Nữ diễn viên bị tạt axít làm lại cuộc đời
> Nữ diễn viên kịch nói và vụ tạt axít kinh hoàng
Có những nạn nhân của axít không chịu nổi đau đớn đã tìm đến cái chết để giải thoát, chị Tiến cũng từng nghĩ như vậy. Nhưng chị bảo cuộc đời này vẫn còn nhiều điều tốt đẹp khiến chị tự tin bước tiếp…
Sau hơn 10 năm trải qua các cuộc phẫu thuật, chị Tiến đã lấy lại được niềm tin cuộc sống. Ảnh: ANTG.. |
Chị Lê Thị Kim Tiến tâm sự, sau khi bị tạt axít cuộc sống của chị không khác nào địa ngục trần gian, sống đấy mà như chết. Ngay con chị cũng không nhận ra mẹ. Mỗi lần chị đưa tay ra bế con, muốn ôm ấp con nhưng chúng khóc thét và bỏ chạy. Nhiều lần, chị lên tầng 3 định gieo mình tự tử, kết thúc chuỗi ngày đau khổ. Biết chị sẽ làm liều nên các anh chị em trong gia đình thay phiên canh giữ.
Nỗi đau rồi cũng nguôi ngoai dần khi chị tỉnh táo nhận ra rằng cần phải sống để nuôi hai đứa con. Mỗi lần nhắm mắt tưởng tượng ra cảnh hai đứa trẻ côi cút đeo tang trắng đứng bên bàn thờ mẹ, chị rùng mình và ứa nước mắt vì thương con.
Chị quay trở lại công việc kinh doanh tại cửa hàng rèm với chiếc khăn luôn trùm kín mặt. Chị bảo, thời gian đầu khi chưa phẫu thuật tạo hình lại gương mặt, nhiều cô thợ may bỏ việc vì khiếp đảm khi nhìn thấy bà chủ, không ít khách lần đầu đến đặt hàng, gặp đúng lúc chị tháo khăn che mặt, vội vàng không nói không rằng chạy ra ngoài như bị ma đuổi.
Khoảng nửa năm sau tai nạn, có đoàn bác sĩ tạo hình của Mỹ sang Việt Nam mổ nhân đạo. Ca mổ tạo hình mũi và vá da cổ, kéo cơ mặt kéo dài 12 tiếng. Sau lần đó, tích cóp được ít tiền, chị lại đi phẫu thuật. Đến năm 2008, sau khi trải qua tổng cộng 47 lần phẫu thuật, chị có thể tự tin không cần che mạng.
Tình yêu đến với chị như một phép màu khi năm 2003, tình cờ trong lần họp mặt những người từng công tác tại Đoàn kịch Hải Dương, chị gặp anh, bố của cô con gái Yến Nhi kháu khỉnh bây giờ. Lần họp mặt ấy, anh mới dám thổ lộ tình cảm với chị. Từ đó đến năm 2008, anh luôn bên chị mỗi khi phẫu thuật.
Chị vừa khóc, vừa đọc lại bài thơ anh viết cho chị bên giường bệnh, khi lần đầu anh đưa chị đi phẫu thuật bàn tay co quắp bởi axít: "Lần đầu tiên đưa em vào viện bỏng / Trong lòng anh phấp phỏng lo xa / Nhìn em trên chiếc băng ca / Chẳng cầm lòng được lệ nhòa ướt mi / Đón về phòng vừa đi vừa khóc / Khóc vì em nhan sắc hao mòn / Nhìn em lòng dạ héo hon / Da hồng môi thắm chẳng còn như xưa / Trong lòng anh như mưa như gió / Trách ai kia dạ chó mặt người / Nhìn em thương lắm Tiến ơi / Cho anh chia sẻ phận đời với em".
Được bạn bè, anh em động viên, anh chị đã tổ chức đám cưới. Cô dâu hôm đó che chiếc voan mỏng, nhận lời chúc phúc của mọi người. Năm 2008, sau khi sinh cô con gái Yến Nhi, chị quyết định ngừng phẫu thuật.
