Nước mắt Tiến Minh và giấc mơ tan thành mây khói
> Tiến Minh và tiếng thở phào nhẹ nhõm
TPO - Niềm hi vọng lớn nhất của cầu lông Việt Nam - Nguyễn Tiến Minh - đã trở thành nỗi thất vọng lớn nhất của đoàn Việt Nam tại SEA Games 27 trong ngày 13/12.
Tay vợt từng thường xuyên có mặt trong tốp 10 thế giới đã phải ngậm đắng nuốt cay ở cái sân chơi vẫn bị nhiều người mai mỉa là “ao làng”. Và cay đắng hơn, Tiến Minh không chỉ thua đối thủ, mà còn thua chính mình.
Gương mặt Tiến Minh như thất thần sau pha cầu cuối cùng ở séc đấu thứ 3 với Rumbaka Dionysius Hayom – một tay vợt chưa từng có được 1 séc thắng nào trước Tiến Minh ở 2 lần gặp nhau trước đó. Nhưng cũng dễ hiểu vì sao Tiến Minh lại như vậy, bởi chính anh cũng không thể lý giải nổi vì sao mình lại thua ngược 20-22 một đối thủ thua kém về mọi mặt khi đã dẫn trước tới 20-16.
Tiến Minh chỉ còn cách trận chung kết 1 điểm. Song có lẽ cái khoảng cách mong manh về điểm số ấy trong thể thao rất khó cụ thể hóa nó “dài, ngắn, to, nhỏ” như thế nào, không ai có thể đo đếm được. Người ta chỉ có thể gọi nó là đẳng cấp.
Đây không phải là lần đầu tiên Tiến Minh đánh rơi chiến thắng, dù đã ở rất gần với chiến thắng và nguyên nhân không nằm ngoài vấn đề đẳng cấp. Trên thực tế, cái mà Tiến Minh hơn đối thủ là thứ hạng trên bảng xếp hạng – một thứ rất mơ hồ và tương đối. Nó thể hiện rõ không chỉ ở cú ngược dòng với 6 điểm quyết định liên tiếp ở séc 3 của Rumbaka, mà là chiến thắng bước ngoặt 21-12 ở séc 2 để cân bằng thế trận.
Ngoảnh lại một chút vài ngày trước đó. Tiến Minh đã bắt đầu SEA Games bằng những lời phàn nàn và ca thán (về chuyện phải gặp tay vợt hạng 15 thế giới ngay vòng tứ kết, dù đã được miễn vòng loại) – một điều rất hiếm thấy ở những tay vợt thường xuyên góp mặt ở các giải chuyên nghiệp và trong tốp đầu thế giới.
Riêng sự việc đó cũng đủ cho thấy, Tiến Minh vào cuộc ở SEA Games 27 không bằng tâm thế của một trong số 10 tay vợt hàng đầu thế giới. Hoặc cũng có thể, những cú vấp ở các đại hội thể thao quốc tế như ASIAD, Olympic hay kể cả SEA Games trước đó khiến Tiến Minh rất lo lắng về đối thủ kể cả trong cuộc chơi ở “ao làng”.
Rồi đến sau trận bán kết, Tiến Minh cho rằng trái cầu ở thời điểm cuối trận mà trọng tài giao cầu đưa cho Tiến Minh không… giống như trái cầu đã thi đấu 2 séc trước đó (?!). “Trái cầu có tốc độ bay chậm hơn nó không phải trái cầu như trước đó khiến cách xử lý của tôi không chuẩn” , Tiến Minh nói trong nước mắt trước cánh phóng Việt Nam ngay trong phòng thay đồ. Tiến Minh lý giải như thế, nhưng chắc chắn từ những người hâm mộ không biết nhiều cho đến các nhà chuyên môn, rất khó để chấp nhận nó.
Cuối cùng thì giấc mơ đổi màu tấm HCĐ ở SEA Games của cá nhân Tiến Minh lẫn cầu lông Việt Nam đã tan thành mây khói. Sẽ là hơi muộn khi cho rằng Tiến Minh sẽ còn cơ hội để thực hiện điều đó, khi 2 năm nữa Tiến Minh đã 32 tuổi.
Và trận thua ngược trong sáng 13/12 của tay vợt hạng 8 thế giới dù cay đắng, dù nuối tiếc và khó hiểu với Tiến Minh và cầu lông Việt Nam.
Nhưng nó là sự thật.
Minh Tiến