Chị Hoa đang phục hồi rất tốt sau ca phẫu thuật ghép da đầu - Ảnh: Kim Hà.
Ngày 12/1, Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ cho biết, ekip bệnh viện vừa phẫu thuật ghép da đầu thành công cho chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) bị tai nạn trong lúc lao động tại nhà.
Chị Hoa kể: “Hôm đó, tôi đi lấy lúa về xay xát cho người ta. Con gái tôi nói máy hư rồi nên tôi mới vô sửa. Lúc làm, tóc tôi đã quấn lên gọn gàng nhưng bất ngờ nó xõa xuống rồi bị cuốn vào máy khi nào thì tôi không hay. Tới chừng nhảy ra ngoài rồi thì con gái tôi chạy đến thấy máu ra nhiều quá mới gọi hàng xóm tới giúp đưa đi bệnh viện. Khi đó, tôi nghĩ da dầu chắc là “đi” rồi, bây giờ nhớ lại vẫn còn kinh hoàng”.
Các bác sĩ cho biết, chị Hoa nhập viện trong tình trạng bị lóc toàn bộ da đầu khỏi bờ chân tóc xuống tới mi mắt phải, kéo dài đến cung gò má phải, rách đôi tai phải và dọc ra phía sau đến chẩm, sưng nề mi mắt hai bên.
Nhận thấy tình trạng bệnh nghiêm trọng nên sau khi tiếp nhận ekip bệnh viện đã lập tức tiến hành hội chẩn và quyết định phẫu thuật cấp cứu: Cắt lọc, ghép lại da đầu bong tróc, đặt hút áp lực âm liên tục. Nhưng do vạt da đầu bị lóc rời, rách đôi, không có mạch máu nuôi nên không thể nối vi phẫu được mà phải ghép da từ nơi khác đến.
Theo bác sĩ CK1 Dương Công Điền - Khoa Bỏng –Tạo hình thẩm mỹ cho biết, bệnh nhân bị tai nạn lao động liên quan đến máy móc như: Máy xay xát, máy quay nuôi tôm,… thường là những người phụ nữ có mái tóc dài. “Trường hợp chị Hoa là do máy chà gạo quấn tóc khi đang làm việc. Nó lóc hoảng 2/3 da đầu phần còn lại nó cũng lóc nhưng không rời ra. Phần da lóc hoàn toàn bị dập nát và rách đôi không còn mạch máu nuôi. Do đó, chúng tôi đã tiến hành làm mỏng da đầu, chừa lại phần da ghép lại cho bệnh nhân”.
Cùng ekip phẫu thuật, bác sĩ Nguyễn Công Lập - Khoa Bỏng –Tạo hình thẩm mỹ cho biết thêm, đối với trường hợp như thế này nếu không cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể bị mất máu, ảnh hưởng đến tính mạng.
“Thông thường, khi phần cơ thể nào đó bị tổn thương rời ra, người dân không biết, họ thường ướp đá trực tiếp, điều này sẽ gây tổn thương các mô bên trong, ảnh hưởng đến khả năng điều trị sau này. Nếu xảy ra trường hợp tương tự, bệnh nhân cần được băng bó kịp thời để cầm máu. Đối với da đầu bị lóc thì nên rửa sạch bằng nước và gói lại trong tấm vải sạch rồi mới ướp đá, không được ướp trực tiếp vì làm tổn thương vi mạch máu. Nếu da đầu sống tốt bệnh nhân có thể mọc tóc bình thường, trường hợp xấu hơn thì phải mổ bổ sung để ghép da chuyển mô nơi khác đến” – Bác sĩ Lập thông tin.
Sau khoảng 2 giờ phẫu thuật, phần da ghép bám sống khoảng 60%, da ghép hồng hào, sức khỏe bệnh nhân ổn định. Hiện chị Hoa đang phồi hồi rất tốt và có thể xuất viện trong vài ngày tới.