Giấc mơ không lung linh như mọi người vẫn nghĩ
Nguyễn Hà Vi sinh ra và lớn lên tại thành phố Hà Tĩnh. Bố mất sớm, mẹ vất vả nuôi hai anh em ăn học nên Hà Vi luôn tự lập lựa chọn con đường đi cho mình.
Hà Vi bắt đầu săn học bổng du học từ năm lớp 11. Em bắt đầu với con số 0: không người hướng dẫn, không ai ủng hộ, không một giải quốc tế, không ở trong đội tuyển quốc gia, cũng không nhận sự hỗ trợ từ trung tâm. Tuy nhiên, chính sự bắt đầu muộn làm cho em biết mình cần phải nỗ lực gấp 10, 20 lần so với những bạn khác. “Và khi gặp ai nói với em rằng em không thể làm được đâu, em chỉ cảm ơn và tiếp tục về nhà làm”, Hà Vi chia sẻ.
Ngoài học tập và tham gia các hoạt động, Hà Vi còn có sở thích vẽ tranh. Ảnh NVCC |
Giấc mơ không lung linh như những câu chuyện hoàn hảo trên mọi mặt báo và Hà Vi nhận thấy em chính là ví dụ điển hình cho sự trầy trật, thất bại, vấp ngã, để rồi lại đi tiếp. Những gì mọi người nhìn thấy là lá thư gọi nhập học của trường ĐH Stanford, nhưng những gì em và những người thân yêu thấy là hơn 20 lá thư từ chối từ những năm trước, hơn 20 emails báo “không thể nhận vào thực tập” từ nhiều tổ chức khác nhau.
“Khi em chọn tự mình đi con đường này, em chấp nhận bắt đầu lại từ đầu, chấp nhận luôn cả những ánh mắt hoài nghi mọi người đổ dồn lên em. Nhưng những lúc đó, chỉ cần có một người ủng hộ và tin em thôi thì cũng đủ. May mắn trong thời điểm đó, ngoài gia đình và những người bạn thân thiết, em nhận được sự tin tưởng từ các anh chị tại một trung tâm hỗ trợ’, Hà Vi nói.
Để hiện thực hóa giấc mơ du học của mình, Vi tạm dừng một năm học ĐH để dồn sức ôn luyện, đáp ứng các điều kiện của các trường ĐH. Trong thời gian gap-year (khoảng thời gian tốt nghiệp THPT cho đến nay), Hà Vi thực hiện việc ôn thi chuẩn hóa; tham gia vài cuộc thi quy mô quốc gia, quốc tế; thực tập sinh, nghiên cứu sinh và tình nguyện viên tại các tổ chức giáo dục, tâm lý, xã hội trong nước và nước ngoài (Mỹ/online)...
Chạm đến trái tim
Chia sẻ niềm vui biết mình đạt học bổng toàn phần, Vi không ngần ngại kể lại: nhận được thư mời từ trường ĐH Stanford, bản thân không tin đây là sư thật. Ngày nhận email vào đầu tháng 3, chỉ nghĩ là thư nhà trường yêu cầu nộp thêm tài liệu, nên em không mở, bởi theo thông lệ, các trường bắt đầu thông báo kết quả vào cuối tháng 3, đầu tháng 4. Mấy hôm sau mở ra, em mới biết đó là thư thông báo được nhận vào trường. Ngoài trường ĐH Stanford, Vi còn nhận được học bổng toàn phần của các trường Wesleyan University và Pitzer College.
Từ câu chuyện của mình, Hà Vi cho rằng thất bại là một cách mình tự nhìn nhận lại bản thân xem liệu có đang nghiêm túc với hành trình đã chọn hay không, và khi đã buồn đủ, khóc đủ thì sẽ lại đứng lên tiếp tục tìm cơ hội.
Chuyện học với Vi không chỉ bao gồm những giờ cày cuốc trên lớp, ở lò luyện thi hay những đêm không ngủ ôn bài, học là việc mình hiểu và yêu lấy thế giới xung quanh, như học cách yêu thương mọi người, học tôn trọng sự khác biệt; học cách vượt qua khủng hoảng; học cách vượt lên những định kiến - đó cũng là những bài học quý giá và quan trọng.
Mọi người đều có câu chuyện riêng, và không ai có thể tự tạo câu chuyện ấy ngoài bản thân mình.
Chia sẻ thêm về bài luận của mình, Vi cho hay bài luận của em xuất phát từ những hình ảnh rất đẹp của mẹ xuyên suốt những năm tháng thời thơ ấu đến khi lớn lên. Việc lặng nhìn mẹ làm em muốn lưu giữ những hình ảnh đó. Em bắt đầu viết và yêu việc viết lách, vì đó là cách em lưu giữ những ký ức đẹp. Dần dần việc viết không chỉ là lưu giữ ký ức, mà nó trở thành một đam mê, một điều mà em làm để lan toả những yêu thương tới mọi người.
“Em học được rất nhiều từ những điều nhỏ bé xung quanh mình, thay vì những thứ quá lớn lao, và những lần em quan sát mẹ cũng là những lần mà em học được nhiều nhất. Em luôn biết ơn tình yêu thương vô điều kiện của mẹ dành cho em. Dù cho có nhiều lần sự bướng bỉnh và khó hiểu của em có thể làm mẹ chọn là không dành cho em nhiều quan tâm, săn sóc nữa, nhưng em vẫn luôn cảm nhận được sự bao dung của mẹ. Việc này làm em ngộ ra một điều, đó là mình luôn có thể dùng yêu thương chân thành và sự tử tế để lan toả những điều tốt đẹp”, Hà Vi tâm sự.
Tháng 8 tới, Hà Vi sẽ nhập học tại trường ĐH Stanford. Em đang định hướng những vấn đề liên quan đến tâm lý học trong giáo dục, chính sách giáo dục hoặc nghệ thuật. Tuy nhiên, đến hết năm 2, em mới phải chọn ngành nên cũng chưa vội, em đang muốn khám phá thêm.
Theo bảng xếp hạng Times Higher Education World University Rankings 2020-2021 (THE), trường ĐH Stanford đứng vị trí thứ 2 trên thế giới, sau ĐH Oxford, vương quốc Anh. Đây là ngôi trường của nhiều doanh nhân, nhà khởi nghiệp. Trường từng có 17 cựu sinh viên được trao giải Nobel.