NSND Lê Khanh: Sinh ra vì sân khấu và sống vì sàn diễn

NSND Lê Khanh.
NSND Lê Khanh.
TP - Lê Khanh bảo, đời diễn viên của mình có nhiều cái để nhớ, nhưng khắc sâu trong tâm tư nhất vẫn là những lần được hóa thân vào vai diễn làm nên bước ngoặt.

Những năm đầu vào nghề, chị thường được chọn đóng vai đào thương- kiểu nhân vật nữ trong trắng, ngây thơ, cần cù rồi sẽ có ngày được báo đáp như vẫn thường thấy trên sân khấu Việt. Cho đến năm 1986, Lê Khanh được một đạo diễn nước ngoài chọn vào vai Gian-đa, nữ anh hùng người Pháp, bắt đầu xuất hiện năm 17 tuổi và kết thúc năm cuộc đời năm 19 tuổi. Chỉ trong hai năm ngắn ngủi, Gian-đa chứng tỏ mình là cô gái cực kỳ đặc biệt, vô song trên thế giới. Có những điều bí ẩn về nhân vật này mà mãi cho đến bây giờ vẫn chưa có câu trả lời  thỏa đáng. Gian-đa là một cô gái sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, học hành không đến nơi đến chốn nhưng cứ khăng khăng mình nghe được tiếng thánh thần. Toàn bộ câu chuyện nghe như hoang đường, và vở kịch cũng bắt đầu y như vậy. Lần đầu tiên Lê Khanh được lột xác vào vai thánh nhưng lại có cuộc sống và cá tính của con người bình thường- một nữ nông dân, nghịch ngợm, hóm hỉnh nhưng cũng có phần tinh quái, biết cách “luồn lách” để thuyết phục vua, tướng lĩnh, tính cách như con trai.

Từ đây, chị khám phá thêm khả năng diễn xuất của bản thân, thấy mình cũng “khủng khiếp và nam tính”. Sau khi ra mắt, nhiều nhà báo, nhà phê bình đánh giá cao tác phẩm và vai diễn của Lê Khanh. Vở diễn “Gian-đa” làm bừng tỉnh không khí sân khấu hồi đó, đồng thời thay đổi quan niệm về con người anh hùng. Đối với đa số người Việt Nam, đã là anh hùng thì sinh ra đã anh hùng, vì thế, trong tác phẩm nghệ thuật, họ chỉ được phác họa những nét chung chung, thiếu cá tính. Nhưng đạo diễn nước ngoài dàn dựng kịch lịch sử đã xây dựng một anh hùng vốn là người bình thường, chỉ trong những hoàn cảnh đặc biệt mới bộc phát ra tính anh hùng.

Năm 2000, trào lưu hài bắt đầu xuất hiện trên sân khấu thủ đô. Trong khi đám diễn viên chờ đợi vở chính kịch mới, đã có người mạnh dạn đưa ý kiến dựng kịch hài. Ngày ấy, hài kịch khá “hiền” chứ không có tiếng nói mạnh mẽ như bây giờ do chưa có sân khấu hài chuyên nghiệp. Người chuyên đóng những vai chính kịch kinh điển như Lê Khanh chỉ cần nghĩ đến hài là… phát khiếp. Nhưng nhóm diễn viên đứng đầu là Chí Trung vẫn quyết tâm tổ chức một cuộc thi trong bí mật. Anh tuyên bố trao giải nhất trị giá một triệu đồng cho người xuất sắc. Lê Khanh bảo, vì ham tiền nên chị cũng liều đi thi xem làm hài thế nào. Tất cả đóng kín cửa để tập, căng thẳng, hồi hộp đúng như “làm trộm”. Tiết mục của chị có tên “Chỉ tại cái tai” chốt chương trình, bất ngờ xuất sắc. Lúc này, Lê Khanh trong vai bà già điếc không những gây bất ngờ cho thầy cô, đồng nghiệp mà với ngay cả bản thân, chị cũng không thể ngờ được mình lại diễn được hài rất ổn. Chị được trao giải nhất, nhưng khi mở phong bì ra thì…chả có gì. Nhưng cũng từ đây, Nhà hát Tuổi Trẻ khai trương sân khấu hài mang tên “Đời cười”, một xu hướng khán giả cần và tồn tại cho đến hôm nay.

NSND Lê Khanh: Sinh ra vì sân khấu và sống vì sàn diễn ảnh 1 Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Trước đó không lâu, Lê Khanh đã khiến giới sân khấu cả nước xúc động khi hóa thân vào vai hoàng đế Lý Chiêu Hoàng trong vở “Rừng trúc” của tác giả Nguyễn Đình Thi, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi.  Hai vai diễn khác hẳn mà đột ngột xuất hiện gần như cùng thời điểm. Chị bảo, có lẽ nhờ hai “cú đánh” liên tiếp, kinh hoàng đó mà chị ngay lập tức được phong tặng danh hiệu NSND.

