Ô nhiễm không khí, người Hà Nội bị bệnh hô hấp ngày càng nhiều

TP - Sáng nay, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam chia sẻ Báo cáo chất lượng không khí Việt Nam 2016 do đơn vị này thực hiện. Báo cáo cho thấy Hà Nội tiếp tục là nơi hứng chịu ô nhiễm không khí trầm trọng. Tỷ lệ người mắc các bệnh về hô hấp được dự báo tiếp tục gia tăng.
Ô nhiễm bụi ở Hà Nội. Ảnh: Như Ý

282 ngày không khí bị ô nhiễm

Báo cáo được thực hiện dựa trên các kết quả quan trắc của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội (từ cuối năm 2015) và Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM (từ đầu năm 2016). Báo cáo tập trung phân tích số liệu AQI (chỉ số thể hiện chất lượng không khí và mức độ tác động sức khỏe) và nồng độ bụi PM2.5 ở Hà Nội và TPHCM.

Năm 2016 chỉ số AQI trung bình của Hà Nội là 121 (AQI từ 101-200 thuộc nhóm kém, những người nhạy cảm cần hạn chế ra ngoài). Đáng báo động nhất là ô nhiễm bụi mịn PM2.5. Trong đó, nồng độ bụi mịn PM2.5 của Hà Nội là 50,5 µg/m3, cao gấp đôi so với quy chuẩn quốc gia và gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình theo hướng dẫn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nếu áp theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, năm 2016, Hà Nội có 123 ngày ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, áp theo tiêu chuẩn của WHO, năm 2016, Hà Nội có 282 ngày ô nhiễm không khí, chiếm tới 70% số ngày (có 15 ngày trong năm không ghi nhận được dữ liệu). Dựa trên đánh giá theo giờ, tình hình còn tồi tệ hơn, có 3.259 giờ nồng độ bụi PM 2.5 vượt quá tiêu chuẩn của Việt Nam và có đến 6.941 giờ vượt quá tiêu chuẩn WHO.

Báo cáo cũng chỉ ra, năm 2016, Hà Nội trải qua 8 đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng, đợt dài nhất tới 31 ngày. Các mô hình tính toán cho thấy, nguồn gây ô nhiễm xuất phát từ các khu công nghiệp lớn của thành phố. Ngoài ra, có thêm sự cộng hưởng từ nguồn gây ô nhiễm ngoài biên giới.

Những con số của Hà Nội cao hơn nhiều so với TPHCM. Năm 2016, thành phố đông dân và nhiều phương tiện giao thông nhất của Việt Nam có 14 ngày không khí vượt quá quy chuẩn quốc gia và 175 ngày vượt quá tiêu chuẩn của WHO.

Báo cáo chỉ ra các nguồn gây ô nhiễm chủ yếu của hai thành phố lớn là khí thải từ phương tiện giao thông, phát thải từ hoạt động công nghiệp, hoạt động xây dựng, nhà máy nhiệt điện, đốt chất thải, đun nấu hộ gia đình và ô nhiễm xuyên biên giới.

Gần 600 nghìn người Hà Nội sẽ khó thở vì ô nhiễm

Theo TS Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng Phòng Sức khỏe và Môi trường cộng đồng, Cục Quản lý Môi trường, Bộ Y tế, hiện nay chưa có thống kê về số lượng người nhập viện do ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, có những nghiên cứu nhỏ cho thấy, người dân ở vùng ô nhiễm không khí có nguy cơ mắc bệnh hô hấp cao hơn. Ở Hà Nội, tỷ lệ mắc viêm phế quản tại KCN Thượng Đình cao gấp 2,9 lần vùng đối chứng là Phú Thị, Gia Lâm.

Bụi mịn PM2.5 là tác nhân gây ô nhiễm quan trọng nhất về mặt sức khỏe do có khả năng lắng đọng, thẩm thấu, di chuyển trong nhu mô phổi và mao mạch phổi. Một số bụi mịn chứa thuốc trừ sâu, chất hữu cơ...có thể gây ra nhiễm độc, ung thư, hen. Bụi mịnh PM2.5 làm gia tăng các trường hợp nhập viện do bệnh hô hấp, tim mạch, hen suyễn.

Dự báo số người bị ảnh hưởng do ô nhiễm không khí ở Hà Nội do Sở TN&MT Hà Nội thực hiện cho thấy, số trẻ em bị viêm phổi cấp tính sẽ tăng từ 19.580 năm 2010 lên 43.889 năm 2020, số người bị khó thở tăng từ 260.942 người năm 2010 lên 584.916 người năm 2020.

Các chuyên gia cho rằng, Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia đối với chất lượng không khí xung quanh của Việt Nam tương đối thấp. Ví dụ, đối với bụi PM10, tiêu chuẩn của WHO và EU chặt chẽ hơn 3 lần so với tiêu chuẩn Việt Nam.