Nồng nàn chợ tình Tân Sơn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đến hẹn lại lên, khi sắc xuân vẫn còn vương trên những bản làng, người dân tộc Nùng ở nhiều tỉnh lại đổ về xã rẻo cao Tân Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đi chợ tình, cùng nhau hát điệu Soong hao, trao nhau nỗi nhớ thương.

Vượt nghìn cây số đến chợ tình

Tháng Giêng, tiết trời lạnh buốt, những cây đào ẩn hiện bên những ngôi nhà dọc đường uốn lượn lên xã vùng cao Tân Sơn bung nở sắc thắm. Đầu giờ sáng, khi sương vẫn còn đọng trên cây, những phụ nữ Nùng mặc trang phục truyền thống đi từng tốp náo nức đến chợ tình Tân Sơn. Đứng khép mình ven đường trong chợ tình, chị Vi Thị Lon, tuổi độ 50 cứ như ngóng trông ai đó. Hỏi chuyện, chị bẽn lẽn bảo, chị đang đợi bạn hát là người đàn ông mà chị có cảm tình từ thời con gái. Chị kể, chị người dân tộc Nùng, chị vốn sống ở huyện Lục Ngạn. Năm ấy, cũng giống như những cô gái người Nùng đến tuổi cập kê, chị đi chợ tình Tân Sơn. Tại đây, chị gặp được chàng trai mình có cảm tình, hai người cùng rủ nhau hát những điệu Soong hao (điệu hát dân ca của người Nùng) để tìm hiểu, rồi trao nhau những điều hẹn ước. “Vì nhiều lý do mà tôi với người đàn ông đó không lấy được nhau. Sau đó, tôi theo gia đình vào tận Đắk Lắk làm ăn. Kể từ đó, tôi và người đàn ông đó xa nhau vời vợi”, chị Lon bồi hồi nhớ lại.

Nồng nàn chợ tình Tân Sơn ảnh 1

Ông Vi Văn Thịnh (hàng đầu bên trái), Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Soong hao xã Tân Sơn đang hát Soong hao tại chợ tình

Chị Lon kể tiếp, dù cách xa, nhưng trong lòng chị vẫn nhớ về phiên chợ tình Tân Sơn năm ấy. Bởi vậy, hằng năm, cứ đến ngày 12 tháng Giêng, chị đều thu xếp công việc để về với chợ tình Tân Sơn. Hơn 30 năm qua, chị đều lặn lội hơn 1.000 km đi từ Đắk Lắk về chợ tình ở xã Tân Sơn với mong muốn gặp lại người đàn ông năm xưa và người thân quen ở quê nhà để cùng nhau hát những điệu Soong hao truyền thống của người Nùng, vơi đi nỗi nhớ thương. “Không chỉ riêng tôi mà nhiều chị em, rồi cánh đàn ông người Nùng ở tỉnh Đắk Lắk cũng hẹn nhau cùng về với chợ tình Tân Sơn để thỏa nỗi nhớ. Đường xa cách trở, nhưng chúng tôi chưa năm nào không đến chợ tình”, chị Lon tâm sự.

Ngồi ở đầu cầu Tân Sơn - địa điểm trung tâm của chợ tình Tân Sơn, bà Mã Thị Hải, người dân tộc Nùng soi gương buộc lại tóc, quấn lại chiếc khăn trên đầu để đón bạn hát. Bà Hải bảo, năm nay, bà đã gần 80 tuổi, nhưng bà vẫn hào hứng đi chợ tình. Bà quê ở xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn cách chợ tình Tân Sơn khoảng 40 cây số. Bà đi chợ tình Tân Sơn lần đầu vào năm 18 tuổi. Ngày ấy, bà cùng với các cô gái người Nùng tuổi mười tám đôi mươi trong bản rủ nhau đi bộ từ chiều hôm trước, rồi ngủ nhờ người quen ở xã Tân Sơn để sáng hôm sau cùng xuống chợ tình chơi. Chợ tình có từ lâu đời, bà cũng không biết có từ lúc nào. Cứ đến phiên chợ ngày 12 tháng Giêng ở xã Tân Sơn, rồi phiên chợ ngày 14 tháng Giêng ở xã Phong Vân của huyện Lục Ngạn, những chàng trai, cô gái người Nùng đến tuổi yêu đương lại đi chợ tình để tìm bạn đời.

