Ông bầu ngắc ngoải, thị trường chuyển nhượng èo uột

Ông bầu ngắc ngoải, thị trường chuyển nhượng èo uột
Từ nguy cơ, đến cảnh báo và giờ là sự thật. Quả bong bóng bóng đá Việt Nam cấp CLB đang xì hơi sau những phát pháo đầu tiên của mấy ông chủ cỡ bự về khả năng có thể buông luôn bóng đá.

Ông bầu ngắc ngoải, thị trường chuyển nhượng èo uột

Từ nguy cơ, đến cảnh báo và giờ là sự thật. Quả bong bóng bóng đá Việt Nam cấp CLB đang xì hơi sau những phát pháo đầu tiên của mấy ông chủ cỡ bự về khả năng có thể buông luôn bóng đá.

CLB BĐHN gặp khó, Công Vinh cũng phải lo cho tương lai
CLB BĐHN gặp khó, Công Vinh cũng phải lo cho tương lai. Ảnh: V.S.I
 

“Bầu” rút ống thở…

Trên thực tế, không phải đợi đến bây giờ, khi nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến địa hạt bóng đá, vấn đề “ông bầu có thể buông đội bóng” mới được đề cập.

Cách đây cả nửa thập niên, bầu Thắng, bầu Đức (những ông bầu tiên phong với mô hình bóng-đá-doanh-nghiệp) đã không ít lần “dọa” rút khỏi giải đấu, thậm chí là bỏ luôn bóng đá. Nên nhớ, đó vẫn là khoảng thời gian hoàng kim của “Gạch” và “Gỗ”.

Nhưng vào thời điểm đó, bầu Thắng, bầu Đức bày tỏ ý định “buông” đơn thuần vì không tìm được tiếng nói chung với nhà tổ chức về một giải đấu công bằng, “fair-play”, trong đó nổi cộm là vấn đề điều hành, công tác giám sát, trọng tài.

VPF ra đời như một đòi khỏi khách quan của lịch sử, trong việc hướng đến một giải đấu sạch và quy củ. Tuy nhiên ngay lúc này, không ít các ông chủ muốn nói lời chia tay, bởi đã cạn vốn.

Có thể doanh nghiệp không vung tiền bừa bãi như nhiều người nghĩ, nhưng hậu quả của cung cách làm bóng đá thiếu căn cơ đã nhãn tiền, khi chúng ta (mà cụ thể là VFF, tổ chức nghề nghiệp chịu trách nhiệm trực tiếp với sự thành bại của nền bóng đá) không đưa ra được một cơ chế kiểm soát hay chế tài thực sự hợp lý.

Bóng-đá-kim-tiền cũng giống như quả bong bóng và nó có thể bị xì hơi bất cứ lúc nào. “Đèn nhà ai nấy sáng” cho đến khi… hết dầu!

Sau sự kiện bầu Kiên bị bắt, giờ đến cả ông bầu đông tiền như chủ tịch Đỗ Quang Hiển của HN.T&T mới đây cũng đánh tiếng là muốn thoái vốn đầu tư vào các Công ty CP bóng đá, phần chìm của tảng băng đã dần lộ diện.

Ngôi sao cũng thành hàng “hạ giá”

Có thể thấy chuyện nợ vài tháng lương hay tiền thưởng cho chục trận đấu không thua, chỉ như muối bỏ biển trong toàn bộ kế hoạch tài chính của CLB cho cả mùa giải hay chu kỳ tính bằng vài năm!

Sơ bộ, một CLB V-League đã luôn phải chi ra từ 50 – 70, thậm chí cả trăm tỷ đồng cho mỗi mùa giải và đó là con số quá lớn, khi bóng đá bản thân nó vẫn chưa thể nuôi được cơ thể mình. Người ta đá ví, bóng đá Việt Nam cấp CLB như “tằm ăn rỗi” là vì thế.

Từ SLNA, đến V.NB, N.SG và thậm chí cả 2 đội bóng được cho là của bầu Hiển: HN.T&T và SHB.ĐN, vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể nào cho mùa giải năm sau.

Rất nhiều những bản hợp đồng tiền tỷ có nguy cơ đứng đường, nếu không đạt được thỏa thuận chuyển nhượng hoặc bỗng một ngày, ông bầu nói giải tán đội bóng.

Chuyện thật như bịa, khi mới chỉ một năm về trước, vẫn còn đó những bản hợp đồng non chục tỷ được ký mới (Việt Thắng là một ví dụ).

Ví như chuyện của N.SG. Ngay lúc này, dù ông chủ vẫn bặt vô âm tín và thông tin về việc chuyển giao hay giải tán CLB vẫn chưa chính thức được phát đi, nhưng việc các cầu thủ được bật đèn xanh tìm bến đỗ mới là có thật.

Thông điệp này được gửi đến cầu thủ từ giai đoạn 2 V-League 2012, chứ không phải đợi đến khi kết thúc mùa bóng. Đấy được xem là một trong những nỗ lực cuối cùng để lãnh đạo N.SG hoàn vốn, sau rất nhiều những vụ đầu tư hao tiền tốn của.

Sự thật là phần lớn những bản hợp đắt giá từng về với N.SG từ đôi ba năm đổ lại, không phản ánh đúng với năng lực chơi bóng của họ. Thế nên, việc thanh lý hàng “hạ giá” cũng không hề đơn giản.

Chỉ tính riêng mặt trận V-League, theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 50 cầu thủ chưa tìm được các thỏa thuận gia hạn hoặc ký mới hợp đồng. Chiếm số lượng áp đảo trong đội quân có nguy cơ thất nghiệp này là K.KG, TĐCS.ĐT, N.SG, V.HP và K.KH.

Ngoài ra, việc các đội bóng của bầu Kiên hiện vẫn chưa rõ tương lai cũng đặt nền bóng đá vào thế thở oxy.

Chắc chắn VFF và VPF không thể làm ngơ với số phận các đội bóng của ông bầu tóc bạc.

Theo Tùy Phong
Thể Thao Văn Hóa

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG