Bài báo của TS Kim Anh và các cộng sự đã vượt qua 398.780 bài báo trên nhiều tạp chí khác nhau và ít nhất 66 bài báo chất lượng ngay trên PEPS. Chỉ trong hơn 1 năm đăng tải, bài báo có 18.000 lượt truy cập và 21 lượt trích dẫn theo Google Scholar (14 lượt trích dẫn theo SCI).
Xuất phát từ một vấn đề cấp bách ở Việt Nam đó là tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng diễn biến phức tạp do bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự nóng lên toàn cầu và nước biển dâng, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân, TS. Nguyễn Kim Anh và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu về tình hình nhiễm mặn ở khu vực sông Mekong, khu vực thử nghiệm là tỉnh Trà Vinh của Việt Nam nhằm góp phần cung cấp cơ sở khoa học, kế hoạch và giải pháp ứng phó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội nơi đây.
Công trình nghiên cứu sử dụng tư liệu viễn thám quang học là ảnh vệ tinh Landsat 8 OLI để chiết tách các thông tin về độ nhiễm mặn thông qua các chỉ số độ mặn của thực vật (VSSI), chỉ số thực vật được điều chỉnh trong đất (SAVI), chỉ số thực vật (NDVI) và chỉ số độ mặn khác biệt chuẩn hóa (NDSI).
Nhóm nghiên cứu đã chứng minh được tiềm năng cao trong việc giám sát về mặt không gian và mặt vật lý độ mặn của đất ở lớp đất trên cùng. Đồng thời đề xuất phương pháp ước tính độ mặn của đất bằng cách sử dụng các chỉ số lấy từ tư liệu ảnh vệ tinh miễn phí có độ chính xác tương đối cao.
Đây là thông tin hữu ích để quy hoạch khu vực nhiễm mặn và lựa chọn các loại cây trồng phù hợp, giúp giảm thiệt hại kinh tế tại các khu vực đồng bằng có nguy cơ cao về xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu.
Trước đó, TS. Nguyễn Kim Anh cũng đã nhận 12 giải thưởng khoa học quốc tế và các suất tài trợ dành cho nhà khoa học trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ, Hội Địa vật lý Mỹ (AGU), Hội Địa tin học và Viễn thám quốc tế (IEEE GRSS), APEC, Hội Địa vật lý Châu Âu (EGU), Hiệp hội Khoa học Địa chất Châu Á, Châu Đại Dương (AOGS). Tiến sĩ Kim Anh hiện là gương mặt được chọn làm Đại Sứ Truyền Thông cho tổ chức Địa tin học và Viễn thám quốc tế (IEEE-GRSS).