Tăng nhập xe giá rẻ
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, số lượng xe con nhập khẩu về Việt Nam, tính đến hết ngày 15/3, đạt 22.104 chiếc, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm trước. Không những thế, giá bình quân lại giảm. Trong tháng 3, giá xe nhập bình quân chỉ có 412 triệu đồng/chiếc, thấp hơn so với đầu năm là 461 triệu đồng/chiếc. Còn so với năm 2018, giá xe nhập bình quân đã rẻ hơn khoảng 100 triệu đồng/chiếc.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, giá xe nhập khẩu bình quân giảm, là do các DN đang đẩy mạnh nhập các dòng xe giá rẻ vào thời gian này, thay vì những dòng xe đắt tiền. Các mẫu xe giá rẻ chủ yếu được nhập khẩu từ thị trường Thái Lan và Indonesia.
Các DN cho hay đang tập trung nhiều vào những mẫu xe nhập khẩu có giá dưới 400 triệu đồng (chưa tính các loại thuế nội địa). Theo đại diện Mitsubishi Việt Nam, mẫu xe Xpander đến nay còn hơn 3.000 đơn đặt hàng nhưng chưa có xe để giao. Những khách đặt xe vào đầu tháng 3/2019 phải chờ sang tháng 5 mới được nhận xe. Không những thế, số lượng khách hàng đặt xe vẫn tiếp tục tăng. Mitsubishi Việt Nam đang dồn mọi nguồn lực cho việc nhập khẩu sản phẩm này. Trong tháng 3, có hơn 1.000 xe Xpander về nước.
Với Toyota Việt Nam, mẫu xe Rush cũng đang thiếu hàng trầm trọng. Những khách hàng đặt mua Toyota Rush vào đầu tháng 3 sẽ phải chờ tới tháng 6/2019 mới được nhận xe. Nhiều đại lý của Toyota Việt Nam không nhận đặt cọc của khách nữa do không biết khi nào mới có xe giao. Toyota Việt Nam đang đẩy mạnh nhập khẩu mẫu xe này để đáp ứng nhu cầu.
Bên cạnh đó, một loạt mẫu xe giá rẻ khác cũng có doanh số bán khởi sắc. Toyota Việt Nam có mẫu Wigo, từ đầu năm 2019 đến nay tiêu thụ được gần 1.000 chiếc, Yaris bán được hơn 800 chiếc. Mitsubishi Việt Nam có Attrage và Mirage đạt doanh số hơn 500 chiếc. Suzuki có hai mẫu Swif và Celerio gần 500 chiếc, ngoài ra còn Mazda 2 cũng có doanh số gần 500 chiếc,...
Xe nhập giá rẻ tăng mạnh là điều dễ nhận thấy bởi phù hợp với thị trường Việt Nam. Hiện nay nhiều mẫu xe nhập khẩu có giá bán ngang bằng xe trong nước. Chẳng hạn, mẫu Wigo của Toyota có giá bán từ 345-405 triệu đồng, hay các mẫu xe của Mitsubishi như Attrage, Mirage có giá từ 351-396 triệu đồng, cùng nằm trong khoảng giá của Kia Morning và Hyundai i10 sản xuất lắp ráp trong nước.
Đặc biệt, hai mẫu xe là Toyota Rush có giá 668 triệu đồng và Mitsubishi Xpander có giá từ 550-620 triệu đồng, ngang bằng với một số mẫu xe lắp ráp trong nước của Ford, Hyundai Thành Công, Trường Hải,... Điều này đã giúp cho doanh số bán tăng mạnh.
Giá có giảm nữa?
Xe có giá dưới 400 triệu đồng đang dồn dập về nước. Các DN tiết lộ thời gian tới, số lượng sẽ tăng mạnh, cùng với đó là thêm nhiều mẫu mới đa dạng phong phú. Honda Việt Nam sẽ nhập hai mẫu xe Brio và BR-V, còn Nisan là Livina,... Những chiếc xe này nhập về, cộng các loại thuế, phí, lợi nhuận DN,... đều có giá bán từ 350 - dưới 700 triệu đồng, rất phù hợp với số đông khách hàng Việt Nam đang khát khao lên đời xế hộp.
Theo các DN, xe nhập về nhiều nhưng giá khó giảm mạnh do chi phí nhập khẩu tăng. Theo quy định, xe nhập phải kiểm tra chất lượng, kiểu loại theo lô. Xe về nhiều thì thời gian kiểm tra bị kéo dài. Phải mất 45 ngày kể từ khi xe về cảng mới đến tay khách hàng.
Mỗi lô xe nhập về, DN phải lấy ít nhất một chiếc, thuê chạy hơn 3.000 km, sau đó mới mang đi kiểm tra chất lượng, vì vậy rất tốn thời gian. Hơn nữa, đến nay cả nước mới chỉ có một trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội có đủ điều kiện để kiểm tra nên tất cả xe nhập khẩu đều dồn về đây.
Điều này đã làm tăng chi phí nhập khẩu. Thời gian càng kéo dài thì chi phí lưu kho bãi, lãi vay càng tăng. Các DN nhận xét hiện chi phí này đã tăng gấp đôi so với trước. Vì vậy, dù xe giá rẻ nhập về nhiều, giá bán cũng khó giảm.
Theo các DN, chỉ khi nào quy định về nhập khẩu ô tô thông thoáng hơn, thời gian giảm thì chi phí giảm theo và có điều kiện để giảm giá xe. Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, sửa đổi bổ sung quy trình kiểm tra ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu, theo hướng áp dụng quản lý trên cơ sở đánh giá rủi ro của hàng hóa và mức độ tuân thủ pháp luật của DN.
Tức là, dựa trên những đánh giá về mức độ tuân thủ pháp luật của từng DN nhập khẩu sẽ áp dụng các chính sách ưu đãi và biện pháp quản lý rủi ro. Những DN có mức độ tuân thủ pháp luật cao sẽ không phải kiểm tra theo từng lô nữa, giúp giảm thời gian, chi phí.
Tuy nhiên, như vậy sẽ gây áp lực lên xe sản xuất trong nước. Xe nhập khẩu tràn vào với giá rẻ sẽ khiến cho xe sản xuất lắp ráp trong nước khó cạnh tranh.