Thêm một năm không mấy yên ả đối với ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc một loạt công ty đã niêm yết như Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, Công ty Viễn thông Sài Gòn...
Riêng số thua lỗ của Kinh Bắc trong 9 tháng đầu năm đã gần 140 tỷ đồng. Tuy nhiên, người vẫn được xem là một trong những đại gia giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đã tự tin cho rằng, khó khăn đã giảm đi rất nhiều và bây giờ là thời điểm hồi phục.
Năm 2013 sắp hết, nhìn lại một năm, ông thấy tình hình kinh tế nói chung đã sáng lên chưa?
Rõ ràng các doanh nghiệp (DN) đã có một năm hết sức chật vật. Một phần do chính sách thắt chặt tiền tệ và một phần do sức hấp thụ vốn của DN bị yếu đi nhiều. Năm nay, thu ngân sách giảm rất nhiều, cho thấy DN hoạt động rất yếu. Các số liệu thống kê cho thấy 70% DN thua lỗ.
Khó khăn hơn năm ngoái thì làm sao trả được nợ mà bảo nợ xấu giảm đi? Nợ xấu không giảm đi mà chỉ là tái cấu trúc nợ xấu thôi. Tôi nghĩ nợ xấu phải đưa vào một lộ trình xử lý trong 5 - 7 năm mới xong, chứ không xử lý ngắn hạn được.
Nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu hồi phục nhưng DN vẫn chưa đầu tư nhiều vì chưa vay được vốn. Khó khăn đã 5 - 6 năm nay rồi, có thể sẽ đi vào chu kỳ hồi phục, phát triển mới, nhưng làm sao để chu kỳ này kéo dài thì phải cần có các chính sách đúng đắn và bền vững.
Trong một năm khó khăn như vậy, tập đoàn của ông đã có giải pháp gì để giảm gánh nặng thua lỗ?
Tập đoàn của chúng tôi có mấy chục công ty thì hơn phân nửa trong số đó thua lỗ. Nhưng đó mới là một nửa sự thật. Thua lỗ, không vay được thì không nói làm gì vì không có tài sản đảm bảo, nhưng các khu công nghiệp vẫn hoạt động tốt cũng không được vay.
Như năm nay, chúng tôi thu hút được 10% tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam. Mức độ thu hút như thế không phải thường mà còn không vay được một xu nào cả thì thử hỏi các DN khác làm sao vay được?
Đây không phải do lỗi của Ngân hàng Nhà nước mà là do các ngân hàng đã "quá sợ" rồi. Nhiều ngân hàng buộc tất cả các khoản vay đều phải có tài sản đảm bảo, có giá trị gấp đôi khoản vay. Thanh tra kiểm tra kết luận là nâng khống tài sản đảm bảo, đất đai đảm bảo thì có nơi định giá giảm tới 40%.
Khi đánh giá như vậy, ngân hàng thấy rất nặng nề, nên khi cho vay mới, họ đánh giá lại và cho vay với tỷ lệ rất thấp. Chúng tôi cho thuê khu công nghiệp là 40 - 60 USD/m2, nhưng ngân hàng đánh giá là 20USD, rồi chỉ cho vay 10USD. Thế thì làm sao sống nổi!
Được biết, năm sau, ông quyết tâm chấm dứt thua lỗ và có lãi, nhưng bằng giải pháp nào?
Trước hết, chúng tôi phải thoát hết số vốn còn lại ở những lĩnh vực bất động sản, chứng khoán... Hai ngân hàng (Phương Tây và Nam Việt) thì thoát hết rồi nhưng còn những công ty khác trước đây mua cổ phần thì phải thoái vốn, dù giá trị cổ phiếu còn rất thấp. Bên cạnh đó, chúng tôi dồn hết nguồn lực vào phát triển các khu công nghiệp.
Trước đây, có giai đoạn, lĩnh vực này bị bỏ bê mặc dù thu hút đầu tư nước ngoài cũng tốt, nhưng nhân sự bị dàn mỏng. Bây giờ, chúng tôi đã thoái vốn hết khỏi thủy điện, nhân sự được tập trung nên năng lực cạnh tranh ở các khu công nghiệp lại tăng lên đáng kể.
Phải nhìn thẳng vào thực trạng mới có được giải pháp đúng. DN từ chỗ chết mà đứng dậy được mới gọi là trưởng thành |
Cơ sở hạ tầng có rồi, cho thuê thêm được là có thêm tiền, nên xin được ngân hàng cho giãn nợ. Cứ thu thêm được 2 đồng thì có 1 đồng trả nợ, còn 1 đồng tái đầu tư.
