Nửa sự thật không phải là sự thật

Nửa sự thật không phải là sự thật
TP - Cái lọ Pénicilline trong phim "Linh hồn Việt Cộng” là chi tiết tức cười. Hài cốt liệt sĩ vô danh đã được quy tập về nghĩa trang, tức là đã một lần được đào lên, vậy chẳng lẽ lại không phát hiện ra cái lọ Pénicilline kia?...

>> Xin để linh hồn anh tôi được yên...
>> Đạo diễn Minh Chuyên nói về uẩn khúc trong "Linh hồn Việt cộng"

Nửa sự thật không phải là sự thật ảnh 1
Ông Hoàng Ngọc Cát nhận lại di vật của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm (29/5/2005)

Tháng 4/2005, khi tôi đang hoàn tất số báo đặc biệt cho ngày 30/4 thì dịch giả Phan Thanh Hảo, cũng là đồng nghiệp của tôi đưa cho một địa chỉ trang web với cái tên khá dài, nội dung kêu gọi mọi người hãy trao trả lại di vật mà các cựu chiến binh Mỹ đã lấy và đem về Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, cùng lá thư của nhà văn Mỹ Wayne Karlin.

Chị dịch thư của Wayne Karlin cho tôi nghe. Nội dung bức thư của Wayne Karlin như sau: “Bạn thân mến. Một cựu binh Mỹ tên là Homer Steedy đã liên lạc với tôi qua sự giới thiệu của một người bạn.

Homer đã giết chết một thiếu tá quân đội Bắc Việt Nam tên là Hoàng Ngọc Đảm vào năm 1969 và mong muốn tột cùng của anh ta giờ đây là được trao trả những tư liệu mà anh ta đã lấy cho gia đình của người đó.

Anh ta rất khâm phục những người lính Việt Nam mà anh ta phải giao chiến và việc trao trả này sẽ đem lại một chút an bình cho người thân anh ta và cho bất cứ người thân thích nào của vị thiếu tá ấy.

Trên trang web do Homer thiết lập có chụp hai giấy khen của Hoàng Ngọc Đảm với chức vụ là y tá (mấy người Mỹ đã nhầm y tá thành thiếu tá)”.

Báo Giáo dục và Thời đại đã đăng bức thư của nhà văn Wayne Karlin và những đoạn trích trên trang web cùng một lời nhắn tin của tòa soạn. Ngày thứ Sáu ra báo thì ngày thứ Bảy, một người em gái của anh Đảm làm việc ở trường ĐH Y Thái Bình đã đọc được bài báo đó và gia đình anh Đảm đã liên lạc được với chị Phan Thanh Hảo.

Mọi người trong gia đình đều muốn trực tiếp nghe lại câu chuyện qua điện thoại, và ai cũng muốn cuốn nhật ký và những giấy tờ của liệt sĩ Đảm được trở về với gia đình.

Nhà văn Wayne Karlin hứa sẽ thu xếp để trực tiếp giao lại cuốn nhật ký và giấy tờ đó, và ngày 29/5/2005, tôi đại diện cho báo Giáo dục và Thời đại cùng chị Phan Thanh Hảo, nhà báo Cẩm Thúy, báo Đại đoàn kết cùng với nhà văn Wayne Karlin và hai vợ chồng nhà thơ Nicaragoa Daisy Domosa đã về Thái Giang.

Trên đường đi, chúng tôi nhận điện thoại liên tục từ gia đình anh Đảm, để chỉ dẫn đường và hỏi đã về đến đâu. Gia đình anh Đảm đã chờ sẵn chúng tôi ở phía bên kia cầu Thái Bình. Khi xe chúng tôi dừng lại thì người nhà anh Đảm đi đến, có người òa khóc nức nở vì họ đã chờ đợi thông tin của anh Đảm trong suốt 36 năm trời.

Một người đàn ông rút trong túi ra một tờ giấy, trên đó có in hình của nhà văn Wayne Karlin. Sau đó tôi được biết rằng, họ đã lấy được hình của nhà văn Wayne Karlin trên mạng internet.

Xe của gia đình anh Đảm đi trước dẫn đường cho chúng tôi. Từ trên xe gia đình anh Đảm, những tờ tiền và vàng mã bay suốt dọc hai bên đường. Những người bạn Mỹ trên xe chúng tôi ngạc nhiên. Tôi giải thích đó là một tục lệ của người Việt, rải tiền cho quan tuần đường để rước linh hồn anh Đảm về nhà.

Sau màn chào hỏi và giới thiệu chủ khách, nhà văn Wayne Karlin đã trao di vật của liệt sỹ cho đại diện gia đình anh Đảm là ông Hoàng Ngọc Cát, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thái Giang, là em của liệt sỹ trong sự chứng kiến của chính quyền xã.

Em trai anh Đảm nhận lại di vật đã bật khóc. Di vật được mở ra, gồm một quyển sổ ghi chép những bài học về cấu tạo cơ thể người. Trong quyển sổ kẹp những tờ giấy khen của anh Đảm và một giấy tờ mang tên người khác.

Buổi lễ diễn ra rất  long trọng. Người dân Thái Giang ngồi kín hội trường. Ông chủ tịch Mặt trận xã là chủ tọa. Giữa sân khấu đặt một bàn tưởng niệm, hương khói nghi ngút. Gia đình anh Đảm cũng đã thuê cả máy quay về ghi lại những hình ảnh của buổi lễ đó.

Tôi là đại diện cho báo Giáo dục và Thời đại lên phát biểu ý kiến. Chị Phan Thanh Hảo là phiên dịch cho những người bạn Mỹ. Khi máy quay đưa ống kính vào chỗ chị Hảo và Wayne Karlin ngồi thì đèn flat chợt nổ tung, các mảnh vỡ bắn tóe vào những người ngồi hàng đầu.

Vì tôi đã phải thay mặt báo để lên đáp lễ với UBND và chị Hảo phải liên tục dịch cho mấy vị khách, nên tới sau  buổi lễ chị Hảo ra chỗ tôi bảo, mình làm việc thiện mà sao ông Đảm ông ấy lại “trách”mình. 

Năm 1969, anh Hoàng Ngọc Đảm hy sinh, vậy là mẹ nhận thêm một giấy báo tử nữa. Trái tim của mẹ đau đớn quá nên chỉ vài năm sau đã từ giã cõi đời vì bệnh tim.

Vậy mà trong phim Linh hồn Việt Cộng, đến năm 2008 vẫn có một bà mẹ ngày ngày đi ra đi vào ngóng trông con. Đây là bà mẹ nào vậy hỡi nhà văn Minh Chuyên?

Tôi chỉ nhìn thấy những lỗ thủng trên áo của chị Hảo. Khi lên xe, chị mới  quay sang, mở ngực áo cho tôi xem mảnh thủy tinh bắn găm vào ngay giữa ngực, cháy sém.  Tôi biết rằng, chị rất đau nhưng trước quá đông người, chị phải giữ vẻ bình thường và tiếp tục làm cầu nối giữa hai bên.

Tôi an ủi chị, không phải anh Đảm anh ấy trách chị đâu mà là anh ấy mừng quá, cám ơn chị nhưng hơi quá một tí thôi, còn nhà văn Wayne Karlin thì hài hước: “Ôi lần này ông Đảm lại bắn trượt rồi”.

Chúng tôi về nhà anh Đảm thắp hương trên bàn thờ của anh. Nhà văn Wayne Karlin đã đứng rất lâu trước bàn thờ liệt sỹ. Gia đình anh Đảm đang chuẩn bị cỗ để đãi khách như trong một lễ tang.

Chúng tôi đã được gặp hầu hết bà con họ hàng nhà anh Đảm. Em gái anh Đảm chỉ cho tôi một người phụ nữ không đeo khăn tang, đứng lấp ló bên những người phụ nữ đang bếp núc. Nhìn thái độ của chị không được tự nhiên lắm.

“Đó là vợ anh Đảm đấy chị ạ -  em gái anh Đảm nói ngày xưa mẹ em kể rằng nói mãi gia đình chị ấy mới cho cưới, cưới được 9 ngày thì anh ấy nhập ngũ. Mấy tháng sau anh Đảm viết thư về nói là đơn vị cho phép vợ lên thăm một tuần nhưng chị ấy xấu hổ dứt khoát không đi”.

