Nữ sĩ Hồ Xuân Hương

TP - Đại hội đồng UNESCO lần 41, họp tại Paris, từ ngày 9-24/11/2021 thông qua danh sách “Danh nhân văn hóa và sự kiện niên khóa 2022-2023”, trong đó Việt Nam có hai nhà thơ Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu được vinh danh là “Danh nhân Văn hóa Thế giới”. Xin giới thiệu về nữ sĩ Hồ Xuân Hương nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 này.

Cuộc đời của Hồ Xuân Hương, người ta biết rất ít, chưa có một sử sách chép đầy đủ về bà. Vì thế cho đến nay còn nhiều điều nghi vấn về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của bà. Bà sinh năm nào, mất năm nào và sáng tác chủ yếu vào giai đoạn nào, chưa một ai biết chính xác. Sự thực về thân thế sự nghiệp của Hồ Xuân Hương bị nhiều huyền thoại che phủ đến mức khó gỡ.

Bà đã khai thác triệt để khả năng tu từ phong phú của ngôn ngữ dân tộc và đã mài sắc ngôn ngữ ấy của thời đại mình, tìm ra hệ thống kết cấu ngôn từ đột xuất để tạo nên phong cách riêng hết sức độc đáo, có khả năng tạo những ngữ nghĩa kép thanh- tục trong hầu hết các bài thơ của bà.

Theo tác giả Trần Thanh Mại (1911-1965) công bố liên quan đến việc phát hiện tập thơ “Lưu Hương ký” (tạp chí Văn học Hà Nội, 10/1964), theo đó, cha bà là ông Hồ Sỹ Danh (1706-1783), quê quán làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, đậu cử nhân 1732, không ra làm quan (có con trai cùng cha khác mẹ với Hồ Xuân Hương là Hồ Sỹ Đống), mẹ bà họ Hà, người thiếp của Hồ Sỹ Danh. Hồ Xuân Hương sinh trong khoảng 1745 đến 1780.

Hồi nhỏ có thể bà từng sống ít năm ở quê cha, nhưng từ khi cha mất, bà sống với mẹ lúc đầu ở Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận, về sau đến ở thôn Tiêu Thuỵ, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, Hà Nội. Lúc trưởng thành bà ở nhà riêng gần hồ Tây, đặt tên là “Cổ Nguyệt đường”. Có thể đây là phòng văn, hay nơi bà dạy học, có thể là nơi diễn ra các buổi bình văn thơ, thù tiếp bạn bè?

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương ảnh 1

Một bức tranh minh họa chân dung Hồ Xuân Hương.

Về sự nghiệp sáng tác, cũng có nhiều tài liệu khác nhau. Trước kia các nhà nghiên cứu văn học sử cho rằng Hồ Xuân Hương sống và sáng tác vào nửa cuối thế kỷ XVIII, chủ yếu dưới thời Tây Sơn. Nhưng có một số tài liệu mới phát hiện cho thấy bà sống và sáng tác chủ yếu dưới triều Nguyễn, khoảng nửa đầu thế kỷ XIX.

Trước kia người ta cho rằng Hồ Xuân Hương là tác giả của những bài thơ Nôm hết sức độc đáo, đặc sắc, nhưng gần đây theo phát hiện được công bố năm 1964 của Trần Thanh Mại, cho biết bà sáng tác cả thơ chữ Hán và tập thơ Lưu Hương ký của bà là một áng thơ vừa chữ Hán vừa chữ Nôm.

Hồ Xuân Hương thông minh, nhưng không được học nhiều, đường tình duyên lại lắm éo le. Theo sự truyền tụng, thì bà lấy chồng hai lần đều làm lẽ. Theo tư liệu của học giả Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) công bố trên Tập san Khoa học Xã hội, Paris, 12/1983, cho rằng bà có một lần làm lẽ Trần Phúc Hiển (quê Đàng Trong, con trai một công thần nhà Nguyễn), khi ông này làm Tham hiệp trấn Yên Quảng, khoảng 1815-1818, trước đó ông làm Tri phủ Vĩnh Tường.

Trong số bạn bè, có ông Chiêu Hổ (Phạm Đình Hổ mất năm 1839). Nhiều người đoán định rằng, theo tâm lý thường tình trong cuộc giao du thì Hồ Xuân Hương ắt phải nhỏ tuổi hơn Chiêu Hổ, nhưng không ít hơn mấy. Vậy chắc chắn Hồ Xuân Hương sống vào đầu đời Nguyễn và có lẽ đa số các bài thơ của bà làm vào thời này.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương ảnh 2

Một ấn phẩm Hồ Xuân Hương bằng

tiếng Pháp.

Sáng tác của Hồ Xuân Hương còn lại đến nay gồm 2 nguồn: Trước hết là do truyền tụng từ sinh thời của bà còn lại đến nay, khoảng trên dưới 50 bài thơ Nôm (trên 100 dị bản), từng được chép hoặc khắc in bằng chữ Nôm. Trong đó, bản được chép sớm nhất là bản của Antony Landes thuê chép ở Hà Nội, năm 1893, sau đó có những bản in khắc vào các năm 1909, 1914... hoặc bản chữ quốc ngữ, sớm nhất là bản in của Xuân Lan, Hải Phòng năm 1913-1914 và các bản của Đông Châu, Nguyễn Hữu Tiến trong Giai nhân dị mặc, Hà Nội, 1917, của Trần Trung Viên trong Văn đàn bảo giám, Hà Nội, 1927-1932. Chắc chắn trong số các bài thơ đó có lẫn một ít bài của người khác, có giọng thơ tương tự?