Dẫu cuộc sống của chị đã trở lại "tám phần" so với trước đây, nhưng chị bảo hậu quả của axít vô cùng tàn nhẫn. Chị nhớ ngày mới biết nói, câu đầu tiên bé Yến Nhi hỏi là: "Mẹ bị sao vậy?", khiến chị nước mắt tuôn rơi. Một lần vô tình sờ không thấy tai mẹ đâu, con bé hốt hoảng nhổm dậy vạch tóc chị lên hỏi: "Tai của mẹ đâu rồi?" và khóc òa.
Chị kể, năm 2006, con trai lớn Nguyễn Ngọc Linh thi Tiếng hát truyền hình TP HCM và đoạt giải nhì, phóng viên truyền hình đề nghị phỏng vấn chị, người mẹ đã sát cánh cậu con trai suốt hành trình từ Bắc vào Nam và chăm chút cho con trong những ngày đi thi. Chị bảo con đoạt giải, chị mừng rơi nước mắt, tự hào vô cùng: "Nhưng lúc đó không dám nhận là mẹ của con trai mình vì không muốn mọi người biết mẹ của cháu lại xấu xí như vậy".
Chị Tiến nói rằng, điểm lại trong gia đình chị, tính cả con cháu có khoảng một nửa theo nghệ thuật với các bộ môn ca múa nhạc, kịch. Giờ đây, dù không theo nghệ thuật nhưng chị vẫn đau đáu niềm đam mê sân khấu thuở nào. Chị tự biết nghệ sĩ cần đến thanh sắc, còn mình làm đẹp cho đời bằng nghề mành rèm vậy.
Nhiều vị khách khó tính, muốn có tấm rèm treo ở những vị trí cửa vòm uốn cầu kỳ đã hoàn toàn hài lòng khi đặt hàng của chị và được tư vấn về mặt thẩm mỹ. Hơn 10 năm qua, từ một cửa hàng rèm ở Cầu Giấy, hiện chị giúp anh em, con cháu phát triển nghề làm rèm khắp Hà Nội với hơn chục cửa hàng lớn nhỏ.
Chị kể, hồi phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Nam - Cuba, chị quen cô gái rất trẻ tên Tú. Hồi đó Tú mới 16 tuổi, bị người yêu trong một cơn cuồng ghen hắt axít vào mặt hủy hoại dung nhan. Hoàn cảnh của Tú rất đáng thương. Mẹ em đã chết vì đau tim khi nghe tin Tú bị nạn, chỉ có mình bố chăm sóc. Cùng cảnh nên hai cô cháu hay nói chuyện với nhau và Tú hay lên phòng chị.
Hai năm sau, vô tình chị gặp lại Tú và biết tin bố em mới mất vì ung thư, chỉ còn ông nội 85 tuổi và một người anh trai. Năm ngoái ông Tú mất nốt và chị trở thành người thân của Tú, động viên em vượt lên hoàn cảnh và giúp đỡ kinh tế để chữa bệnh. Sau này, chị mời Tú đến cửa hàng của mình làm việc. Nhiều khách hàng đến may rèm, thắc mắc tại sao cả chủ và thợ đều bị sẹo mặt, chị cười bảo: "Hai mẹ con tôi bị tai nạn nổ bình gas".
Một lần, có ông khách là giám đốc một công ty lớn biết hoàn cảnh đã đồng ý nhận Tú vào làm việc, có chế độ ưu đãi. Dù Tú không làm tại cửa hàng của chị nữa nhưng hai người vẫn giữ mối quan hệ thân thiết. "Tú mới lấy chồng cuối năm trước. Chồng của Tú làm ở một công ty tin học trên đường Láng. Hôm đám cưới, hai mẹ con chị đến dự, chú rể bảo em phải tán Tú mãi mới đổ đấy", chị cười, gương mặt rạng rỡ như thể đấy chính là hạnh phúc của chị.
Theo An ninh thế giới