Người phụ nữ chỉ được làm vợ có 9 ngày sau khi nhận giấy báo tử của chồng đã đi bước nữa, sinh mấy người con  với người chồng sau. Đó là thuận lẽ đời.

Điều đó cũng giải thích vì sao khi có mặt ở nhà anh Đảm lúc đó thái độ chị bẽn lẽn và chị không được đeo khăn tang. Chị đã đi lấy chồng khác thì chị không còn thuộc về nhà này nữa .

Anh Cát kể cho chúng tôi nghe câu chuyện mẹ anh Đảm đi xem bói. Đó là khi bà nhận được giấy báo tử gửi về, bà mẹ quá đau đớn vì hai đứa con trai của bà đã hy sinh, một người đã bị giết và ném xác xuống biển, còn anh Đảm thì cũng không biết đã được chôn cất ở đâu, nên bà cụ đã đi xem bói.

Thầy bói phán rằng, một người con của bà thì chết thật rồi, còn người con trai sau thì đang ở rất xa, nó sẽ trở về vô cùng vẻ vang. Bà mẹ đau buồn quá, đã chết khi chưa đến tuổi 60, trước khi chết bà còn nắm tay ông Cát, nói rằng ước nguyện cuối cùng là làm sao tìm lại được anh Đảm.

Ngồi cùng nói chuyện với chúng tôi còn có ông Chủ tịch xã Bùi Thế Hưng. Khi chúng tôi nói với ông rằng, chúng tôi đã đi nhiều nơi trên đất nước mình nhưng thực sự ngạc nhiên khi về Thái Giang, buổi lễ đã được làm rất long trọng và gọn gàng.

Ông Bùi Thế Hưng ngậm ngùi cho chúng tôi biết: “Trong cuộc kháng chiến chống My, xã Thái Giang có 200 liệt sĩ, 180 thương binh, 7 mẹ Việt Nam Anh hùng, 30 người nhiễm chất độc màu da cam. Năm ngoái chúng tôi đã đón 10 hài cốt liệt sĩ về làng. Việc này chúng tôi đã làm thành nếp”.

Nhà văn Wayne Karlin nói rằng, Homer muốn đích thân về Việt Nam để trao lại cuốn nhật ký, vì khi biết rằng trong quân đội, anh Hoàng Ngọc Đảm tuy là y tá, nhưng đã kiên trì tự học, không những để nâng cao nghiệp vụ trong quân đội, mà còn là để khi trở về, anh sẽ thi Đại học Y khoa, và trở thành bác sĩ, những bài toán với hình sin, cốt, những bài học về giải phẫu, về cơ, xương được vẽ lại rất nắn nót, chi tiết trong cuốn nhật ký.

Giết một người lính trẻ là nỗi ân hận của Homer, nhưng ông bị dằn vặt sâu sắc hơn vì đã giết chết cả ước mơ đẹp đẽ của một người quân y. Điều đơn giản là Homer rất nghèo, nên không thể có tiền sang Việt Nam được.

Khi chia tay, anh Cát đã nắm tay nhà văn Wayne Karlin nhờ chuyển lời  đến ông Homer: “Chiến tranh đã lùi xa, gia đình chúng tôi đã tha thứ cho chuyện đã qua. Chúng tôi biết ông Homer đã già và cũng là nông dân như chúng tôi. Chúng tôi mong ông ấy khỏe mạnh và một ngày nào đó sẽ sang Việt Nam để thắp nén hương cho vong hồn anh chúng tôi.

Nếu ông ấy không có tiền, chúng tôi sẽ góp tiền mua vé máy bay cho ông ấy.  Chúng tôi sẽ mời ông ấy đến nhà chúng tôi ở, thì sẽ không tốn tiền khách sạn”.

Sau đó, tất cả những điều tôi đã chứng kiến trong cái ngày 29/5 đó, tôi đã kể lại trong một phóng sự của nhà văn Wayne Karlin và cộng sự của ông. 

