Nỗi niềm của người thầy chống tiêu cực Đỗ Việt Khoa

Nỗi niềm của người thầy chống tiêu cực Đỗ Việt Khoa
TPO - Bỏ lại sau lưng những lời vinh danh, người  thầy nổi tiếng chống tiêu cực Đỗ Việt Khoa (Vân Tảo – Thường Tín – Hà Nội) trở về với cuộc sống thường nhật với bao khó khăn, nỗi niềm chất chứa…

>> Tâm sự của người thầy nổi tiếng bất đắc dĩ

Người thầy bị xa lánh

Hai năm trước, sau khi xuất hiện danh tính tố cáo tiêu cực trong ngành giáo dục, thầy Đỗ Việt Khoa thành người của công chúng. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân về tận nhà riêng để siết chặt bàn tay người thầy can đảm. Sau đó, thầy Khoa nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT. Rồi lên tivi làm khách mời của chương trình “Người đương thời”. Rồi xuất hiện trả lời phỏng vấn báo chí…

Kể từ đó, người ta gọi thầy Đỗ Việt Khoa như một người hùng. Nhưng cũng kể từ đó, đằng sau những ánh hào quang chớp nhoáng là không ít biệt danh gán ghép: “Khoa điếc”, “Khoa hâm”, “Khoa khùng”, kẻ gàn không biết mình là ai. Họ không cho rằng thầy Khoa là “Người đương thời” mà là kẻ “lỗi thời”, “sinh nhầm thời”, “không thức thời” mới đúng...

“Gặp tôi ở đám cưới, có vị phụ huynh nói: “Tại thầy mà con tôi trượt tốt nghiệp. Nghĩ mà buồn!” - Thầy Khoa nói.

Rồi từ đó, con đường đến trường cũng lắm nỗi niềm: “Mọi người nhìn mình cứ như từ hành tinh khác đến”. Không ai dám kết thân. Chẳng mấy người dám công khai giúp đỡ.

“Tám năm giảng dạy tại trường THPT Vân Tảo, có thời điểm chỉ có chục giáo viên nghèo nhưng rất đoàn kết. Thậm chí, giáo viên còn góp tiền nấu cháo rau thơm ăn lúc đói lòng. Nhưng, giờ đây, họ xa lánh tôi. Làm gì, tôi cũng chỉ thui thủi một mình…”.

Cũng từ đó, giáo viên Đỗ Việt Khoa liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ tại đơn vị công tác. Trông thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm ngoái, thầy Khoa bị lập biên bản vì “bỏ vị trí”.

Nỗi niềm của người thầy chống tiêu cực Đỗ Việt Khoa ảnh 1
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa

Năm học này, thầy bảo được “ưu ái” nhận… ba biên bản vì những lỗi khác nhau.

“Có lần, tôi đến trường dự hội nghị công nhân viên chức sớm 20 phút, các cô giáo nhờ ra ngoài copy hộ bài giảng điện tử vào USB. Lấy xong, vào trường, bảo vệ đóng cửa, nhờ người gọi mãi nhưng cửa vẫn không mở. Tôi đành… trèo tường vào trường thì lập tức bị lập biên bản, rồi bị xốc nách đuổi ra khỏi trường. Đúng là mình cũng có lỗi nhưng nghĩ vẫn thấy tủi. Dường như, mình không được coi là một phần của tập thể ấy nữa…”.

“Ngày Nhà giáo Việt Nam năm ngoái, tôi bị lãnh đạo gọi sang trường “uốn nắn” ngay trước mặt các thầy cô khác. Năm nay, khi sắp đến ngày 20/11 (hôm 14/11), tôi lại bị hai bảo vệ nhà trường đến tận nhà lăng mạ, nắm cổ áo định hành hung, làm đứt cả cúc chiếc áo mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng. Còn gì buồn hơn khi một trong những người đến đe dọa hành hung lại là người bạn từng học với tôi suốt thời cấp 1, cấp 2…”.

Thầy Khoa tâm sự, 20/11 năm nay có lẽ là ngày buồn nhất trong suốt 15 năm đứng trên bục giảng. Đến trường, đồng nghiệp chẳng dám hỏi han, chia sẻ. Còn học trò thì e dè, lảng tránh, không dám ngồi gần. Chỉ có một số học sinh cũ đến nhà thăm hỏi.

