Đối đầu
Hai nữ phóng viên Jodi Kantor và Megan Twohey của tờ New York Times chính là những người đã nổ phát súng khơi mào cuộc chiến đòi lại công lý cho những cô gái trẻ đã bị Harvey Weinstein bức hại, với bài báo Harvey Weinstein mua chuộc người tố cáo xâm phạm tình dục trong hàng thập kỷ xuất bản ngày 5/10/2017.
Bài báo thắng giải Pulitzer năm 2018 này đã truyền cảm hứng và lòng can đảm cho những minh tinh như Angelina Jolie, Gwyneth Paltrow và Rosanna Arquette đứng lên chia sẻ câu chuyện của mình, đẩy mạnh phong trào #MeToo khuyến khích mọi nạn nhân của nạn xâm hại tình dục tại phim trường lớn nhất thế giới này lên tiếng tố cáo.
Megan Twohey (trái) và Jodi Kantor (phải) trong phim She Said. |
Được chuyển thể từ quyển sách cùng tên của hai nữ nhà báo trên, bộ phim She Said (2022, của nữ đạo diễn Maria Schrader, biên kịch Rebecca Lenkiewicz) liên tục là những cuộc gọi điện, gặp gỡ nhân vật, tra hỏi thông tin rồi viết lách, và chuỗi hành động này kéo dài đến cuối phim.
Song, bộ phim không vì thế mà nhàm chán. Bởi mục tiêu của hai nữ ký giả Kantor và Twohey là vạch trần tội ác của một kẻ đầy quyền lực trong giới điện ảnh và giải trí, kẻ có thể dễ dàng hủy hoại cuộc đời của bất kỳ nhà báo hay nạn nhân nào chịu đứng ra làm chứng. Đồng thời, cách làm phim đơn thuần dựa trên các hành động tác nghiệp thường nhật của nhà báo thay vì kịch tính hóa bằng những chi tiết không có thật hoặc phóng đại hóa như nhiều bộ phim thể loại tiểu sử khác đã đem lại cho She Said một cảm giác chân thực như một bộ phim tài liệu.
Harvey Weinstein bị bắt vào ngày 25/5/2018 với tội danh hiếp dâm và xâm hại tình dục. |
So với cuốn sách cùng tên, phim She Said có một khác biệt đáng kể, đó là thông qua quá trình tác nghiệp đã đi sâu vào đời tư của hai nhà báo, làm sâu sắc hóa hai nhân vật chính và cho phép họ vượt lên trên nhãn dán nghề nghiệp của mình. Không chỉ là nhà báo, Megan Twohey còn là một người mẹ đang đối đầu với chứng trầm cảm sau sinh và cô nhận vụ án Weinstein vào ngày đầu đi làm lại sau khoảng thời gian nghỉ thai sản. Jodi Kantor là mẹ của hai cô con gái nhỏ, và cô đã bị sốc khi con gái lần đầu hỏi về từ “hiếp dâm” - một khái niệm quá xa lạ với một đứa bé thơ.
Khi quyết tâm vạch trần tội ác bẩn thỉu không chỉ của Harvey Weinstein mà còn của những chính khách hàng đầu và rất nhiều “ông trùm” khác trong xã hội, họ không chỉ cố gắng thực hiện thiên chức nhà báo, mà còn với vai trò của những người mẹ tìm cách gột rửa môi trường làm việc độc hại để con gái mình sau này sẽ không trở thành những nạn nhân tiếp theo của tội phạm tình dục, cho dù đó là Hollywood hay bất kỲ nơi làm việc nào khác. Nhà sản xuất phim tài liệu Laura Madden - một nạn nhân của Harvey Weinstein khi cô mới 21 tuổi, đã lên tiếng tố cáo ông ta cũng vì mục đích như vậy. Rằng “Chúng đừng hòng nghĩ rằng 25 năm sau chúng vẫn có thể kiểm soát tôi được”.
Khi phụ nữ tìm thấy nhau
Laura Madden - nạn nhân của Harvey Weinstein trong phim |
Trong phim, Twohey hỏi Kantor rằng liệu họ có đang phí thời gian khi tập trung phỏng vấn những nữ diễn viên nổi tiếng thay vì những người thấp cổ bé họng hơn?
