Nông dân Hà Tĩnh rớt nước mắt vì…ớt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Như những năm trước, mỗi sào nông dân Hà Tĩnh thu vài chục triệu. Nhưng năm nay, mới vào vụ, ớt đã rớt giá thê thảm, thương lái không tới mua khiến nông dân như ngồi trên đống lửa.

Cuối tháng 5, nắng như đổ lửa, trên những thửa ruộng ở xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) ớt chín rộ nhưng chỉ có vài ba hộ dân ra đồng thu hoạch. Mặc dù mới vào vụ mùa chính thu hoạch, nhưng nông dân trồng ớt ở xã này buồn, bởi lẽ ớt năm nay rớt giá chỉ còn 4.000 đồng/kg.

Nếu như những năm trước, vào vụ mùa này, thương lái từ Nghệ An, các tỉnh lân cận đổ về đây thu mua ớt. Nhưng năm nay không có một ai. Ớt chín đỏ rực, giá thấp nhưng nông dân vẫn phải ra đồng thu hoạch, mang ra các khu vực chợ để bán, vớt vát lại chi phí nguồn vốn bỏ ra.

Nông dân Hà Tĩnh rớt nước mắt vì…ớt ảnh 1

Ớt chín đầy đồng nhưng giá rớt thê thảm.

Bà Dương Thị Hường (71 tuổi, trú xóm Đoài Phú) trồng hơn 1 sào ớt, năm nay thời tiết thuận lợi, cây phát triển tốt, sai quả. Như mấy năm trước, dịp này thương lái vào tận ruộng để thu mua với giá 25-30 ngàn đồng/kg, nhưng năm nay, giá ớt rớt tận đáy. Giá rẻ như cho, bà bất lực trước nguy cơ thất thu vụ mùa.

Nông dân Hà Tĩnh rớt nước mắt vì…ớt ảnh 2

Ông Trần Danh Hảo buồn rầu vì nguy cơ mùa ớt thất thu.

“Bán được đồng nào hay đồng đó. Năm nay không có ai mua do dịch, thương lái không vào tận nơi mua được, những ngày này bà con động viên nhau ra đồng để ớt vát lại chút vốn liếng bỏ ra ban đầu. Giờ nhìn ớt chín đỏ đồng cũng không muốn hái, vì hái cũng có ai mua đâu, rẻ như cho”, bà Hường buồn rầu nói.

Nông dân Hà Tĩnh rớt nước mắt vì…ớt ảnh 3
Một số người dân ra đồng để hái ớt vớt vát lại số vốn bỏ ra.

Năm nay, là năm thứ 4 gia đình ông Trần Danh Hảo (trú xã Tượng Sơn) trồng ớt. Những năm trước được mùa, được giá một sào ớt ông Hảo thu trên 30 triệu đồng. Nhưng năm nay, ngày ra đồng hái, rạng sáng hôm sau ông Hảo lại chở ớt xuống các chợ để bán.

“Rẻ lắm, chưa năm nào ớt rẻ như vậy, bán rẻ cũng không ai mua. Trước thấp nhất cũng được 10 ngàn đồng/kg, nhưng năm nay xuống tận 4 ngàn đồng/kg dù mới đầu mùa. Nguyên nhân do ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến các nhà hàng đóng cửa, tiểu thương cũng không vào mua. Giờ ớt chín đỏ, nhìn mà rơi nước mắt vì không hái cũng tiếc, mà hái xong cũng không có người mua”, ông Hảo nói.

Nông dân Hà Tĩnh rớt nước mắt vì…ớt ảnh 4

Cánh đồng ớt tại thôn Đoàn Phú chín rộ, nhưng chỉ có vài người ra thu hái.

Ớt được xem là một trong những cây trồng chủ lực của xã Tượng Sơn với tổng diện tích trên 15ha, năng suất đạt hàng 1 tấn/sào. Mùa thu hoạch ớt bắt đầu từ tháng 3 cho đến tháng 7 (ÂL) chi phí đầu tư mỗi sào gần 10 triệu đồng.

Ông Trần Danh Hà, trưởng thôn Đoài Phú (xã Tượng Sơn) cho biết, tại thôn có khoảng 10 hộ dân trồng ớt, với 13 sào. Như những năm trước, mỗi sào ớt cho thu nhập từ 30-40 triệu đồng, nhưng nay giảm gấp 5 lần so với những năm trước, khiến nhiều hộ dân ớt chín đỏ ruộng nhưng không muốn thu hoạch.

Nông dân Hà Tĩnh rớt nước mắt vì…ớt ảnh 5

Trần Danh Hà, trưởng thôn Đoài Phú (xã Tượng Sơn) buồn rầu vì giá ớt thấp, bán như cho.

“Những năm trước có xe của các công ty đến thu mua nhưng năm nay người dân tự đi tiêu thụ. Có người 23h đêm đã cất công xuống chợ để bán, cũng có những hộ phơi khô để bán ớt bột. Nếu giá ớt thấp như này đến cuối vụ thì người trồng xem như thất thu”, ông Hà nói.

Nông dân Hà Tĩnh rớt nước mắt vì…ớt ảnh 6
Nhiều hộ trồng ớt không bán được phải bỏ ở trong nhà.

Ông Nguyễn Văn Đường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà cho hay: “Năm nay mùa vụ ớt thắng lợi về sai quả, nhưng đầu ra cho bà con nông dân quá thấp. Nguyên nhân do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nên các tư thương mua sản phẩm cho bà con nông dân không về thu mua được. cho nên bắt buộc bà con phải thu hoạch, sau đó cứ đến đêm lại chở lên TP Hà Tĩnh để bán cho các tư thương tại đây”.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.