> Chàng thủ khoa bán hàng rong
> Xúc động người mẹ lái xe ôm nuôi 4 con ăn học
Căn phòng trọ chật chội chưa đến 5m2, nằm sâu trong một con hẻm ở đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10, TP HCM) là nơi Thuỷ bám trụ trong suốt thời gian qua để chờ đến ngày được ra trường. Nói là phòng trọ nhưng thực chất chỉ là cái gác xép được chủ nhà kê tạm bợ bằng những tấm gỗ với lối cầu thang chỉ đủ một người đi lên. Để tiết kiệm chi phí, Thủy ở ghép với 2 cô bạn khác.
Trời Sài Gòn tháng 9 mưa nắng thất thường. Nhiều hôm trời nắng như đổ lửa, ngồi ôn bài mà mồ hôi tươm ướt áo cô sinh viên.
“Mẹ mất sau một vụ tai nạn, lúc đó mình mới 6 tuổi”, Thủy bắt đầu câu chuyện của mình. Thủy kể, gia đình mình vốn ở vùng nông thôn của Huế. Vì quanh năm suốt tháng mưa lụt nên cha mẹ Thủy dắt díu 6 đứa con vào Đà Lạt mưu sinh. Những năm đầu, cả gia đình phải dựng chòi ở tạm để khai hoang trồng hoa hồng, cải bắp...
Xa quê mấy năm liền nhưng cả nhà không dám một lần ra thăm vì đường sá xa xôi, chi phí đi lại rất tốn kém. "Năm đó, mẹ ra quê thăm người thân bị bệnh. Cha đành phải để mẹ đi nhưng không ngờ đó là lần chuyến đi cuối cùng của mẹ. Mẹ bị một gã say rượu tông xe, chấn thương sọ não và không qua khỏi", giọng cô sinh viên nghèn nghẹn.
Mẹ mất, cha Thuỷ gần như điên dại. Mọi gánh nặng gia đình vốn đã oằn trên đôi vai gầy của cha, giờ lại nặng thêm gấp bội. Những nếp nhăn trên mặt ông vì thế cũng dày thêm.
Thương cha vất vả, hai anh chị đầu của Thủy phải nghỉ học để đi làm phụ giúp nuôi các em. Lúc đó, mấy cha con cô chỉ mơ ước có một căn nhà để sống. Thế nên cha Thuỷ không lúc nào thôi quần quật. Ban ngày ông lên rẫy, tối về ông lại tranh thủ đúc gạch để dành làm nhà cho các con.
"Nhà chưa xây xong thì cha đổ bệnh. Bệnh ung thư...", Thủy nói trong nước mắt. Mấy anh chị em lúc đó chạy vạy khắp nơi để đưa ông đi hóa trị, xạ trị nhưng cuối cùng vẫn không qua khỏi. Hai năm sau ông mất đi bỏ lại cho mấy anh em Thuỷ ngôi nhà còn xây dở và số nợ lên đến cả trăm triệu đồng.
Các anh chị lần lượt nghỉ học để mưu sinh. Duy nhất Thủy là em út nên được ưu tiên đến trường và trở thành niềm hy vọng của cả nhà.
Cô sinh viên mồ côi cho biết, 4 năm ở ĐH Hùng Vương được đổi bằng nước mắt, mồ hôi của Thủy và các anh chị trong gia đình. Ngày đầu nhập học, khi các bạn được cha mẹ lo lắng đưa xuống tận nơi, thì cô chỉ lủi thủi một mình xuống thành phố trọ học. Chưa nhập trường cô đã lo chạy khắp nơi để tìm việc làm thêm. "Hồi đầu thì mình đi phát tờ rơi, mỗi ngày cũng kiếm được 20-30.000 đồng. Sau đó mình chuyển qua làm phục vụ ở quán ăn vì bên ấy trả lương cao hơn. Đến mùa hè không về nhà mà đi bán quần áo ở chợ, gom góp tiền cho năm học mới", Thủy kể.
Từ ngày bước chân vào đại học cũng là ngày Thủy không bao giờ ăn sáng nữa. “Thời gian đầu gần như không thể chịu được những cơn đói, cả buổi sáng mình không thể làm gì. Thậm chí có khi mình phải nhịn đói cả ngày trời, mấy chị cùng phòng thương quá nên hay cho ăn ké. Giờ thì mình nhịn quen rồi”, Thủy cười.
Mọi chi phí sinh hoạt đều do Thủy tự lo, chỉ có tiền học phí là được anh chị phụ thêm, không đủ thì đi vay. Cứ đến đầu năm học là Thủy "khủng hoảng" bởi phải đóng một khoản học phí lớn và mua sắm sách vở, tài liệu... Đã nhiều lần nghĩ tới việc nghỉ học, nhưng nghĩ đến việc anh trai đi làm vất vả để lo cho mình, Thuỷ lại không đành. Thủy gắng sức học với mong mỏi nhanh chóng được ra trường để kiếm một việc làm ổn định.
"Thật ra, sau khi học xong chương trình đại học và đi thực tập, mình đã được một công ty nhận vào làm thử việc. Nhưng đợi mãi mà mình chưa có bằng tốt ngiệp nên họ đã tuyển người khác", Thủy buồn bã nói. Từ đó đến nay cô xin làm giúp việc ở một tiệm tóc để kiếm tiền trang trải, chờ đến ngày được thi tốt nghiệp. Cứ chiều Thủy lại chạy xe qua chỗ làm dọn dẹp nhà cửa, lau kính, nấu ăn cho chủ. Khi nào đông khách thì Thủy phụ thêm một tay gội đầu, massage, Thủy cũng đang tìm thêm việc làm vào thời gian buổi sáng để kiếm thêm thu nhập.
"Tất cả khó khăn em đều vượt qua được, chỉ áy náy một điều là không thể đều đặn về giỗ cha mẹ. Mẹ em mất vào tháng 10, cha mất vào tháng 11, vì hai tháng gần nhau quá nên em không thể đủ tiền về quê. Thành ra nếu năm nay về giỗ mẹ thì năm em về giỗ cha", giọng cô gái trẻ đầy trầm ngâm.
Sau 4 năm học, Thủy cũng như bao sinh viên khác đang đang háo hức mong được ra trường để đi làm. Thế nhưng giấc mơ của cô sinh viên nghèo đang trở nên mong manh khi bị “mắc kẹt” ở ĐH Hùng Vương, không được thi tốt nghiệp vì sai phạm của hiệu trưởng.
"Ước mơ được ra trường và đi làm với tụi mình giờ đây quá khó khăn. Không biết đến bao giờ mình mới có được tấm bằng đại học để đi xin việc, phụ giúp anh chị trả nợ...", Thủy nghẹn ngào.
Theo Ione