Cử tri Mayra Fernanda Mejía (bà mẹ đơn thân và nhà hoạt động ở vùng nông thôn) từng bị đe dọa khi lên tiếng chống lại các nhóm vũ trang ngang ngược ở cộng đồng của bà, và mỗi mùa bầu cử bà đều thấy những ứng viên da trắng ở tỉnh Cauca đi phát lương thực và tuyên truyền những lời hứa trống rỗng về phát triển. Nhưng cuối tuần qua, cử tri Mejía bỏ phiếu cho ứng viên Francia Márquez, góp phần đưa bà trở thành nữ phó tổng thống da màu đầu tiên của quốc gia Nam Mỹ, để sát cánh với ứng viên tổng thống cánh tả Gustavo Petro. Cử tri Mejía tin rằng chiến thắng của bà Márquez sẽ mở ra một chương mới công bằng hơn ở đất nước luôn bất bình đẳng.
Bà Francia Márquez là bà mẹ đơn thân Ảnh: France24 |
Bà Márquez, 40 tuổi, đấu tranh vì các vấn đề xã hội từ năm 13 tuổi, khi làng của bà sắp trở thành nơi xây đập thủy điện. Từ lúc đó, bà làm công việc của một thợ luyện vàng và người dọn dẹp, trong khi theo học ngành luật. Bà từng bị một nhóm mafia địa phương đuổi đi và bị ám sát hụt ít nhất một lần.
Năm 2014, khi nhóm đào vàng trái phép chặt phá rừng, chuyển hướng dòng sông và đổ thủy ngân xuống nguồn nước của người dân địa phương, bà mẹ đơn thân đã dẫn đầu 80 phụ nữ từ trên núi xuống thủ đô Bogotá cách xa 350 dặm để biểu tình. Bốn năm sau, bà Márquez được trao giải thưởng môi trường Goldman uy tín.
Bà Márquez được chọn làm người cùng tranh cử với ứng viên tổng thống Petro sau khi giành được hơn 750.000 phiếu phổ thông hồi tháng 3, đánh bại nhiều chính trị gia kỳ cựu. Cả hai ứng viên đều thuộc liên minh cánh tả Historic Pact, một tập hợp của nhiều người phản đối thể chế và những chính trị gia mới. Colombia trước đây chưa bao giờ có một tổng thống cánh tả.
Chiến thắng của bà Francia Márquez đánh dấu một bước rẽ quan trọng ở một quốc gia luôn tồn tại bất bình đẳng xã hội và luôn nằm dưới sự quản lý của nhóm tinh hoa bảo thủ.
Khi bà Márquez gặp gỡ các lãnh đạo nữ da màu trong cộng đồng, những người ủng hộ đã hò reo và giơ biểu ngữ như: “Bà ấy đại diện cho tôi”, hay “Vì một cuộc sống không có bạo lực”.
Các tấm bảng và cửa sổ xe hơi trên khắp đất nước dán chân dung bà Márquez với bàn tay nắm chặt, gợi nhớ những tấm áp phích “Hy vọng” được lan truyền trong chiến dịch của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuy nhiên, bà cũng bị một số người, trong đó có cả thượng nghị sĩ trong liên minh chính trị của bà, chế giễu là “King Kong” trên mạng xã hội. “Colombia là một trong những nước kỳ thị chủng tộc nhất ở Mỹ Latin vì một lý do. Ở đây, mọi người nói về phụ nữ da màu là ‘những thứ màu đen khá nhỏ’, và ai được quốc hội ưu tiên? Người da trắng và người lai, chứ không phải người da đen”, bà Mejía nói.