> Xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL đạt 15% kế hoạch
Đến nay, theo ông Văn Tài - Phó chủ tịch UBND xã, Tân Lập đạt được 16/19 chỉ tiêu quốc gia về nông thôn mới và nơi đây đang có những sự chuyển mình mạnh mẽ nhờ có điện đi trước một bước.
Động lực đổi thay
Từ tháng 5 năm nay, khi điện lưới quốc gia kéo về tận nhà, vợ chồng anh Trần Văn Hứa và Trần Thị Nhũ ở ấp 4 B (Tân Lập) đầu tư mạnh vào việc chăn nuôi heo.
Anh Hứa giải thích: “Trước đây không có điện lưới quốc gia, tôi phải dùng máy nổ bơm nước tưới tắm cho heo. Do chi phí dầu chạy máy khá cao, trên 20 nghìn đồng/lít, nên quy mô chăn nuôi rất hạn chế. Dù vậy thì mỗi ngày tôi chỉ dám chạy máy bơm nước tắm heo và vệ sinh chuồng trại trong thời gian tối đa 1 giờ”- anh Hứa nói.
Giờ thì đã khác, nhờ bơm nước tưới bằng mô tơ điện nên chi phí giảm đáng kể so với dùng máy nổ, nên anh tăng quy mô đàn heo lên gấp 2 đến 3 lần so với trước.
“Cách đây vài hôm tôi xuất chuồng một lứa heo thịt với số lượng khá lớn nhưng hiện tại trong chuồng vẫn còn 220 heo thịt và 24 heo nái” - anh Hứa khoe. Ngoài chăn nuôi, anh Hứa còn đầu tư máy móc chế biến gỗ để làm trống nhằm tăng thêm thu nhập nuôi 3 đứa con ăn học.
Theo ông Tài - Phó chủ tịch UBND xã, từ khi có điện lưới quốc gia, tại địa phương có rất nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi lớn ra đời. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế tại địa phương có sự dịch chuyển mạnh mẽ.
Nếu như trước đây Tân Lập chủ yếu là sản xuất nông nghiệp thì hiện tại số hộ dân sống bằng các nghề nông- lâm nghiệp giảm xuống còn 39%. Trong khi sản xuất công nghiệp - xây dựng và vận tải tăng lên 32,3% và thương mại - dịch vụ 28,7%.
Nhờ có điện lưới quốc gia, hệ thống điện thoại và internet đã phủ kín toàn xã, kể cả những ấp nằm trong sâu, đường sá đi lại cách trở.
“Điện là động lực để làm thay đổi cơ cấu kinh tế tại địa phương và điện “chạy” đến đâu, đời sống người dân thay đổi đến đó” - ông Tài nói.
Ông Đỗ Văn Hờn - Phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Phước cho biết, ngành điện đã đầu tư 3,6 tỷ đồng xây dựng lưới điện tại Tân Lập. Trước khi có chương trình Nông thôn mới, cả xã mới có 90% người dân có điện. Số hộ dân chưa có điện chủ yếu nằm trong những vùng rất sâu, đi lại khó khăn. Đến nay 99% số hộ dân ở xã Tân Lập đã được sử dụng điện lưới quốc gia.
“Chia lửa” để phát triển
Ông Tài cho biết, vì ý thức được vai trò của của điện và giao thông đối với việc phát triển kinh tế xã hội nên không ít người dân địa phương đã tình nguyện hiến đất và cây trồng để mở đường và phát triển lưới điện.
Hiện đã có 65 hộ dân hiến đất và cây trồng để xây dựng lưới điện, với tổng trị giá nhiều tỉ đồng. Trong đó có nhiều hộ sẵn sàng hiến hàng trăm cây cao su kèm với đất và người hiến nhiều đất và cao su nhất là gia đình ông Nguyễn Khắc Lê, ở ấp 8, với trên 260 cây.
Ông Trần Văn Xuân ở ấp 2 cũng hiến trên 200 cây cao su... Ông Tài tính toán: Một cây cao su cho bình quân 0,5 lít mủ/ngày. Vào lúc cao điểm, giá mỗi lít mủ cao su là 20 nghìn đồng.
Tính sơ bộ, nếu hộ dân hiến 200 cây cao su thì mỗi ngày họ mất khoảng vài triệu đồng. Đó là chưa kể phần đất mất đi. “Xót lắm, nhưng người dân vẫn sẵn sàng hiến”- ông Tài ghi nhận.
Ông Đỗ Văn Hờn cũng ghi nhận: “Nếu người dân không sẵn sàng hy sinh một phần đất và cây trồng thì không thể nào lưới điện có thể phủ kín toàn xã”.
Theo ông Hờn, suất đầu tư cho điện nông thôn là rất lớn, trong khi khả năng thu hồi vốn lại rất thấp, song vì trách nhiệm với cộng đồng nên ngành điện vẫn nỗ lực hết mình để đưa điện về đến từng hộ dân, kể cả ở những nơi xa xôi hẻo lánh.
Người dân hiến đất, hiến cây; ngành điện bỏ vốn đầu tư; đôi bên cùng “chia lửa” để phát triển” - ông Hờn nói.