> Cựu Tổng giám đốc IMF gửi nụ hôn gió về phía vợ
> Cựu Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế được tại ngoại
Strauss-Kahn, người làm thay đổi chính trường Pháp. |
Giờ đây, cả nước Pháp cũng như các chính khách và chính đảng ở Pháp bắt đầu nhận thức được toàn bộ quy mô nghiêm trọng của biến cố nói trên cũng như những hậu quả của nó, bị sốc nhất là đảng Xã hội.
Trước ngày định mệnh 14-5, ngày Strauss-Kahn bị cảnh sát Mỹ bắt giữ, đảng Xã hội trông chờ rất nhiều vào nhà chính khách 62 tuổi này, hy vọng ông sẽ là vị cứu tinh của đảng, sẽ đánh bật đương kim Tổng thống Sarkozy khỏi Điện Elysée và sẽ trở thành Tổng thống mới của nước Pháp vào sang năm.
Nếu được như vậy thì đây sẽ là một bước ngoặt trong lịch sử của đảng bởi lẽ Strauss-Kahn sẽ là đảng viên Xã hội thứ 2 được bầu làm Tổng thống. Tổng thống đầu tiên thuộc đảng Xã hội là Francois Mitterand đã mãn nhiệm cách đây 17 năm.
Niềm hy vọng lớn mà đảng Xã hội đặt vào Strauss-Kahn là hoàn toàn có cơ sở. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận được tổ chức chỉ một tuần trước biến cố ở New York, ông Strauss-Kahn được 30% cử tri Pháp tín nhiệm, vượt xa đương kim Tổng thống Sarkozy (20%). Nhưng giờ đây, niềm hy vọng đó bị sụp đổ, đảng Xã hội phải chuyển sang phương án B, tức là tìm kiếm một ứng cử viên Tổng thống mới.
Các nhân viên trong bộ máy của tổng thống Pháp Sarkozy dường như nhận được chỉ thị mật là không thể hiện bất kỳ một tình cảm vui mừng nào trước việc Strauss-Kahn bị bắt và phải kiên trì nguyên tắc “vô tội trước khi bị pháp luật kết án”. |
Gần như chắc chắn nhân vật thay thế Strauss-Kahn sẽ là Francois Holland, người đã lãnh đạo đảng Xã hội từ năm 1997 đến năm 2008 và là chồng cựu nữ ứng cử viên Tổng thống Segolene Royal, đối thủ chính của ông Sarkozy trong cuộc bầu cử năm 2007.
Nhưng uy tín của ông Francois Holland không thể bằng Strauss-Kahn qua cuộc thăm dò dư luận mới đây nhất do Viện Xã hội học CSA tổ chức ngày 16 - 5 (hai ngày sau khi Strauss-Kahn bị bắt và do đó bị CSA loại khỏi danh sách những ứng cử viên Tổng thống tiềm năng ).
Kết quả cuộc thăm dò cho thấy tuy chỉ số tín nhiệm của ông Francois Holland vẫn cao nhất trong số các ứng cử viên Tổng thống tiềm năng nhưng chỉ là 23%, nhỉnh hơn chút ít so với ông Sarkozy (22%).
Về phần mình, đảng cầm quyền Liên minh vì Phong trào nhân dân UMP của ông Sarkozy và Chính phủ Pháp tỏ ra hết sức thận trọng trước những thông tin về Strauss-Kaun.
Theo báo chí Paris, các nhân viên trong bộ máy UMP và các Bộ trưởng trong Chính phủ dường như nhận được chỉ thị mật là không thể hiện bất kỳ một tình cảm vui mừng nào trước việc Strauss-Kahn bị bắt và phải kiên trì nguyên tắc “vô tội trước khi bị pháp luật kết án”.
Thái độ đó là điều dễ hiểu bởi vì khách quan mà nói, người được lợi nhất trong vụ Strauss-Kahn chắc chắn là đương kim Tổng thống Sarkozy. Ai cũng biết uy tín của ông Sarkozy trong thời gian qua giảm sút một cách thảm hại nhưng giờ đây tình hình đã khác. Ông không tốn công sức gì mà vẫn loại bỏ được đối thủ đáng gờm nhất của mình trong cuộc chạy đua vào Điện Elysés sang năm.
Theo thỏa thuận bất thành văn, người giữ chức Tổng giám đốc Ngân hàng thế giới WB thường là người Mỹ, còn người giữ chức Tổng Giám đốc IMF thường là người châu Âu. Cho tới nay người ta đã nêu tên một số nhân vật có thể được đề cử thay thế Strauss-Kahn nhưng nhân vật có khả năng nhất là bà Christine Lagarde, chiến hữu của ông Sarkozy và hiện là Bộ trưởng Kinh tế, Tài chính và Công nghiệp.
Nếu khả năng này trở thành hiện thực, chắc chắn ông Sarkozy sẽ củng cố thêm được vị thế của mình trên chính trường Pháp. Và khi đó, cơ may tái đắc cử Tổng thống của ông vào sang năm sẽ tăng thêm nhiều.
Vũ Việt
Tổng hợp từ báo Nga