Ngày ra đường gặp những ánh mắt dò xét. Đêm, không ít lần những cuộc gọi lạ vào số nhà riêng chỉ cất lên một giọng cười ha hả. Rồi những cú điện không rõ lai lịch “hỏi thăm sức khỏe”. Rồi những tin nhắn quấy rối từ số máy lạ… Những thứ đó cũng khiến thầy Khoa suy nghĩ miên man trong đêm… 

Nước mắt người vợ

“Khi bảo vệ trường Vân Tảo định đánh anh Khoa, tôi chẳng biết làm gì, đành chắp tay trước ngực, khóc lóc van xin. Mỗi lần anh có việc đi xa là tôi lại nơm nớp lo... Làm vợ anh ấy, không khéo tôi tổn thọ 10 năm mất” - Chị Ngà, vợ thầy Khoa tâm sự.

Đây không phải lần đầu tiên nước mắt lăn dài trên gò má gầy gò của người vợ trẻ. Chị đã xúc động nức nở không nói thành lời trong ngày Bộ trưởng đến nhà riêng thăm vợ chồng, con cái. Cũng chính người mẹ ấy đã ôm cô con gái lớn khóc thút thít giữa đêm khuya khi cháu bị từ chối nhận học. Chị khóc vì thương con, thương chồng chỉ vì “đấu tranh” nên giờ chẳng biết “tránh đâu”.

“Người ta bảo gia đình nộp hồ sơ muộn nên không nhận cháu vào lớp. Sau này, không biết ai kể nên cháu biết và khóc. Chúng tôi chuyển cháu về học tại trường THCS Vân Tảo. Hiện giờ, cháu học lớp 7 trường THCS Văn Bình, cũng ở huyện Thường Tín” - thầy Khoa cho biết.

“Lúc đó, vợ tôi nói đùa, có lẽ phải thay tên đổi họ cho con may ra người ta mới không ác cảm vì bố nó “lắm chuyện”. Biết là đùa nhưng nghe vẫn thấy tái tê… Hay tôi đã làm sai nhỉ? Hay tôi đã không biết điểm dừng? Đã thái quá chăng?”.

Thầy Khoa thú thật, xót xa trước những giọt nước mắt của vợ con, có những lúc cũng tính bỏ nghề dạy học. Vì một số người đối xử với mình tệ quá. Vì không muốn những lo lắng ngày đêm hằn sâu trên gương mặt của người vợ. Vì không muốn có ngày các con phải khóc vì bị phân biệt đối xử. Vì cuộc sống…

Nhưng, trong những lúc đau khổ và khó khăn nhất, vẫn luôn có những người bạn tốt. Nghe tin có kẻ thuê “đầu gấu” đe dọa “đồng nghiệp” ngay tại nhà, thầy giáo Nguyễn Thượng Long - người cũng từng lên tiếng chống tiêu cực trong giáo dục ở Hà Tây (cũ) - đến tận nơi thăm hỏi. Rồi, “bà già liêm chính” Lê Hiền Đức ở Hà Nội, dù hơn 76 tuổi cũng gọi điện đến chia sẻ lúc khó khăn…

Ngay cả những kẻ “đầu gấu” đến tận nhà “nói chuyện”, khi đã hiểu, họ quay lại nhà thầy Khoa để tâm sự những lời “gan ruột”. Họ bảo biết được hoàn cảnh của gia đình, những việc thầy làm từ trước nên không thể làm hại người tốt được.

“Ra đường giờ cũng phải nhìn trước, ngó sau. Cũng lo, nhất là vợ con. Người ta đã dám đến tận nhà mình gây sự, thì ngoài đường sao biết trước được điều gì. Nhưng đời này vẫn còn nhiều người tốt. Sự chia sẻ của mọi người khiến tôi thấy ấm lòng và vững tin hơn vào những việc mình đang phấn đấu…” - thầy Khoa nói.

Thanh tra Bộ GD&ĐT làm việc với trường THPT Vân Tảo

Chiều 22/11, tổ công tác của Thanh tra Bộ GD&ĐT đã làm việc với lãnh đạo trường THPT Vân Tảo (Thường Tín, Hà Nội) và thầy giáo Đỗ Việt Khoa, liên quan đến vụ việc thầy Khoa bị một số đối tượng đến nhà đe dọa hành hung, cướp tài sản.

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do ông Lê Quang Hưởng - Phó Chánh Thanh tra làm tổ trưởng. Ngoài ra còn có đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội.

Hiệu trưởng trường THPT Vân Tảo Lê Xuân Trung, Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Hoa, thầy giáo Đỗ Việt Khoa, nhân viên bảo vệ Nguyễn Văn Đông cũng được yêu cầu tham dự.

