Nước

TP - Chuyện thiếu nước sinh hoạt của người dân Nhà Bè, một phần quận 7 hay quận Thủ Đức, TPHCM từ nhiều năm nay được xem như “đến hẹn lại lên”. Cứ tầm tháng 3, tháng 4 hằng năm lúc cao điểm của mùa khô, người dân quận Thủ Đức lại nháo nhác lo chuyện nước non: vợ chồng con cái phân công nhau “tác chiến”, ngủ ngày thức đêm canh cái vòi nước.

>> Chất lượng nước ngầm đang xuống cấp

>> Ninh Thuận: Lãng phí nước trong sản xuất nông nghiệp

Còn người dân huyện Nhà Bè, nơi hợp lưu của sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, nổi tiếng với câu “nước chảy chia hai” thì vẫn thiếu nước sinh hoạt như thường. Mùa này, bà con ở đây phải đi mua từng can nước sạch với giá cao để về tắm giặt, ăn uống.

Mấy năm qua, người dân đã nuôi hy vọng khi các nhà máy nước trong quy hoạch của thành phố hoàn tất và đi vào hoạt động, tình trạng thiếu nước sạch sẽ được cải thiện. Thế nhưng một, hai năm trở lại đây, đã xuất hiện những yếu tố bất thường của nguồn nước. Không chỉ một vài khu vực mà giờ đây, cả TPHCM và TP Biên Hòa, Đồng Nai cũng đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.

Hai nhà máy nước Tân Hiệp và Thủ Đức cung cấp một nửa lượng nước cho người dân TPHCM đang đối mặt với khả năng phải ngưng hoạt động do hiện tượng xâm mặn tại sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, nơi cung cấp nguồn nước thô trong những tháng đầu năm 2011, đã đến ở mức cao. Thiếu nước sạch là điều khó tránh khỏi.

Vài năm trở lại đây, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về hiện tượng xâm nhập mặn vào sông Sài Gòn và sông Đồng Nai khiến độ mặn vượt quá tiêu chuẩn cho phép, các nhà máy nước luôn phải hoạt động trong tình trạng cầm chừng.

Năm nay, chưa đến mùa khô (dự kiến kéo dài đến cuối tháng 4, đầu tháng 5) hiện tượng xâm nhập mặn đã ở mức báo động. Ngay từ tháng 1 và tháng 2, có những thời điểm độ mặn đã lên đến 270 mg/lít (tiêu chuẩn Việt Nam quy định độ mặn trong nguồn nước cấp sinh hoạt không vượt quá 250 mg/lít).

Một lãnh đạo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam đã giải thích cho hiện tượng xâm nhập mặn bất thường bằng mấy lý do: thứ nhất là tình trạng khai thác nước mặt và nước ngầm quá mức để phục vụ phát triển kinh tế, thứ hai là tình trạng biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng, sự phân bổ lượng mưa thay đổi cùng những hoạt động của con người gây cạn kiệt đầu nguồn các con sông lớn.

Theo ông, để cải thiện tình trạng thiếu nước ngọt, cao hơn là đảm bảo an ninh về nguồn nước cho các vùng nói chung và những đô thị lớn nói riêng, nhà nước cần củng cố, xây dựng chiến lược về thủy lợi trong bối cảnh mới.

Với dân nghèo nơi thành thị, những người phải thức dậy từ 2-3 giờ sáng canh chừng vòi nước máy, những khái niệm “biến đổi khí hậu”,“chiến lược thủy lợi”… nghe như chuyện trên trời. Điều cần thiết với người dân lúc này là sự phân bổ lại nguồn nước sạch, một cách tiết kiệm công bằng, hợp lý.

Theo Báo giấy