Nông Thị Viện phạm tội cướp tài sản?

Nông Thị Viện phạm tội cướp tài sản?
TP - Bản án sơ thẩm của TAND huyện Yên Thế (Bắc Giang) tuyên bị cáo Nông Thị Viện (SN 1984, dân tộc Nùng, trú tại bản Chay, xã Canh Nậu, huyện Yên Thế, chưa tiền án tiền sự) phạm tội “cướp tài sản” với mức hình phạt 7 năm tù.

Sau phiên toà, bị cáo kháng cáo kêu oan; các luật sư bào chữa cho bị cáo cũng nhận định hành vi của bị cáo không cấu thành tội cướp.

Người dân luôn mong đợi tòa án là nơi đem lại sự công bằng, xét xử đúng người, đúng tội (Ảnh mang tính chất minh họa)
Người dân luôn mong đợi tòa án là nơi đem lại sự công bằng, xét xử đúng người, đúng tội (Ảnh mang tính chất minh họa).

Hành vi

Theo bản án sơ thẩm, vào ngày 30-9-2010, bị cáo Nông Thị Viện thấy anh Trần Tuấn Anh (SN 1989, trú cùng xã) đi xe máy ngang qua nhà, đã vẫy Tuấn Anh dừng xe để mượn xe đi đón con.

Tuấn Anh lúc này đang chở một thanh niên nữa đi cùng, không đồng ý cho mượn. Viện quay sang đòi 2,5 triệu đồng Tuấn Anh đang nợ.

Tuấn Anh nói chưa có tiền, Viện nói thế thì để xe máy lại. Đôi bên giằng co, Viện rút chìa khoá xe máy Tuấn Anh, rồi dắt vào sân nhà mình.

Tuấn Anh theo Viện vào sân để đòi lại xe máy, đôi bên giằng co. Viện dùng một chiếc ví da đánh vào mặt Tuấn Anh, đến lần thứ hai thì Tuấn Anh gạt ra làm chiếc ví rơi ra sân. Viện lại lấy chiếc cán chổi đánh Tuấn Anh, cũng đến lần thứ hai Tuấn Anh giằng được, vứt cán chổi đi.

Trong lúc đôi bên giằng co, Viện bị ngã xuống sân. Thấy vậy, người nhà của Viện đẩy Tuấn Anh ra, Viện tranh thủ lúc đó lấy xe máy của Tuấn Anh đi đón con. Tuấn Anh sau đó đã đến trình báo công an, và vụ án được khởi tố.

Cấu thành tội “cướp”?

Tại phiên toà sơ thẩm do TAND huyện Yên Thế mở ngày 16-4-2012, do thẩm phán Đinh Thị Vân Anh ngồi ghế chủ toạ, đại diện Viện KSND huyện Yên Thế giữ quyền công tố nêu quan điểm: Hành vi của Nông Thị Viện là dùng vũ lực đối với Trần Tuấn Anh, mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản của Tuấn Anh là chiếc xe máy, nên đã đủ cấu thành tội “cướp tài sản” theo Điều 133 BLHS.

Bào chữa cho bị cáo là các luật sư Nguyễn Văn Tú và Giáp Văn Điệp (Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang); hai luật sư này cho rằng về mặt chủ quan, bị cáo Viện không có ý định chiếm đoạt chiếc xe máy của Tuấn Anh, mà chỉ chiếm giữ, nhằm gây sức ép bắt Tuấn Anh phải trả nợ; về mặt khách quan, Viện có đánh Tuấn Anh, song hành vi của Viện chưa đủ đè bẹp ý chí của bị hại. Các luật sư cho rằng hành vi của Viện không cấu thành tội phạm, đề nghị toà trả tự do cho bị cáo.

HĐXX nhận định hành vi của bị cáo Viện là dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản, tuyên phạt bị cáo 7 năm tù về tội “cướp tài sản”.

Bài học từ vụ án

Mới đây TAND tỉnh Bắc Giang đã xét xử phúc thẩm lại vụ án này, tuyên bị cáo Viện vẫn phạm tội “cướp tài sản”, song chỉ phạt bị cáo 36 tháng tù cho hưởng án treo.

Vụ án là bài học chung cho những người có ý định giải quyết nợ nần (hiện đang rất phổ biến loại vụ việc này) bằng các hành vi trái pháp luật như đánh nhau, giữ tài sản của nhau để gây sức ép. Hậu quả sẽ là nợ thì không đòi được, còn chủ nợ thì vướng vào vòng lao lý.

Tuy nhiên, bản án đã có hiệu lực vẫn “gợn” về tội danh của bị cáo. Hành vi của Nông Thị Viện trong vụ án này thật khó nói rằng “gây nguy hiểm cao cho xã hội”, vì vậy dễ hiểu vì sao bản án sơ thẩm và cả phúc thẩm không được đồng tình cao của những người dự tòa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG