Nơi nuôi hy vọng cho trẻ mồ côi

Giám đốc Nguyễn Trung Chắt và 3 em mồ côi trước khi tiếp nhận vào Trung tâm
Giám đốc Nguyễn Trung Chắt và 3 em mồ côi trước khi tiếp nhận vào Trung tâm
TP - Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu (trung tâm bảo trợ xã hội ngoài công lập) hiện là mái nhà chung cho những trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

> Đồng hành cùng trẻ nghèo vui xuân Nhâm Thìn

Ăn cơm nhà, vác tù và…

Nghỉ công tác trong quân đội chưa được bao lâu, ông Nguyễn Trung Chắt (thôn Phú Cường, Phú Thịnh, Kim Động, Hưng Yên) bắt tay thực hiện ước mơ của mình là vận động các tổ chức phi chính phủ tài trợ dự án thành lập Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu (Kim Động, Hưng Yên).

Trong 28 em nhỏ tại Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu, Phương Anh nhỏ tuổi nhất. Mẹ bị tâm thần, Phương Anh sinh ra không biết mặt bố, lúc Trung tâm nhận về (năm 2010) Phương Anh mới 15 ngày tuổi. Bất hạnh nhất là Đào Thị Luyến, bố mất từ lúc lên tám, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, Luyến cũng bị bệnh tim hành hạ.

Khi vào trung tâm, sức khỏe Luyến rất yếu, ông Chắt đã đi khắp nơi để xin tài trợ cho em được mổ tim. Tháng 11- 2011, Luyến ra viện sau ca phẫu thuật thành công tại Bệnh viện Việt Đức.

“Trung tâm đã cho cháu cuộc sống lần thứ hai, điều mà trước khi vào đây, cháu không dám mơ đến. Cháu mong có thể học một nghề gì để tự nuôi mình và có tiền mua thuốc thang cho mẹ” - Luyến nói.

Trung tâm có những trẻ mồ côi là anh chị em ruột. Nguyễn Văn Cường (học lớp 9) và Nguyễn Văn Toàn (học lớp 7) ở xã Ngũ Lão (Kim Động) được nhận vào Trung tâm từ năm 2004. Bố của Cường và Toàn mất, mẹ bị bệnh.

Cùng cảnh ngộ là chị em Lê Thị Yến, Lê Thị Linh. Cả hai đều sinh ra trong gia đình có năm chị em gái ở xã Mai Động (Kim Động). Từ ngày được nhận vào Trung tâm, cả hai chị em Yến đều chăm ngoan, chịu khó, học giỏi. Yến và Linh nhiều năm liền là học sinh xuất sắc của trường THCS Phú Thịnh.

Tại Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Bình (thị trấn Kim Động) cùng con trai mang quà đến thăm các em tại đây. Chị cho biết: “Đến đây, mình vừa có thể thăm nom, động viên các cháu vừa giúp con có cơ hội thực tế, thay đổi tư duy nhận thức để cháu hiểu thêm được giá trị sống”.

Ông Nguyễn Trung Chắt-Giám đốc Trung tâm cho biết: “Không giống như nhiều nơi khác, tên Trung tâm, không đặt là trại trẻ mồ côi mà là Trung tâm Hy vọng để cho các cháu không cảm thấy mặc cảm, mà được sống trong môi trường bình đẳng và hi vọng về những điều tốt đẹp ở phía trước”.

Như tình mẫu tử

Những mẹ nuôi tại Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu đều đơn côi. Mẹ Ngô Thị Bình (56 tuổi) và mẹ Nguyễn Thị Với (52 tuổi) đều có chồng mất sớm. Cùng cảnh ngộ, được sống chung cùng mái nhà nên họ hiểu, thông cảm cho nhau. Các mẹ đều xem những đứa bé tại trung Tâm như con của mình.

“Các cháu ở nhà tự do đã quen, mỗi đứa một tính nên lúc đầu vào không dễ dạy. Khi đó, chúng tôi còn phải thay phiên đưa các cháu đến trường rồi lại đón về”, mẹ Hương nhớ lại.

Trong những đứa con ở Trung tâm, chăm sóc cháu Phương Anh là khó nhất. Lúc nhận về, cháu ngoan ngoãn nhưng từ đêm thứ hai, Phương Anh khóc từ sáng đến tối không chịu ăn uống. Mọi người gọi taxi đưa cháu đi viện khám mới biết cháu đang mọc răng.

Bảy năm qua các mẹ chưa một lần về nhà kể cả ngày lễ, tết, luôn tận tâm với công việc. “Hằng ngày nhìn các cháu khôn lớn, trưởng thành hơn và nhất là được các cháu ở đây gọi là mẹ thì còn có niềm hạnh phúc nào bằng”, mẹ Bình vừa chuẩn bị bữa trưa vừa tâm sự.

Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu thành lập ngày 21-5-2004. Trung tâm hoạt động không dùng ngân sách Nhà nước, hoạt động trong thời gian 35 năm. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm tiếp nhận 36 cháu, trong đó có 8 cháu sau khi học nghề được nhận vào làm việc tại các cơ sở, xí nghiệp trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.