Nói về xuất thân, Nguyễn Phan Thảo Đan đúng kiểu “con nhà” thời hiện đại. Cô là cháu ngoại của nhà văn Ngô Thảo, cháu nội của dịch giả Phan Thanh Hảo, người dịch “Nỗi buồn chiến tranh” ra tiếng Anh, là con gái đầu lòng của đạo diễn “Vũ khúc con cò”, “Cánh đồng bất tận”… và nhà sản xuất Ngô Thị Bích Hạnh. Truyền thống đáng để tự hào nhưng cũng là gánh nặng trên vai Thảo Đan. Thí dụ, không ít người nghĩ cô theo nghiệp phim ảnh chẳng qua vì có sẵn bệ đỡ từ gia đình. Một cô gái tuổi đời còn non như Đan đôi khi cũng chạnh lòng vì những đánh giá phiến diện kiểu ấy. Cô đã từng nghĩ hay chỉ đi theo dòng phim hoạt hình để không mang tiếng dựa hơi bố mẹ nhưng rồi sự độc lập, quyết đoán của một người trẻ đã chiến thắng: “Không để cho người khác dồn ép hay tạo ra giới hạn giấc mơ cho mình”, cô nói. “Vô diện” là sản phẩm độc lập của Thảo Đan không chỉ trên khía cạnh sáng tạo nghệ thuật mà cả ở khía cạnh đầu tư. Nó sinh ra bởi những đồng tiền do cô tự kiếm được bằng mồ hôi và trí tuệ trên đất Mỹ. Hiện nay, Thảo Đan đã tốt nghiệp đại học và chưa có ý định trở về quê hương. Cô đang làm việc ở một Studio có tiếng tại New York.
Ám ảnh “Tôi là ai?”
“Vô diện” là một bộ phim kết hợp giữa người quay và hoạt hình, cũng là phim ngắn đầu tiên do Đan đảm nhiệm vai trò đạo diễn. Nhân vật chính của “Vô diện” là một cậu bé không tên đi tìm khuôn mặt của mình. Hành trình tìm kiếm khuôn mặt của cậu bé, cũng là hành trình của Thảo Đan, của biết bao nhiêu người trẻ khác tìm cách xác lập vị trí và giá trị của mình trong cuộc sống: “Phim là sự phản chiếu cảm xúc, ước muốn và giá trị của tôi. Tôi mới tốt nghiệp và vẫn đang khám phá bản thân mình”, cô nói.
Thảo Đan theo học trường Quốc tế Pháp Lycée Francais Alexandre Yersin d’ Hanoi từ lúc 5 tuổi đến hết cấp 3. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Đan đến New York theo học khoa hoạt hình và kỹ xảo tại Đại học SVA, một trong những trường đại học danh giá nhất về làm phim hoạt hình, cô luôn ghi tên mình vào danh sách những sinh viên xuất sắc nhất trường. 13 năm học trường quốc tế Pháp, 4 năm học đại học ở Mỹ, vừa là một cơ hội trải nghiệm tuyệt vời song trong quá trình cố gắng thích ứng với các nền văn hóa khác nhau đã khiến Đan “luôn thấy mình bị lạc và không bao giờ cảm thấy mình thuộc về một nơi nào đó duy nhất”. Như nhiều người trẻ khác, câu hỏi “Tôi là ai” ám ảnh cô. Câu chuyện về một cậu bé từ một bức tranh tìm kiếm khuôn mặt của mình trong thế giới của nghệ sỹ ẩn chứa quan niệm của Thảo Đan: “Tôi tin rằng, từ khi còn rất nhỏ, bất cứ đứa trẻ nào cũng bị ném vào một môi trường không có hướng dẫn hoàn hảo. Họ phải tự bắt đầu đặt ra câu hỏi về danh tính của họ”.
Có người nói hơi hướng và tư duy trong “Vô diện” của Thảo Đan gần với điện ảnh châu Âu. Cô không che giấu việc mình cố tình gom chút này, chút nọ từ điện ảnh thế giới: “Phim “Vô diện” là kết quả từ sự ảnh hưởng tư duy của Sartre và những bộ phim của Wong Kar Wai. Những điều đó đã tác động đến cách tôi muốn ghi lại từng khoảnh khắc. Tôi đã lấy cảm hứng từ triết lí Pháp, điện ảnh lãng mạn châu Á và các ánh đèn đường của thành phố New York. Tôi muốn có thể tìm ra phong cách kể chuyện riêng của chính mình với một chút này, một chút nọ”.
Hướng về thân phận thiệt thòi
“Vô diện” được làm trong suốt 7 tháng, có sự hỗ trợ của cả một ê-kip những người trẻ tuổi, gồm 20 người. Trong đó phải kể đến em gái của Thảo Đan, Nguyễn Phan Linh Đan, người đã giúp cô quay phim ngắn này và trợ giúp mỗi khi cô tắc ý tưởng. Cô và em gái Linh Đan đều mê hội họa, đều thích kể những câu chuyện bằng tranh ngay từ thuở ấu thơ. Một kỷ niệm khiến hai cô gái tên Đan không quên: Hồi học lớp 4, con mèo có tên Miu Ngao bất ngờ chết, khiến hai cô rất buồn. Làm thế nào để Miu Ngao sống lại? Chỉ có một con đường là đưa nó vào hoạt hình và phim ảnh. Từ ấy, Thảo Đan quyết định dấn thân, dù từ quan sát công việc của cha mẹ, cô thừa biết: Làm phim cực kỳ gian khổ, không sang chảnh như người ngoài cuộc nhìn vào. Nhất là khi một phụ nữ muốn làm đạo diễn, sự vất vả còn nhân lên gấp bội. Đã có lúc Thảo Đan định bỏ nghề, song khi nảy ra ý tưởng mới hoặc làm xong một dự án cô như được tiếp thêm năng lượng.