Kantor đáp ngay: “Họ sợ bị ngành công nghiệp phim ảnh trừng phạt vì lên tiếng tố cáo. Chúng ta đang nhìn vào nạn xâm hại tình dục mức độ cực kì kinh khủng ở môi trường làm việc. Những người phụ nữ trẻ đó bước vào buổi gặp mặt tưởng chừng như chỉ là một buổi bàn bạc công việc với nhà sản xuất hay nhà tuyển dụng. Họ tràn đầy hy vọng. Họ mong đợi một cuộc thảo luận nghiêm túc về công việc của họ hoặc một dự án tiềm năng. Thay vào đó, họ nói hắn ta dùng những lời lẽ đe dọa và đưa ra những yêu cầu tình dục. Họ xác nhận đó là hiếp dâm và xâm hại. Đến các nữ diễn viên Hollywood còn trở thành nạn nhân, vậy những người khác thì sao?”.
Tái hiện lại tội ác của Weinstein chỉ là một phần, bộ phim tập trung nhiều hơn đến sự tương trợ lẫn nhau của những người phụ nữ, thể hiện qua cách họ sẵn sàng lắng nghe lời chia sẻ nạn nhân không chỉ với tư cách nhà báo mà còn là một phụ nữ và một người mẹ. Như biên kịch Rebecca Lenkiewicz chia sẻ: “Mặc dù câu chuyện này vô cùng tối tăm... nhưng trong đó vẫn còn ánh lên vẻ đẹp của những người phụ nữ tìm thấy nhau”.
Chính vì thế, khi Kantor và Twohey ngồi đối diện với nạn nhân để hỏi họ về sự việc trong quá khứ, khán giả không chỉ đang xem phân cảnh một cuộc phỏng vấn thông thường, mà đó còn là quá trình hai nữ nhà báo từ từ kết nối và khuyến khích nạn nhân trải lòng về vết nhơ đáng quên của cuộc đời họ. Các lời khai của hầu hết các nhân vật này đều không thể được ghi chép lại vì lí do pháp lý lẫn cá nhân, nhưng họ vẫn đồng ý gặp mặt nhà báo để chia sẻ về chuyện đã xảy ra, bởi từ rất lâu rồi họ đã chờ đợi một ai đó sẵn sàng lắng nghe câu chuyện đau đớn của mình.
“Ngày càng có nhiều làn sóng chống lại báo chí... Bạn biết đấy, các câu hỏi như liệu tin tức có đáng tin không? Tin tức có chính xác không? Tôi nghĩ điều thật sự quan trọng là mọi người biết rằng ở ngoài kia vẫn còn có những nhà báo luôn làm mọi cách để chạm vào sự thật” Biên kịch Lenkiewicz
Cuộc chiến chống nạn xâm hại tình dục không chỉ dành cho nữ giới mà còn bảo vệ cả nam giới, bởi họ cũng hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân của nó. Một ví dụ điển hình gần đây là nam tài tử Brendan Fraser chia sẻ về việc ông từng bị lạm dụng bởi cựu chủ tịch giải thưởng phim Quả cầu vàng.
Tiêu đề She Said (tạm dịch: Cô ấy nói) của phim làm tôi liên tưởng đến tiêu đề phim Women Talking (Cuộc trò chuyện của những người phụ nữ) bởi vì cả hai phim đều có một câu chuyện tương đồng: những phụ nữ bị xâm hại tình dục đã cố gắng thuyết phục những nạn nhân nữ khác tập hợp lại để đấu tranh cho chính mình và con cái mình. Như lời nhân vật Twohey: “Yêu cầu phụ nữ lên tiếng rất khó... Tôi không thể thay đổi điều xảy đến với cô trong quá khứ, nhưng cùng nhau ta có thể tận dụng trải nghiệm đó của cô để giúp đỡ những người khác”.
She Said là một bộ phim đáng xem về giới báo chí và truyền thông bên cạnh những bộ phim như Spotlight, All the President’s Men hay Citizen Kane. Bộ phim là lời gợi nhắc rằng Harvey Weinstein chỉ là một nút thắt trong một chuỗi hệ thống những tên tội phạm tình dục nắm quyền lực trong xã hội. Phong trào #MeToo và bản án dành cho Weinstein chỉ mới là bước đầu trong công cuộc bảo vệ thân thể và danh dự của mọi người tại công sở cũng như ngoài đời.