Nửa sự thật không phải là sự thật ảnh 2
Kỷ vật của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm

Tôi đã đọc bài ký “Gió dữ gió lành” trên báo Văn nghệ. Nhà văn Minh Chuyên đã viết về chuyện đi làm phim Linh hồn Việt Cộng. Nhà văn Minh Chuyên viết rằng, khi đến ngôi mộ mà nhà ngoại cảm đã xác định là ngôi mộ của anh Đảm nhưng gia đình còn chưa dám đào lên vì sợ rằng dưới đó không phải là anh Đảm, thì bỗng nhiên người trợ lý đạo diễn tên là Khánh  ngã vật ra đất, miệng nói liên hồi: “Sao không đào đi, anh nằm ở dưới đây này. Ba mươi chín năm qua sao các em không vào đón anh về”.

Rồi Khánh khóc hu hu. Khánh lại nói lảm nhảm: “Em Đằm, em Minh sao không vào đón tôi về?”.

Rồi khi đào hài cốt lên, trong khi bới đám xương cốt, ông (nhà văn Minh Chuyên) và ông Cát đã tìm được lọ Pénicilline, trong đó có mảnh giấy ghi: Họ và tên Hoàng Ngọc Đảm, đơn vị C2-D67, quê quán: làng Nha, xã Thái Giang huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Sự thật là đâu đây thưa nhà văn Minh Chuyên? Tôi cũng xem (không trọn vẹn) phim tài liệu Linh hồn Việt Cộng, đúng cái đoạn ông Diệu đang nói về việc bà mẹ anh Đảm đi xem bói, rằng con bà chiêu hồi rồi, đi theo Mỹ rồi... nên gia đình đã bị thế nọ thế kia.

Chao ôi người đời thật dễ tin thầy bói. Cái thời đó đâu phải như bây giờ mà thầy bói lại dám nói công khai như vậy về một liệt sĩ ư? Và chính quyền và người dân Thái Giang ngày đấy sao lại dễ dàng tin lời thầy bói để mà làm khó dễ cho gia đình liệt sĩ ư?

Và nếu mà đúng như lời ông Cát nói như vậy, tại sao ông Cát lại được lên đến chức Bí thư Đảng ủy xã. Rồi còn chi tiết vợ anh Đảm lại đeo khăn tang khóc chồng cũ khi mà đã sống yên ấm với chồng sau?

Còn về cái lọ Pénicilline mới là chi tiết tức cười. Hài cốt liệt sĩ vô danh đã được quy tập về nghĩa trang, tức là đã một lần được đào bới lên, vậy những người quy tập liệt sĩ đã nhặt từng hài cốt của liệt sĩ chẳng lẽ nào lại không phát hiện ra cái lọ Pénicilline kia, mà phải để đến tận năm 2008 ông Minh Chuyên với ông Cát mới tìm ra.

Bộ phim Linh hồn Việt Cộng đã gây xúc động cho rất nhiều người xem  truyền hình trong cả nước nhưng hãy về Thái Giang và Thái Bình mà xem người dân ở đây nói thế nào về nó. Từ cái ngày 29/5/2005 đó đến tháng 8/2008 có thời gian là bao xa đâu. Tôi chỉ không thể nào hiểu nổi sự thật đang ở đâu?

Có một sự thật duy nhất mà tôi tin: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Thái Giang có 200 liệt sĩ và anh Hoàng Ngọc Đảm cũng là một liệt sĩ trong 200 liệt sĩ;180 thương binh;7 mẹ Việt Nam Anh hùng; 30 người nhiễm chất độc da cam.

Tôi còn tin một điều nữa, liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm là một linh hồn rất trong sáng và đẹp đẽ. Linh hồn anh hẳn không hài lòng với những chuyện được dựng lên, không xác thực nên đã khiến đồng nghiệp của nhà văn Minh Chuyên phải nói ra sự thật. Nhà văn Wayne Karlin – người trong cuộc -  xem phim cũng phải ngạc nhiên...

Tuy nhiên, tôi cũng muốn kết bài này bằng câu nói trong lá thư gần nhất của nhà văn Wayne Karlin: “Tôi ngạc nhiên vì một số điều không xác thực. Tuy nhiên, tôi đồng ý rằng bộ phim có những hình ảnh xúc động, và hai linh hồn đã được thanh thản. Linh hồn anh Hoàng Ngọc Đảm đã được trở về với quê hương, và từ nay Homer cũng sẽ sống những ngày còn lại trong sự thanh thản”.

Phim tài liệu : Linh hồn Việt cộng

MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.