Các quán bar thường mở và đóng cửa khá muộn nên các DJ cũng phải làm muộn. Mọi sinh hoạt bị đảo lộn hoàn toàn, mọi người ngủ đêm, thức sáng còn họ thì ngược lại.
DJ là một công việc trẻ trung và sôi động. Đối các DJ nữ thì ngoại hình là một điều không thể thiếu. Vì thế tuổi nghề của các DJ nữ thường không cao, trung bình chỉ khoảng năm, hoặc sáu năm.
Đầy rẫy những cạm bẫy
DJ là một nghề “hot” hiện nay bởi đây là công việc khá nhàn nhã chỉ làm 45 phút đến một tiếng một ngày vào buổi tối mà số tiền kiếm được lại không hề ít, thấp nhất cũng rơi vào khoảng bảy, tám triệu một tháng.
Nhưng cái giá phải trả cho nghề cũng không kém nhất là đối với những DJ nữ khi phải làm trong môi trường phức tạp, phải va chạm với nhiều thành phần trong xã hội có thể nói là trong một môi trường mà mặt trái chiếm đa số. Vì thế mà không ít nữ DJ đã tự đánh mất mình.
Đối với những DJ mới vào nghề, việc điều chỉnh mình để không rơi vào cạm bẫy đã là một việc khó khăn chưa kể đến những lần hứng chịu những đòn chơi xấu “ma cũ bắt nạt ma mới” của những DJ vào nghề trước.
DJ là một môn nghệ thuật, và những người DJ cũng là nghệ sĩ. Một tên tuổi được khẳng định với những bài nhạc mang phong cách, dấu ấn riêng của mình. Nhưng trước khi đến ca được chơi “bài tủ” đó thì đã bị DJ khác cố ý chơi trước rồi. Hay những tiểu xảo chơi xấu ngay trên bàn xoay để DJ bị đánh lỗi.
Thậm chí, việc chơi xấu còn được sử dụng ngay khi sắp xếp ca. Một tổ DJ thường có từ 4 đến 5 người sẽ thay phiên nhau chơi theo từng ca nhưng nếu bị “đì” thì DJ đó chỉ đc chơi ở ca đầu từ 9 giờ đến 10 giờ- đây luôn là ca ít khách nhất trong các bar…
Đây chỉ là một vài trong vô vàn tiểu xảo được các DJ sử dụng nhằm đem lại lợi ích cho chình mình mà thôi. Trong cái “xã hội thu nhỏ” đầy những ánh đèn nhấp nháy, rượu bia, thuốc lá và không thể thiếu là những cuộc ẩu đả..
Say rượu bia, rồi lời qua tiếng lại, có khi chỉ là động chạm nhỏ thôi nhưng cũng đủ để gây ra cảnh tượng cốc bay “vèo vèo”, không cần biết mục tiêu là đâu. DJ Mai Còi kể lại khi chứng kiến cuộc ẩu đả trong bar: “ Lúc ấy, mình chẳng biết làm gì chỉ biết ngồi sụp xuống bục để tránh.”
Đâu chỉ có thế DJ nữ còn là mục tiêu của những vị khách đại gia. Đôi khi chỉ là mời ly rượu, đi ăn nhưng nếu không biết giữ mình thì cái giá phải trả là vô cùng đắt. Mai chia sẻ khi được hỏi về việc đánh mất mình của các DJ nữ : “Theo mình nghĩ thì những DJ nữ mà họ quyết tâm theo nghề đến cùng họ phụ thuộc vào nghề thì họ mới đánh mất mình. Vì nếu không làm như thế thì sẽ có nhiều lý do khiến họ không được làm nữa.
Còn với những người làm chỉ vì đam mê, không làm chỗ này thì làm chỗ khác, họ ko bị ràng buộc với nghề, và thực sự có bản lĩnh thì chắc sẽ ko đánh mất mình .”
Nghề “bạc bẽo”
Không chỉ đầy cạm bẫy mà đây còn là cái nghề mà được nhận xét từ những người trong cuộc là “khá bạc bẽo”. Từ sau khi vũ trường New Century bị đóng cửa, các vũ trường bị kiểm soát gắt gao hơn và không ít vũ trường, quán bar bị dẹp bỏ. Vì thế công việc này không ổn định. Nếu vũ trường này bị dẹp bỏ thì DJ lại phải đi tìm vũ trường khác để làm.
Tiếp xúc với tiếng nhạc ầm ĩ hàng ngày, nên đôi tai của các DJ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, và nguy cơ bị mắc bệnh về tai là rất cao. Vì thế mỗi khi đến vũ trường các DJ đều phải trang bị cho mình những vật dụng cần thiết để làm giảm tiếng ồn như dùng bông, sau khi hết ca họ sẽ ra ngoài để không bị ảnh hưởng bởi âm thanh…
Mặc dù đầy những cám dỗ, khó khăn nhưng DJ vẫn là lựa chọn của không ít giới trẻ nhất là đối với những bạn nữ đam mê âm nhạc. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể bền vững với nghề.
Theo kinh nghiệm của các DJ thì ngoài niềm đam mê; sự am hiểu các thể loại nhạc, các thiết bị âm thanh; sự sáng tạo, và sức khoẻ tốt, các DJ đặc biệt là các DJ nữ còn phải có bản lĩnh vững vàng để luôn giữ mình tránh khỏi những cạm bẫy luôn rình rập trong môi trường làm việc phức tạp đó.
VietNamNet