, tranh cãi xem ai Trắng, ai đen? Và người thắng cuộc hiểu rằng Có hạnh phúc xen lẫn đau khổ, có đức hạnh xen lẫn lỗi lầm như trong triết lý của Kinh dịch: Âm trung hữu dương”- Nhà văn Đoàn Thạch Biền nhận xét như thế. 

Ông giáo dạy toán 'suốt đời tập nói' và tập sách kỷ lục 15 lần tái bản ảnh 2 Bìa tập truyện "Tuyện vọng và bất tử"

Hơn 30 năm cầm bút, Phạm Hồng Danh đã sở hữu khá nhiều đầu sách từ thơ tới văn xuôi, tuy nhiên nổi bật nhất là tập truyện Tuyệt vọng và bất tử được in lần đầu năm 1999. Một tập truyện mà khi xuất bản lần đầu, đích thân một người bạn của Phạm Hồng Danh- ông Nguyễn Hoàng Năng (Bí thư Thành Đoàn TPHCM) đã nhận xét: “Nhưng truyện ngắn trong tập truyện này như lời tự sự của tác giả về cuộc đời. Ẩn sau những lý luận và triết lý tâm huyết của Danh gởi tới sinh viên, bạn bè và những người thân về cái nghĩa, cái tình, về một cách sống tưởng như giản đơn mà sâu sắc”. Bởi thế, Tuyệt vọng và bất tử đã được tái bản rất nhiều lần với 20 năm là 15 lần tái bản. Nhưng Phạm Hồng Danh không bán sách mà anh in để tặng sinh viên hay học trò đang luyện thi. Đấy cũng là cách ông muốn chia sẻ những suy nghĩ được thể hiện thành câu chữ với bạn đọc và cũng là học trò của ông ở một bài học khác ngoài những con số toán học. 

Lần tái bản thứ 15 này có ý nghĩa hơn với Phạm Hồng Danh khi cả xã hội vừa trải qua đại dịch COVID. Vì thế, khi tặng Tuyệt vọng và Bất tử cho từng người, Phạm Hồng Danh lại nói vui: “Không có gì mà phải tuyệt vọng, biết đâu COVID lại giúp cho chúng ta có thêm cơ hội để làm chuyện khác “bất tử” hơn. Và hình như qua cuốn sách, Phạm Hồng Danh cũng đang dạy người khác “Tập nói”.  
MỚI - NÓNG