Dù chỉ rẽ qua màn bạc như một cuộc vui song nhan sắc và tài năng của chị cũng tạo được thành công nhất định, đến ngay cả người được đào tạo bài bản về điện ảnh có mơ cũng khó đạt tới. Nhưng Lê Khanh vẫn là người của sân khấu, chị sinh ra vì sân khấu và sống vì sàn diễn. Hỏi vì sao chị lựa chọn như vậy, trong khi điện ảnh có lợi thế rất lớn, đó là sự lan tỏa sâu rộng và hình ảnh diễn viên cũng sống lâu với đời hơn nhờ lưu trữ, truyền thông, trong khi sân khấu hoành tráng đấy nhưng sẽ nhanh chóng tan vào hư vô? Lê Khanh trả lời, điện ảnh rất hay, rất thú nhưng nó không cho chị cơ hội hóa thân vào những vai độc đáo, trái khoáy như sàn diễn, mà diễn viên thì cần được sống với nhân vật, vì nhân vật chứ không phải vì vinh quang hay điều gì khác. Với một người “điên” như chị thì vai nào cũng thấy thích, thậm chí càng khác lạ, ngược đời thì càng ham.

Và chị, trong sự nghiệp của mình đã có cả loạt những vai diễn khiến người khác phát thèm. Trong khi diễn viên chỉ mơ đời mình ít nhất một lần được làm kịch cổ điển thì Lê Khanh có nhiều. Hình như mỗi lần dựng kịch cổ điển, các đạo diễn lại nghĩ đến chị. Nào là Juliet trong “Romeo và Juliet”, Gian-đa trong vở kịch cùng tên, Min-fo trong “Âm mưu và tình yêu”, rồi đến vai chính trong các vở “Trưởng giả học làm sang”, “Nhà búp bê”, “Tất cả con tôi”. Hai vở lịch sử của Việt Nam được lọt vào hàng kinh điển là “Rừng Trúc” và “Vũ Như Tô”, chị cũng chiếm luôn hai vai chính. Đến những vở hiện đại thuộc hàng top như “Bến bờ xa lắc”, “Lời thề thứ 9”, chị cũng có phần.

“Khi làm việc với diễn viên Việt Nam, đạo diễn nước ngoài rất ngạc nhiên khi diễn viên kịch nói không biết hát, múa cũng chẳng có một tài lẻ gì. Họ không chấp nhận sự tẻ nhạt ấy”. 

 NSND Lê Khanh 

Thế tuy nhiều song vẫn còn chưa đủ. Lê Khanh bảo, con đường nghệ thuật của chị đặc biệt nhất là luôn có những đặc cách. Khi tốt nghiệp, nhờ kết quả học tập quá tốt và những cống hiến quá nhiệt tình khi vừa học vừa làm, chị được đặc cách không phải qua thời gian thực tập mà được ghi tên luôn vào biên chế Nhà hát. Sau đấy, chị cũng được đặc cách phong NSƯT trước niên hạn, dù không đủ huy chương. Lúc làm hồ sơ đề nghị được phong tặng danh hiệu này, chị chỉ có duy nhất một Huy chương bạc vì không phải hội diễn nào cũng tham gia. Thế nhưng, hệ thống vai diễn “miễn chê” của chị tại Nhà hát Tuổi Trẻ thì tất cả bạn nghề đều biết, chẳng cần đến khi thi thố mới chứng tỏ được tài. Chị rất cảm ơn sự công nhận này, vì mọi người đã bảo vệ được giá trị của sự đặc cách. Nó khác với việc được nhiều huy chương nhưng khán giả lại không nhận diện được.

Đến khi được phong tặng NSND thì Lê Khanh đã đủ năm công tác, đủ số huy chương cần phải có, song mọi người vẫn nghĩ chị được đặc cách bởi tuổi đời khi ấy quá trẻ. Kể cả cho đến bây giờ, khi cơ hội tìm kiếm huy chương dễ dàng đến mức không ngờ, chị vẫn là nghệ sĩ trẻ nhất đạt danh hiệu cao quý này. “Lúc ấy, bạn bè tôi còn đùa, được NSND toàn là các bậc lão làng, mỗi mày chíp hôi. Cẩn thận kẻo lại sớm phải đi theo các cụ”, Lê Khanh nhớ lại.