Do tồn tại bằng truyền tụng trong một thời gian dài, văn bản các bài thơ đã khác nhiều so với dạng ban đầu (bởi trong truyền tụng việc thêm bớt tự do là điều bình thường). Loại dạng thơ này khó khôi phục nguyên bản, bởi quá nhiều dị bản. Đó là chưa nói tới có nhiều bản thất lạc, lại có lẫn thơ của người khác.

Hầu hết bài thơ đề vịnh của Hồ Xuân Hương như vịnh: người, vật, cảnh thường theo thể Đường luật, với một ngôn ngữ rất độc đáo. Đề tài các bài thơ, ở những mức độ khác nhau, đều nói lên số phận, phẩm giá, vị trí của người phụ nữ trong đời sống thế tục. Vì thế Hồ Xuân Hương được coi là một trong những thi sĩ tiêu biểu cho trào lưu nhân đạo chủ nghĩa của văn học Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX, trước hết các sáng tác của bà đã nêu lên được những nỗi bất công mà người phụ nữ phải gánh chịu trong xã hội phong kiến, đồng thời qua thơ văn, bà đã giương cao ngọn cờ đấu tranh bênh vực quyền lợi cho phụ nữ.

Hồ Xuân Hương rất thông cảm với những nỗi khổ riêng tư ấy của người phụ nữ, nhưng không hề than thở, ngược lại muốn động viên, an ủi họ dũng cảm đấu tranh chống lại cuộc sống xã hội phong kiến “trọng nam khinh nữ”, mọi khổ đau đều đổ lên đầu người phụ nữ. Bà ý thức rất rõ về vai trò lớn lao của người phụ nữ rất quan trọng trong gia đình và xã hội, họ là những con người không chỉ đẹp, họ còn có đạo đức, tài năng không kém gì nam giới. Nhưng họ không phát huy được tài năng của mình chính vì xã hội phong kiến không chấp nhận họ có quyền bình đẳng với nam giới.

Theo nhận xét của tác giả Nguyễn Lộc: “Hồ Xuân Hương có một số bài thơ viết về cảnh ngộ riêng tư. Đó là cảnh ngộ của một người phụ nữ giàu sức sống và rất tài hoa, nhưng cuộc đời đầy bất hạnh. Bà tha thiết có một tình yêu đẹp, nhưng không bao giờ đạt được. Phải làm lẽ, những người mà bà không thật yêu thương, cho nên thơ bà thường thể hiện một khát khao, nhiều khi đến cháy bỏng về một tình yêu trai gái, tình yêu vợ chồng. Thơ Hồ Xuân Hương lấy đề tài trong cuộc sống hàng ngày, nhưng thường là đề tài có tính chất úp mở, hai nghĩa, một nghĩa đen phô ra, nói trực tiếp về đối tượng mà nhà thơ mô tả và một nghĩa ngầm (nghĩa bóng), nói về chuyện (chăn gối) trong buồng the”. Thực ra thơ bà không hề khêu gợi dục vọng, ngược lại thơ bà nhằm mục đích bênh vực người phụ nữ.

Về nghệ thuật thơ, Hồ Xuân Hương thừa kế xuất sắc truyền thống của truyện tiếu lâm dân gian, thường hay dùng cái tục làm phương tiện đả kích sắc bén. Vì thế người ta nói thơ Hồ Xuân Hương là sự vươn lên của văn nghệ dân gian. Lời văn nôm na. Câu thơ thường chỉ là câu nói cửa miệng.

Điều lạ lùng là bà đã đưa được gọn gàng và tự nhiên những câu nôm na ấy vào luật thất ngôn, vào khuôn khổ đối ngẫu:

Cái tội trăm năm chàng chịu cả/ Mảnh tình một khối thiếp xin mang.

Tác giả sử dụng thành thạo những thành ngữ, tục ngữ, ca dao, những lối nói giản ước bóng bẩy rất Việt Nam.

Bà đã khai thác triệt để khả năng tu từ phong phú của ngôn ngữ dân tộc và đã mài sắc ngôn ngữ ấy của thời đại mình, tìm ra hệ thống kết cấu ngôn từ đột xuất để tạo nên phong cách riêng hết sức độc đáo, có khả năng tạo những ngữ nghĩa kép thanh - tục trong hầu hết bài thơ của bà.

Thứ hai là nguồn còn lại trong thư tịch cũ, mà tác giả Trần Thanh Mại đã phát hiện, chủ yếu là tập thơ Lưu Hương ký. Lưu Hương ký được chép chung với nhiều văn bản khác trong tập Du Hương Tích động ký. Tập thơ gồm 24 bài thơ chữ Hán và 26 bài thơ chữ Nôm. Đầu đề ghi là của Hồ Xuân Hương, người Nghệ An, viết tại nhà Cổ Nguyệt đường, lời Tựa do Nham Giác Phu Tốn Phong Thị viết, đề năm 1814. Bài Tựa, cho biết nhiều điều về về nữ thi sĩ. Các bài thơ trong Lưu Hương ký là thơ xướng họa, tặng, đáp, trong đó tác giả bày tỏ tâm sự và tình cảm của mình đối với những người bạn trai như các ông Tốn Phong Thị, ông Hiệp trấn Sơn Nam thượng họ Trần, ông Chí Hiên, ông Mai Sơn Phủ, có cả “người cũ” Nguyễn Du (1756-1820).

Tình cảm thể hiện trong các bài thơ này là tình yêu trai gái, được tác giả thổ lộ rất thắm thiết, so với thời đại bà là rất táo bạo, nhưng vẫn giữ khuôn khổ lễ, nghĩa. Nghệ thuật thơ khá già dặn.