“Thông điệp của tôi rất rõ ràng,” Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid cho biết trên báo the Times, “Với ai đã ủng hộ các tổ chức khủng bố ở nước ngoài, thì tôi sẽ không ngần ngại ngăn chặn người đó quay về.”
Ông Javid cũng khẳng định nếu về nước, Shamima Begum, nữ sinh 19 tuổi đang muốn được trở lại Anh sau 4 năm gia nhập IS, có thể bị truy tố.
“Chúng ta phải nhớ rằng những ai rời khỏi nước Anh để gia nhập Daesh đều sẽ hoàn toàn bị ghét bỏ tại đất nước của chúng ta,” Bộ trưởng Javid khẳng định, “Một khi đã về nước, những người này phải sẵn sàng cho việc bị chất vấn, điều tra và còn có khả năng bị truy tố.”
Ông còn cho biết thêm rằng đã có nhiều biện pháp để “ngăn chặn những đối tượng có biểu hiện nguy hiểm khi quay trở lại nước Anh, bao gồm việc tước quyền công dân hoặc trục xuất họ ra nước ngoài.”
Dominic Casciani, phóng viên phụ trách mảng đối nội của BBC, cho biết giới chức an ninh tại London cũng có thể sẽ kiểm soát khả năng về nước của cô Begum thông qua Sắc lệnh Loại trừ Tạm thời. Công cụ pháp lý gây tranh cãi trên sẽ cấm một công dân Anh được phép hồi hương, cho đến khi họ đồng ý được điều tra, giám sát, và phi cực đoan hóa nếu cần.
Tuy nhiên Thượng nghị sĩ Carlile, nguyên là một nhà nghiên cứu độc lập về luật khủng bố, cho biết Shamima vẫn có thể được chấp nhận trở lại nước Anh, nếu cô vẫn chưa trở thành công dân của bất kỳ quốc gia nào khác. Bởi theo luật quốc tế, một cá nhân không thể bị ép buộc trở thành người không quốc tịch.
Trước khi gia nhập IS, Shamima vẫn được coi là môt đứa trẻ hợp pháp. Và nếu vẫn còn dưới 18 tuổi, Chính phủ Anh phải có trách nhiệm tạo “điều kiện tốt nhất” để cô vào đứa bé sắp sinh của mình có thể quyết định nên làm điều gì tiếp theo. Nhưng giờ khi đã đủ tuổi trưởng thành, Shamima phải chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình, kể cả khi có bị cưỡng hôn hoặc lạm dụng trong suốt hành trình của mình đi chăng nữa.
Trước đó, Tareena Shakil, cô dâu của một kẻ khủng bố người Anh, đã cùng con mình trốn thoát khỏi vùng chiến sự tại Trung Đông, nhưng đã nói dối với các bộ phận an ninh Anh về quyết định hồi hương của mình, nên sau đó đã bị bỏ tù vì cáo buộc là thành viên của một nhóm khủng bố.
Nếu Shamima làm theo cách trên để về nước, cô cũng sẽ phải đối mặt với tội danh tương tự, bên cạnh các tội danh cổ súy và ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.
Tuy nhiên điều này còn lâu mới diễn ra. Bởi cho dù có thể đặt chân đến sân bay tại Anh đi nữa, Shamima vẫn sẽ bị cấm nhập cảnh cho đến khi cô chấp nhận được điều tra, giám sát và phi cực đoan hóa. Các cơ quan xã hội cũng chắc chắn sẽ có quyền cân nhắc về việc đứa con của Shamima có bị tách khỏi mẹ nó hay không để tránh bị cực đoan hóa.
Shamima Begum từng là một trong 3 nữ sinh của Học viện Betthnal Green trốn khỏi nước Anh để gia nhập IS vào tháng 2 năm 2015. Sau 4 năm sống tại thành phố Raqqa, 1 trong những thành trì của IS ở Syria, và kết hôn với 1 chiến binh IS, Shamima đã tìm cách trốn thoát tới 1 trại tị nạn tại phía Bắc nước này, khi vẫn đang mang thai đứa con thứ 3 của mình.
Tại đây, dù cho biết không hối tiếc với quyết định gia nhập IS, và hoàn toàn vô cảm với những cuộc hành hình man rợ của tổ chức này, nhưng Shamima muốn được hồi hương để chăm sóc đứa con sắp sinh, do lo sợ đứa bé sẽ chết yểu giống như 2 đứa trẻ mà cô đã sinh hạ trước đó.
Gia đình Shamima cũng đã lên tiếng kêu gọi Chính quyền Anh nên mở lượng khoan hồng cho đứa con gái của mình. Anh Mohammed Rahman, anh rể của Shamima cho biết trên the Times; “Con bé còn quá trẻ - tôi không nghĩ nó có đủ kinh nghiệm sống khi đưa ra những quyết định trên.”
“Tôi hi vọng con bé sẽ được cho phép về nhà, miễn là Chính phủ sẽ chấp nhận việc nó đã quay lưng với hệ tư tưởng của bọn khủng bố,” anh Rahman cho biết.