Sau khi công bố quyết định thành lập tổ công tác của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Thanh tra Bộ đã yêu cầu thầy giáo Đỗ Việt Khoa báo cáo tóm tắt lại sự việc.

Trao đổi với Tiền Phong, thầy Khoa cho biết, sau khi tường trình vụ việc, đã có một số kiến nghị với Thanh tra Bộ GD&ĐT. Một trong số đó là thanh tra các sai phạm của trường THPT Vân Tảo như đơn đã gửi lên Sở GD&ĐT và UBND thành phố Hà Nội; có biện pháp bảo vệ an toàn tính mạng đối với bản thân và gia đình.

Cũng theo thầy Khoa, tại buổi làm việc này, hiệu trưởng trường THPT Vân Tảo Lê Xuân Trung khẳng định, sự việc xảy ra tối 14/11 ở ngoài phạm vi nhà trường và ngoài giờ hành chính nên không liên quan gì đến trường. Sau khi có người báo tin và công an đến làm việc, ông Trung mới được biết.

Ông Trung phủ nhận việc thuê người đe dọa thầy Khoa và cho biết các sai phạm của thầy Khoa tại trường đều có văn bản lưu giữ, đồng thời khẳng định cũng không có chuyện trù dập như thầy Khoa tố cáo. Ông Trung cũng đề nghị Bộ GD&ĐT xử lý những tố cáo sai sự thật của thầy Khoa.

Sau khi nghe các bên trình bày, Phó Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Lê Quang Hưởng nói, tổ công tác tiếp nhận và nghiên cứu những nội dung các cá nhân báo cáo, giải trình và sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ GD&ĐT.

Tổ công tác cũng đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội khẩn trương giải quyết dứt điểm vụ việc, cũng như xem xét trả lời đơn thư tố cáo của thầy giáo Đỗ Việt Khoa, báo cáo Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, Ban Giám hiệu trường THPT Vân Tảo có trách nhiệm phối hợp với công an giải quyết dứt điểm vụ việc; có biện pháp chấn chỉnh trong quản lý chỉ đạo để xây dựng nội bộ đoàn kết, không để vụ việc phức tạp hơn.

Tổ công tác cũng yêu cầu Hiệu trưởng Lê Xuân Trung và thầy giáo Đỗ Việt Khoa cam kết chấp hành ý kiến kiến nghị của tổ công tác, thực hiện đầy đủ Luật lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ, không để vụ việc phức tạp hơn.         

Bộ GD&ĐT sẽ bảo vệ thầy Đỗ Việt Khoa

Nỗi niềm của người thầy chống tiêu cực Đỗ Việt Khoa ảnh 2
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân

Chiều 20/11, trước câu hỏi của một số phóng viên về việc thầy giáo Đỗ Việt Khoa bị đe dọa hành hung, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Bộ sẽ bảo vệ giáo viên theo đúng trình tự của pháp luật.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân nói, qua báo chí, ông được biết công an huyện Thường Tín đang điều tra về việc một số đối tượng đến nhà thầy giáo Đỗ Việt Khoa (Vân Tảo, Thường Tín, Hà Nội) đe dọa hành hung, cướp tài sản tối 14/11 vừa qua.

Phó Thủ tướng cho hay, Bộ GD&ĐT có Cục Nhà giáo chăm lo cho đời sống giáo viên trong ngành. Bộ GD&ĐT cam kết sẽ bảo vệ các thầy, cô giáo dù đó là ai, nhưng phải đúng với trình tự pháp luật. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, nếu thầy Đỗ Việt Khoa có đơn từ về vấn đề này và công an có kết luận chính thức, Bộ GD&ĐT sẽ vào cuộc ngay.

Theo thầy giáo Đỗ Việt Khoa, tối 15/11, một trong hai thanh niên đến “hỏi chuyện” hôm trước đã quay lại và bảo với gia đình rằng được một người thuê hành hung thầy Khoa với giá 5 triệu đồng. Trao đổi với Tiền Phong ngày 17/11, công an huyện Thường Tín khẳng định, chưa thể kết luận điều này, cũng như chưa thể công khai tình tiết vì vụ án đang trong quá trình điều tra. 

MỚI - NÓNG
Bụi mịn bao phủ bầu trời TPHCM
Bụi mịn bao phủ bầu trời TPHCM
TPO - Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, từ nay đến những ngày giữa tháng 1, thời tiết TPHCM tiếp tục se lạnh về đêm và sáng sớm, độ ẩm giảm, chất lượng không khí giảm có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Sáng 10/1, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết se lạnh, trời nhiều mây, không có nắng, sương mù xuất hiện nhiều nơi.