NSND Thế Anh: “Đại sứ hòa hợp dân tộc”

TP - Gặp NSND Thế Anh trong những ngày tháng 4 ở Sài Gòn, ông đang chăm chút cho bảo tàng nho nhỏ với những kỷ niệm của gần nửa thế kỷ theo nghiệp điện ảnh…
NSND Trà Giang đang trao kỷ niệm chương Vì thành tựu phát triển điện ảnh Việt Nam nhân dịp liên hoan phim Cánh diều Vàng 2014

Ông tự hào: “Anh có đi tìm khắp Việt Nam cũng không thấy ai sưu tầm tư liệu điện ảnh nhiều bằng tôi đâu. Tư liệu đó đủ sức làm một cái bảo tàng điện ảnh nho nhỏ, nhưng tôi vẫn chưa nghĩ ra sẽ làm như thế nào”. Năm nay đã 78 tuổi nhưng nghệ sĩ (NS) Thế Anh vẫn còn khá sung sức. Ông vẫn tự chạy xe máy khắp Sài Gòn, vẫn đi giảng dạy về diễn xuất. Và ông rất tự hào khi được gọi là “Vị đại sứ trong hòa hợp dân tộc”. Thế Anh nhớ lại: “Năm 1976, lần đầu tiên xưởng phim truyện Việt Nam vào Nam để làm bộ phim Mối tình đầu, một vị lãnh đạo đã bảo: Đây là lần đầu tiên một xưởng phim ngoài Bắc vào miền Nam để làm phim, các đồng chí phải làm sao cho xứng đáng để đồng bào trong Nam hiểu là người miền Bắc không chỉ đánh giặc giỏi mà làm phim cũng giỏi. Chỉ có làm tốt công việc thì sự hòa hợp 2 miền mới có thể thành công được”.

Bộ phim Mối tình đầu là một bộ phim tâm lý được dựa theo một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Hiếu Trường xoay quanh bối ảnh của Sài Gòn những năm cuối của cuộc chiến chống Mỹ cùng đời sống bi kịch, vô vọng của những thanh niên trong sự kìm kẹp của chiến tranh, loạn lạc. Vai diễn chính của bộ phim là Ba Duy- Một thanh niên tiêu biểu cho những người trẻ Sài Gòn bất cần, phá phách đó được đạo diễn Hải Ninh trao cho Thế Anh- Một diễn viên Hà Nội chính hiệu. Thế Anh giải thích lý do vì sao lại được chọn vào vai diễn này: “Một phần là do đạo diễn tin tưởng tôi sẽ làm được. Nhưng cũng một phần là do cơ chế ngày đó, để được nhận vai diễn có khi phải qua bao thủ tục xét duyệt rắc rối nên đạo diễn chỉ dám chọn những diễn viên đã quen nghề”.

Diễn viên Thế Anh thời trẻ

Thật ra, trước khi vào vai Ba Duy trong Mối tình đầu, Thế Anh đã từng vào vai một nhân vật người miền Nam khác. Đó là vai Trung úy  Phương trong bộ phim Nổi gió (Đạo diễn Huy Thành- 1966). Theo nội dung phim, Trung úy Phương có quê ở Bến Tre và bối cảnh bộ phim cũng xảy ra ở vùng sông nước miền Tây Nam bộ. Năm 1966, thời đất nước còn chia cắt thì muốn làm phim với bối cảnh miền Nam thì chỉ có cách dựng phim trường. 


Nhưng kinh phí thì có hạn và thời bom đạn thì biết dựng phim trường ở đâu cho an toàn? May mắn cho đoàn làm phim là tại nông trường Quý Cao - Hải Phòng có rất nhiều gia đình người miền Nam tập kết đang sinh sống. Để thỏa nỗi nhớ quê nhà, những gia đình này đã làm rất nhiều khung cảnh miền Nam như dựng nhà lá, đào kênh, làm cầu khỉ, trồng dừa nước… Vì thế, đoàn làm phim đã có sẵn một phim trường rất… miền Nam. Không chỉ có thế, những người dân ở đây còn giúp đoàn làm phim rất nhiều như tư vấn về phong tục tập quán, cách sinh hoạt của người Bến Tre. 

Như cô gái chưa chồng thì quấn khăn làm sao, có chồng rồi thì thay đổi thế nào? Bà má thì têm trầu ra sao, nhai cách nào cho đúng? Riêng anh chàng Trung uý Phương- Thế Anh thì phải tập đi cầu khỉ, tập chèo thuyền. Thế Anh nhớ lại: “Tôi phải tập đi cả tuần mới có thể có dáng đi tự nhiên khi lên cầu khỉ. Nhưng riêng món chèo thuyền thì tôi chịu. Tập chèo mãi mà cứ thuyền cứ đi vòng vòng, chẳng chịu theo ý. May có người nêu sáng kiến đến cảnh chèo thuyền thì cho người bơi trước mũi thuyền, kéo thuyền đi. Vì thế cảnh trong phim tôi chèo thuyền vù vù nhưng thực ra là do người kéo”.

Vai diễn trung úy Phương trong phim Nổi gió là vai diễn đầu tiên của Thế Anh trong sự nghiệp điện ảnh và nó đem lại thành công lớn cho bản thân Thế Anh khi đưa ông trở thành ngôi sao trong làng điện ảnh miền Bắc. Bởi thế, khi nhận vào vai Ba Duy, khó khăn lớn nhất của Thế Anh là làm sao vượt qua được cái bóng của “Trung úy Phương” và không phụ sự tin tưởng của mọi người. 

Thế Anh kể: “Tôi đọc rất nhiều tư liệu, xem phim ảnh về đời sống thanh niên Sài Gòn. Nhưng như thế vẫn còn chưa đủ. Tôi vào trại cai nghiện Fatima, bên cầu Bình Triệu, sống cùng người nghiện cả tháng để học họ cách chơi và phê thuốc. Những bác sỹ trong trại chỉ cho tôi cách ngậm thuốc chữa đau răng vào hàm để sùi bọt mép giống như con nghiện. Rồi tôi tập chạy xe máy bạt mạng, làm quen và đi chơi với đám thanh niên quậy phá ngoài đường phố, thậm chí vào ổ ma túy ở khu rạp Rex để tìm cảm giác diễn. Anh không tin được đâu, nhiều cảnh quần chúng trong phim chính là những thanh niên bất cần đời đó tham gia đóng cùng đấy”.

Poster phim Mối tình đầu

Mấy tháng trời lăn lộn làm phim với phim trường chính đường phố Sài Gòn, đoàn làm phim đã gây ngạc nhiên với người Sài Gòn bởi, diễn viên gì mà cũng ăn cơm vỉa hè, cũng sống đơn giản như những người lao động khác. Thế Anh bảo ngày đó đi làm phim là nhiệm vụ, ăn lương nhà nước để làm phim thì có khác gì những người lao động khác. Chính vì thế, nhiều người dân Sài Gòn lần đầu tiên xem dân Bắc làm phim còn chả tin đây là đoàn đang làm… phim bởi, những diễn viên điện ảnh miền Nam trước đây như Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Hùng Cường… có cuộc sống rất khác biệt.

Mấy tháng trời ròng rã, bộ phim hoàn thành mỹ mãn. Thế nhưng, còn một điều quan trọng với mọi người là sự đánh giá của khán giả. Nhưng sự lo lắng của mọi người bằng thừa khi, ngay buổi mắt vào năm 1977, bộ phim đã tạo ra cơn sốt vé ở cả 3 miền. Các rạp phim luôn chật kín khán giả bởi ai cũng mong được xem, được biết về đời sống của Sài Gòn thời loạn lạc. Và hơn thế, một mối tình đẹp nhưng rơi vào bi kịch bởi chiến tranh gây xúc động bao người. Mối tình đầu trở thành một trong những bộ phim ăn khách nhất của điện ảnh Việt Nam. Các nhà phê bình cũng đánh giá rất cao Mối tình đầu khi trao giải thưởng Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam 1980. Riêng Thế Anh đoạt giải Diễn viên xuất sắc với vai diễn Ba Duy.

Sau Mối tình đầu, Thế Anh đã chọn mảnh đất Sài Gòn để tiếp tục sự nghiệp điện ảnh của mình. Hỏi lý do tại sao lại chọn Sài Gòn, ông cười: “Khi xem Mối tình đầu, rất ít người tin diễn viên đóng vai Ba Duy là dân Hà Nội chính hiệu. Chính mảnh đất Sài Gòn đã giúp tôi hoàn thành vai diễn. Những ngày làm phim tôi đã được sống trong sự tin yêu, đùm bọc của người Sài Gòn và tôi rất thích tính cách hồn nhiên khoáng đạt ở mảnh đất phương Nam này. Vậy thì sao lại không ở lại chứ?” Và Thế Anh nói thêm: “Tôi nghĩ từ ngày đất nước thống nhất, sự phân biệt giữa miền Bắc miền Nam đã không còn nữa. Tất cả mọi người dù Nam, Trung hay Bắc đều quy về một mối là người Việt Nam. Vai diễn Ba Duy của tôi có lẽ là như thế” - Thế Anh không thừa nhận mình đã làm rất tốt công việc của một đại sứ hòa hợp. Nhưng cách ông nói thì Thế Anh đang gián tiếp thừa nhận vai trò của một Đại sứ hòa bình vào những ngày Việt Nam thống nhất. 

Thế Anh đã hóa thân thành một thanh niên bụi đời giữa Sài Gòn hoàn hảo tới mức khi đi ra chợ Bến Thành, có bà lão còn chạy theo vừa khóc vừa khuyên nhủ: “Con ơi! Con trai tráng, khỏe mạnh thế kia mà sao lại dính vô ma túy hả con. Thôi, con gắng bỏ nó đi, làm lại cuộc đời đi con”.