Ngày 22/11, hội thảo “Nghệ thuật trong không gian công cộng” (do EUNIC, Hiệp hội các Viện Văn hóa và Đại sứ quán Châu Âu, hợp tác cùng Manzi Art Space tổ chức) thu hút số lượng đáng kể người quan tâm. Nhân sự kiện Hà Nội được Unesco đề cử vào “Mạng lưới các thành phố sáng tạo”, nhiều nghệ sĩ đương đại dấy lên hy vọng chính quyền và các nhà quản lý nhìn nhận đúng hơn giá trị của các sáng tạo nghệ thuật tại nơi công cộng. Tuy nhiên hầu hết người tham dự chưa nói đến tầm quan trọng của giáo dục thẩm mỹ từ nhà trường.
Hoang mang xin và cấp phép
Câu chuyện kiểm duyệt và nỗi sợ của các quan chức khi phê duyệt cấp phép tác phẩm đương đại là chủ đề chiếm sóng gần hết ngày hội thảo.
Nghệ sĩ Trần Tuấn ở Huế từng đàm phán mất 6 tháng và may mắn khó tin khi được chính quyền cho phép đặt tác phẩm “Mây biến thể” trên hồ Tịnh Tâm. Nước hồ bị ô nhiễm đến mức tận diệt loài sen trắng quí hiếm. Tác phẩm đám mây hình vòi bạch tuộc làm từ vật liệu tái chế vỏ lon bia đem lại thông điệp mạnh mẽ về môi trường và tác phẩm được giữ lại cho đến lúc hỏng. Thêm một tác phẩm khác “Nấm hoàng đế” của Trần Tuấn được hiện diện tại cố đô, với giới nghệ sĩ thời 7 năm về trước, đây là trường hợp hiếm hoi. Nghệ sĩ, giám tuyển Trần Lương cho biết, nhiều dự án các nghệ sĩ tự bỏ tiền và ra mắt theo cách “bất hợp pháp”. “Họ cứ trình diễn, công an bắt thì thôi”. Giám tuyển Bill Nguyễn (Trung tâm nghệ thuật The Factory) chia sẻ, với dự án “Into in the air 1” anh cũng làm kiểu du kích. Chọn không gian nửa của doanh nghiệp sở hữu, nửa công cộng để thực hiện.
Giám tuyển dự án Phố bích họa Phùng Hưng, nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn kể hành trình làm dự án, nhiều thời điểm bị kiểm duyệt, áp đặt, công trình bị đe dọa bỏ dở; nhưng rồi đến khi ra mắt người dân phố này được hưởng lợi rất nhiều.
NS Trần Lương cho rằng tác phẩm ngoài trời ở ta phải trải qua “tiền kiểm” (duyệt trước) trong khi ở các nước văn minh là “hậu kiểm” (trưng bày rồi mới lấy ý kiến công chúng và thẩm định của nhà quản lý). Để được duyệt, tác giả phải chấp nhận bị “mất chân mất tay”.
Nghệ sĩ Mai Thu Vân, đồng tác giả chuỗi tác phẩm bày quanh hồ Hoàn Kiếm bị phóng uế bộc bạch “Hành trình sáng tạo của chúng tôi là những kinh nghiệm đau đớn. Tới lúc mang ra trải nghiệm cũng lại đau đớn”. Không nhà quản lý nào chịu cấp tiền cho “tác phẩm nghệ thuật” quanh Hồ Gươm, “vì đây là không gian di sản, cực nhạy cảm”. Chúng tôi chỉ được cấp kinh phí dưới danh nghĩa “mô hình chiếu sáng”, chị Thu Vân ngậm ngùi.
Nhiều điều bỏ ngỏ
Nhiều người dân, thậm chí nhà quản lý vẫn cho rằng khái niệm tác phẩm trong không gian công cộng chỉ có một loại hình là tượng. Trên thực tế, có loại tác phẩm bền vững, tác phẩm tạm thời theo sự kiện (vài năm), tác phẩm phù du như sắp đặt, trình diễn chỉ diễn ra trong vài chục phút. Khán phòng cười ồ khi Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng kể, một họa sĩ người Nga nhìn tượng đài chiến tranh của ta đã bình luận “lẽ ra tượng phải nói về sự hy sinh của các chiến sĩ thì lại về sự hy sinh của nghệ sĩ điêu khắc”.
Có mặt vào phần hai của Hội thảo, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa phát biểu, Hà Nội có nhiều không gian nghệ thuật công cộng nổi bật như Con đường gốm sứ, Hòa nhạc giao hưởng thường niên ở phố cổ... Tuy nhiên trước đó NS Trần Lương trong lúc đề cập đến việc “làm nghệ thuật bất chấp môi trường” đã nhắc đến Con đường gốm sứ. Để có nó, biết bao khí thải và nước nhiễm độc đã xả ra.
NS Phan Cẩm Thượng lo ngại “không gian sáng tạo đôi khi khuyến khích du lịch và làm tăng giá đất”. Làng tranh bích họa Tam Thanh bỗng dưng xây dựng ầm ầm, cảnh quan biển nguy cơ bị phá hủy.
Theo Cục trưởng Phương Hòa, nhiều không gian công cộng Hà Nội chưa được đối xử đúng, không có nhà vệ sinh, ghế nghỉ, để cỏ dại mọc hoang tàn. Không gian công cộng là đối tượng tranh giành của nhiều nhóm sử dụng. “Hà Nội mới được Unesco công nhận là “Thành phố sáng tạo”, Bộ Văn hóa sẽ hỗ trợ về chính sách mạnh mẽ hơn với các chiến lược, dự án nghệ thuật công cộng”.
Ths. KTS, Trần Hoàng Linh, đại diện Sở Qui hoạch kiến trúc Hà Nội cho biết, quĩ đất của thành phố cho không gian công cộng có, cơ hội có, chỉ đợi nghệ sĩ sáng tạo thôi. Tuy nhiên việc sử dụng không gian phố cổ cần phải nghiên cứu.
Có mặt tại phần cuối tọa đàm, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, sắp tới quận sẽ cải tạo 13 vườn hoa và khuyến khích các nghệ sĩ tham gia hoạt động nghệ thuật tại những không gian này.
Một vài khách tham dự thắc mắc “thế nào là tác phẩm nghệ thuật công cộng tốt?”, nhiều định nghĩa được đưa ra nhưng có vẻ như cả nghệ sĩ và các nhà quản lý đều lúng túng.
Câu hỏi “Làm thế nào để tiếp cận nhà quản lý và xin cấp phép?” và “Đâu là barem cho tác phẩm xứng đáng đặt nơi công cộng” vẫn còn bỏ ngỏ.
Tác phẩm “Mây biến thể” của Trần Tuấn trên hồ Tịnh Tâm Huế (2012)