Bà Hải cho hay, khi đến chợ tình Tân Sơn, các chàng trai và cô gái có cảm tình với nhau sẽ hẹn nhau đứng ở một góc nào đó để hát Soong hao đối đáp. Qua lời ca tiếng hát, họ tìm hiểu nhau, nếu tâm đầu ý hợp sẽ cùng hẹn ước với nhau. Có nhiều cặp đôi sau đó nên duyên vợ chồng, nhưng cũng có cặp đôi lại không đến được với nhau. “Với những cặp đôi yêu nhau mà không đến được với nhau, họ đến chợ tình Tân Sơn với mong ước được gặp lại nhau. Họ lại dùng những câu hát Soong hao để hỏi thăm về cuộc sống, gia đình, động viên nhau. Những đôi nào yêu nhau mà không lấy được nhau, khi gặp lại ở chợ tình, lời hát càng thắm thiết. Họ lại hẹn gặp nhau ở phiên chợ tình năm sau”, bà Hải chia sẻ.

Giữ lửa yêu thương

Trời chạng vạng tối, nhưng chợ tình Tân Sơn vẫn còn nhộn nhịp, nhiều tốp nam nữ người dân tộc Nùng nhịp nhàng cất lên lời ca tiếng khát. Ông Đàm Văn Cờ ở xã Hộ Đáp (huyện Lục Ngạn) cùng với vài người bạn say sưa với những điệu hát Soong hao lúc trầm lúc bổng, có khi sâu lắng, thiết tha. Tạm nghỉ hát, ông bảo, năm nào ông cũng hẹn gặp người phụ nữ mà ông có tình cảm từ lần đi chợ tình đầu tiên vào năm ông 18 tuổi. Người phụ nữ ông từng thầm thương trộm nhớ quê ở tỉnh Lạng Sơn. “Mỗi năm, chúng tôi gặp nhau một lần ở chợ tình Tân Sơn để hỏi thăm về cuộc sống. Vào ngày này, đàn ông hay phụ nữ người Nùng đi chợ tình Tân Sơn để gặp lại người mình yêu quý. Chồng và vợ đều không ghen tuông. Chợ tình Tân Sơn đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân tộc Nùng ở tỉnh Bắc Giang và một số tỉnh lân cận”, ông Cờ cho hay.

Tuy nhiên, điều ông Cờ lo lắng là thế hệ trẻ ở quê nhà không còn mặn mà với những điệu hát Soong hao truyền thống người Nùng. Ông có 4 người con vẫn đi chợ tình, nhưng lại chưa biết hát Soong hao. Không chỉ gia đình ông, nhiều gia đình người Nùng khác trong xã cũng vậy.

Đang say sưa với chợ tình Tân Sơn, ông Vi Văn Thịnh, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Soong hao xã Tân Sơn kéo tôi ra một góc bày tỏ, ông và những người cao tuổi trong xã cũng luôn trăn trở với việc bảo tồn những điệu hát Soong hao truyền thống của người Nùng. Bởi vậy, mấy năm qua, một số người tâm huyết kết hợp với chính quyền địa phương thành lập Câu lạc bộ hát Soong hao xã Tân Sơn để truyền dạy những bài hát Soong hao cho những bạn trẻ trong xã. Câu lạc bộ có 58 thành viên. Hằng tháng, câu lạc bộ sinh hoạt tại một nhà hội viên để cùng nhau dạy hát cho những người trẻ. Những cố gắng của câu lạc bộ đã có kết quả ban đầu đáng khích lệ. Thời gian gần đây, có hơn 20 bạn trẻ người Nùng trong xã đã tham gia câu lạc bộ để học hát Soong hao. “Trong chợ tình Tân Sơn không thể thiếu hát Soong hao của các cặp đôi nam nữ người Nùng, bởi vậy, chúng tôi phải giữ lấy gốc, lưu truyền hát Soong hao cho con cháu”, ông Thịnh chia sẻ.

Ông Trương Văn Năm, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết thêm, chợ tình Tân Sơn là một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Nùng ở tỉnh Bắc Giang và một số tỉnh phía Bắc. Hằng năm, người dân tộc Nùng ở tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Quảng Ninh cũng tìm về chợ tình Tân Sơn để cùng nhau hát Soong hao. Để bảo tồn giá trị văn hóa người Nùng, thời gian qua, huyện Lục Ngạn đã thành lập 10 câu lạc bộ hát Soong hao ở các xã để truyền dạy điệu hát này cho thế hệ trẻ.

Theo lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn, 4 năm qua, chợ tình Tân Sơn đã được tỉnh Bắc Giang quan tâm bảo tồn. Huyện đang xây dựng kế hoạch khôi phục một số trò chơi dân gian của người Nùng tại phiên chợ tình Tân Sơn, như bắn cung, cưỡi ngựa...

MỚI - NÓNG