NSND Lê Khanh: Sinh ra vì sân khấu và sống vì sàn diễn ảnh 2

Lê Khanh cho rằng, những lần đặc cách ấy là món quà vô giá mà thượng đế đền ơn cho tình yêu và sự cống hiến của mình. Có thể, cứ chăm chỉ lao động, cứ chờ đợi thì kết quả rồi cũng sẽ đến thôi, nhưng cái cách thức và thời điểm mà một người nghệ sĩ được tặng danh hiệu là vô cùng quan trọng. Chỉ tiếc là điều này chả mấy ai biết đến hoặc có biết thì cũng quên đi. Chị bảo, mô hình phong tặng danh hiệu này mình học từ nước Nga, nhưng ở bên đấy khác, danh hiệu đến với nghệ sĩ khi họ có sự đột phá, gây hiệu ứng ngay lập tức, lan tỏa mạnh mẽ. Còn ở mình, danh hiệu là phép cộng tất cả mọi cái có được sau thời gian dài lao động, yếu tố thiên bẩm, thăng hoa bất ngờ không còn quan trọng nữa. Đôi khi, mình bị nhầm lẫn giữa hai khái niệm: tài năng đột phá và huy chương vì sự nghiệp. Nhưng may mà chị có cả hai, một sự nghiệp bền vững và những danh hiệu đến đúng lúc tài năng đang nở hoa. Dù giáo dục đã có những bước chuyển đổi nhưng chị vẫn mê cái cách mà người Nga xưa tạo ra một nghệ sĩ. Đó là sự hòa quyện giữa tài năng thiên bẩm, sự rèn luyện khổ công cùng những giây phút bộc phát sáng chói trong suốt quá trình làm nghề đằng đẵng.

Khi đã thành phó giám đốc, máu diễn trong chị vẫn nóng. Thế rồi, chị “trúng thầu” ba vai phụ cùng trong một vở kinh điển “Vòng phấn Kafka”. Đạo diễn người Đức không nghĩ chị lại sẵn sàng tham gia vở, bất kể vai gì, không kể lớn, nhỏ, chỉ cần nhân vật thú vị. Và chị rất “sướng” khi được đóng một lúc ba nhân vật, chỉ xuất hiện trong chốc lát nhưng được tha hồ diễn ngẫu hứng, mỗi hôm một kiểu.

Nhà hát và sân khấu chưa chiếm hết thời gian và công sức của Lê Khanh, chị còn để tâm rất nhiều đến việc giáo dục, đào tạo diễn viên trẻ, vì một nền sân khấu mạnh bắt buộc phải có nghệ sĩ giỏi. Theo chị, diễn viên hiện nay đang thiếu nhiều yếu tố mà những cái này lại không nằm trong giáo trình. Lê Khanh kể: “Khi làm việc với diễn viên Việt Nam, đạo diễn nước ngoài rất ngạc nhiên khi diễn viên kịch nói không biết hát, múa cũng chẳng có một tài lẻ gì. Họ không chấp nhận sự tẻ nhạt ấy”. Vì thế, chị khuyến khích các em lớp sau ngoài học ở trường, nên ra ngoài học hát, múa.

Vì điều này mà chị vẫn hàng ngày “cầm tay chỉ việc” giảng dạy tại Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Chị quan niệm, đã là diễn viên bất kể loại hình gì đều phải hiểu biết nghệ thuật dân tộc. Sinh viên kịch nói không học truyền thống mà chỉ học một chút về lý luận, thế nếu đạo diễn muốn dựng kịch theo cách truyền thống thì sao? Chị bảo, sân khấu hiện đại rất muốn khai thác thế mạnh của truyền thống, ngược lại, sân khấu truyền thống cũng muốn hiện đại chính mình. Vì thế, khi làm giảng viên, chị phải lấy giờ của mình nhờ bạn bè bên sân khấu truyền thống dạy, còn mình phải dạy ngoài giờ, không tiền công.

Phải rất, rất nhiều trong một

Nữ nghệ sĩ nhân dân trẻ nhất cho rằng, diễn viên hiện đại phải có ít nhất ba trong một: diễn, hát, múa, còn không thì phải rất, rất nhiều trong một. Như chị, ngày mới vào nghề, tuy đăng ký học kịch nói nhưng Nhà hát Tuổi Trẻ  hoạt động cả trên lĩnh vực ca, múa, nhạc và kịch câm nên chị học cả kịch câm. Lớp diễn viên của chị ngày đó là một thế hệ diễn viên đa tài, đa năng, diễn kịch nhưng rất thạo về nhảy múa, hát hò. Lê Khanh nhớ nhiều cái ngày ấy, khi mà sân khấu đúng thật sự là thánh đường và các diễn viên thế hệ chị cứ tự nhiên tỏa hương bát ngát trong đó. Còn bây giờ, theo dòng chảy cuộc sống, nghệ thuật cũng biến thiên nhiều. Vai diễn dù hay cũng chỉ hưởng tuổi thọ ngắn, diễn viên trẻ không kịp để mọi người nhớ thì đã sang trang khác. Chưa kể sự đa năng của diễn viên bây giờ rất khác ngày trước là họ làm nhiều nơi, nhiều nghề, được khán giả quen mặt nhưng lại chẳng được biết thực sự chuyên môn là gì.

MỚI - NÓNG