May mắn sinh ra trong một gia đình đầy đủ điều kiện nên Thảo Đan xót xa với những thân phận, những cảnh đời kém may mắn, nhất là trẻ em. Năm 15 tuổi, phim ngắn tài liệu đầu tiên của Đan với nội dung về lao động trẻ em đã được đài truyền hình TV5 của Pháp chọn lựa để đưa tin và khởi chiếu trong một chương trình thời sự của đài này. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô tiếp tục tham gia nhiều dự án tại một công ty quảng cáo quốc tế có trụ sở tại New York và 13 quốc gia khác, cũng là một trong 4 tập đoàn quảng cáo toàn cầu. Từ đây, Đan đã hợp tác với xưởng phim hoạt hình Hornet để làm phim ngắn với tựa đề “Feeling Sad- Bỗng thấy buồn”, do Uri Lotan làm đạo diễn- người được đề cử cho giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất của giải thưởng Annie Award. “Feeling Sad” là bộ phim ngắn giúp trẻ em bị ung thư.
Việt Nam là nhà
Lý do mang “Vô diện” về Việt Nam được Đan giải thích: “Phim quay ở New York nhưng tôi muốn được giải ở Việt Nam vì mảnh đất này tôi đã sinh ra và lớn lên. Việt Nam mới là nhà của tôi”. Cô cũng đã đăng ký để đưa “Vô diện” lên mạng cho đông đảo khán giả được thưởng thức. Làm phim trước tiên và sau cùng đều là vì khán giả, Đan tâm niệm. Giải thưởng chỉ là gia vị cho nghề nghiệp thêm ngọt ngào. Một thông tin thú vị khác, “Vô diện” cũng vừa vinh dự được nhận vào Góc phim ngắn của LHP Cannes tại Pháp vào tháng 5 này.
Giành Cánh diều vàng 2017, cho phim ngắn xuất sắc nhất, nhưng Thảo Đan không có điều kiện đến nhận giải. Em gái út của cô Nguyễn Phan Thy Đan đã thay chị gái nhận giải và phát biểu cảm tưởng. Với Thảo Đan, chiến thắng chỉ là “một phần của bản thân, là một khởi đầu tốt để mở ra những cánh cửa mới cho chính mình để tự tin bước tiếp”. Tôi hỏi Đan, liệu sau này cô trở về Việt Nam lập nghiệp hay định cư tại Mỹ? Cô cho biết: Không có ý định định cư tại Mỹ song cũng không muốn cố định ở một nơi nào. Cô như con chim muốn được bay nhảy nhưng tâm hồn, trái tim luôn hướng về Tổ quốc, muốn được đóng góp sức lực nhỏ bé cho đất mẹ. Thí dụ, ít nhất với “Vô diện” cô cũng giúp nhiều người yêu thích phim hoạt hình của Việt Nam có cái nhìn cởi mở hơn: Phim hoạt hình không phải chỉ dành cho đối tượng trẻ con, nó có thể hướng tới nhiều đối tượng khác nhau. Cô mong rằng, tất cả những phim do mình làm đạo diễn đều được phát hành tại thị trường Việt.
Đan cảm ơn bố mẹ đã để cho cô được tự do lựa chọn đường đi. Họ không ép cô phải trở về quê hương để kế thừa công ty gia đình, không ép cô phải lao động vì tiền. Cô không làm “Vô diện” để kiếm tiền. Tác phẩm giúp cô thỏa mãn đam mê trong những năm học tập vất vả tại Mỹ. Cha cô, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, cũng không xem tiền bạc là đích đến. Theo thổ lộ của ông ngoại Thảo Đan, nhà phê bình Ngô Thảo: Cứ gom góp được chút tiền Nguyễn Phan Quang Bình lại đổ vào làm phim nghệ thuật. Mặc dù, phim nghệ thuật thường lỗ to. Thí dụ như phim “Quyên” (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Văn Thọ) đã khiến công ty gia đình này thiệt hại một khoản tiền lên tới ngót triệu đô.
Trước khi ẵm “Cánh diều vàng”, “Vô diện” không vô danh. Nó đã được vinh dự trình chiếu tại nhiều LHP quốc tế như Green Bay Film Festival, Little Wing Film Festival, Les Films de la Toile, The Cardiff International Film Festival, Thessaloniki Animation Festival, MetroCAF, Palm Springs International Animation Festival. Khi chiếu tại đại học SVA, “Vô diện” đã nhận được giải phim xuất sắc SVA và giải thưởng của cựu học sinh SVA bình chọn. Ngay sau đó phim được trình chiếu tại tạp chiếu The Walter Reade Theatre ở Lincoln Center và cả tại rạp chiếu Linwood Dunn của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ ở Los Angeles.