Việt Nam đang tìm mô hình tăng trưởng thì DN như chúng tôi cũng phải tìm mô hình tăng trưởng phù hợp. Mấy chục ngàn lao động mà không nợ lương, không sa thải ai, chỉ cấu trúc lại, phân bố lại. Một số khu công nghiệp nhận mà mãi không thu hút được nhà đầu tư cũng trả lại.
Thực ra trong năm 2013, tuy có nhiều DN thua lỗ, ngừng hoạt động nhưng cũng có những DN làm ăn có lãi, thậm chí lãi lớn?
Có những DN phát triển rất mạnh như Vingroup hay Masan vì họ tái cấu trúc từ trước khủng hoảng rồi. Họ đầu tư, kinh doanh mảng sản xuất hàng tiêu dùng rất thành công nên tài sản bây giờ rất lớn.
Nguồn lực của những DN này rất mạnh, không chỉ ở trong nước mà các quỹ nước ngoài cũng tham gia. Rất tiếc những DN thành công như thế không nhiều. Ngay cả Hoàng Anh Gia Lai một thời gian phát triển mạnh, đến bây giờ cũng phải rút khỏi bất động sản.
Nhìn vào các DN đã thành công và nhìn lại mình, ông thấy điều gì?
Trước đây, đi đâu cũng được khen, rồi tự huyễn hoặc mình quá đáng. Còn bây giờ, soi gương, chưa khi nào thấy mình xấu như vậy! Nhưng cũng tự nhủ lòng là không nên quá bi quan, phải nhìn thẳng vào thực trạng mới có được giải pháp đúng. DN từ chỗ chết mà đứng dậy được mới gọi là trưởng thành.
Chúng tôi có lúc tưởng chừng như không thể nào vượt qua được khó khăn. Bị đòi nợ suốt ngày, mở điện thoại ra là thấy tin nhắn đòi tiền. Chỗ này chỗ kia đòi tiền, đàm phán hoãn nợ đã không đủ thời gian, còn giờ đâu làm những chuyện khác nữa.
Cuộc đời lúc đó như cơn ác mộng, kinh khủng lắm! Nhưng nhìn sang nhiều DN khác thấy cũng vậy nên tự nhủ phải cố gắng hơn nữa.
Ở những điểm sáng là các DN đã thành công, có những điều chúng tôi phải học tập. Trước đây, cứ có đồng nào là lại đổ vào đầu tư tài chính, nên vốn rải rác hết, lỗ lại đổ về. Các công ty liên kết, công ty con lỗ thì công ty mẹ bị ảnh hưởng.
Chính vì thế, chúng tôi rút kinh nghiệm là tập trung cho những lĩnh vực chính, còn những mảng đầu tư khác ngoài ngành đắt rẻ cũng phải bán đi. Đây là bài học lớn cho chúng tôi và nhiều DN khác nữa, sẽ giúp ích cho tăng trưởng kinh tế thời gian tới.
Còn về chính sách nói chung...?
Nhà nước cũng có những bài học cần rút kinh nghiệm. Tại sao DN giải thể, phá sản quá nhiều như vậy? Tuy có lỗi của DN nhưng lỗi về chính sách cũng chắc chắn có. Hiện nay, người ta báo nợ xấu giảm đi nhưng không phải, chẳng qua chỉ là điều chỉnh sổ sách, giãn nợ thôi, chứ bản chất vẫn thế.
Thực sự là có thể dùng chính sách khoanh nợ xấu lại. DN khi được khoanh nợ lại sẽ yên tâm, tập trung vào sản xuất, kinh doanh. Còn nếu không, cứ canh cánh suốt ngày, hở ra đồng nào là ngân hàng thu, mất hết tinh thần.
Chính sách càng cụ thể thì DN càng yên tâm kinh doanh. Nếu áp dụng như thế, một số lớn DN có thể hồi phục và kinh tế mới chuyển mình được, còn nếu không, 4 -5 năm nữa, kinh tế Việt Nam cũng không hồi phục được. Quan trọng nhất là dòng tiền vào đi vào cuộc sống, DN phải hồi phục được thì mới là một nền kinh tế lành mạnh.
Ông còn có ý định mở mang thêm một lĩnh vực mới nào trong tương lai không?
Tôi đã nghĩ sau khi trả hết nợ, giao lại khu công nghiệp cho các anh em khác làm cho đúng định hướng. Nếu có cơ hội, tôi sẽ tham gia đầu tư vào giáo dục và y tế. Hai lĩnh vực này nếu tập trung đầu tư làm tốt thì không bao giờ lỗ vì nhu cầu tại Việt Nam rất lớn. Với những bài học xương máu như vừa trải qua, tôi tự tin hơn nếu có những cơ hội đầu tư mới.
Xin cảm ơn ông!
Theo Mạnh Quân
Doanh nhân Sài gòn