Nơi lửa thử vàng

Láng bê tông mặt đường
Láng bê tông mặt đường
TP - Theo đoàn công tác của Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng) kiểm tra tiến độ thi công đường tuần tra biên giới tại hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, PV Tiền Phong tận thấy những khó khăn thử thách mới với người lính thời bình, hiểu thêm những vấn đề nảy sinh cần tháo gỡ để tuyến đường chiến lược này được nối dài nhanh hơn. Người trẻ làm gì để góp sức mình xây dựng tuyến đường này?
Láng bê tông mặt đường
Láng bê tông mặt đường.

Người lính lại lên tuyến đầu

Thiếu tướng Hoàng Kiền sau những năm tháng cùng chiến sĩ công binh vật lộn với sóng dữ xây dựng công trình trên quần đảo Trường Sa, nay lại đảm trách nhiệm vụ Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường tuần tra Biên giới.

Tạm xa những hòn đảo giữa trùng khơi, ông lại lên tuyến đầu cùng chiến sĩ phá núi mở đường - một con đường dài hơn 10.000 km chạy dọc tuyến biên giới đất liền với những khó khăn, thách thức mới. Cùng lên tuyến đầu với ông có nhiều sĩ quan trẻ.

Ngay tại lán chỉ huy công trường nằm chênh vênh trên sườn núi, mây mù dày đặc, thiếu tá Nguyễn Ngọc Thao- Giám đốc Xí nghiệp 319.1 (Cty 319 - Bộ Quốc phòng), đơn vị chuyên xây dựng các công trình giao thông, đảm nhiệm làm 19,3 km đường thuộc địa phận xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) cho biết: Hiện đơn vị có 40 đầu xe máy chia làm 3 mũi đang hoạt động.

Trên núi cao mây mù phủ kín, nhiều đoạn đường mới mở trơn lầy, đơn vị phải dùng máy ủi để chở xăng, dầu lên công trình. Hầu hết nhu yếu phẩm phục vụ đời sống đều do chiến sĩ khiêng vác tới từng tổ thi công . Đơn vị đang phấn đấu làm xong phần nền trước ngày 30-4-2011.

Thi công đường thời bình khác xa với những tháng năm lửa đạn. Đường vẫn mở qua những núi cao, vực sâu bằng các phương tiện máy móc hiện đại. Trên buồng lái máy ủi, máy gạt, máy xúc thoáng những gương mặt trẻ đẫm mồ hôi. Làm chủ phương tiện hiện đại ấy chính là những chàng trai trẻ được đào tạo bài bản tại các nhà trường trong và ngoài nước xung phong vào bộ đội.

Tôi biết, sau khi tốt nghiệp Đại học Xây dựng, Nguyễn Ngọc Thao xin nhập ngũ. Anh đã trưởng thành qua từng công trình giao thông trọng điểm do đơn vị thi công. Là một sĩ quan, giám đốc trẻ, chỉ đạo thi công khoa học, xí nghiệp của anh được đánh giá là đơn vị đạt tiến độ thi công nhanh nhất, đảm bảo đời sống cho người lao động tốt nhất tuyến này.

Giúp việc cho anh có hàng chục kỹ sư trẻ dám nghĩ dám làm, những thợ lái máy dũng cảm và kinh nghiệm như kỹ sư giao thông Lê Khả Hải nhiều năm qua luôn xung phong đến với những công trình trọng điểm. Rõ ràng, lên xây dựng đường tuần tra biên giới chính là dịp để những sĩ quan trẻ, thời kỳ mới tiếp tục rèn luyện, thể hiện bản lĩnh của mình.

Tổng giám đốc Tổng Công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4 - Đại tá Nguyễn Thành Lê đã chỉ đạo thi công nhiều công trình xây lắp và thực hiện rà phá bom mìn vật nổ cả ở Việt Nam và nước bạn Lào, đường 18B từ Kon Tum đi Attapư, đường KLưm, quốc lộ 1D - Lào là những công trình tiêu biểu có ý nghĩa về kinh tế, quốc phòng do đơn vị ông thi công.

Khi nhận nhiệm vụ tham gia xây dựng đường tuần tra biên giới, vị chỉ huy này đã quyết chi 38 tỷ đồng mua trang thiết bị mới, hiện đại phục vụ công trình và lựa chọn các đơn vị nhiều kinh nghiệm cùng tham gia.

Trung tá Lê Hữu Duẩn - Bí thư Đảng ủy Cty COECCO Lào thông tin: Ngay trên tuyến đường gian khó và đầy hiểm nguy này, lớp trẻ như Nguyễn Trọng Hùng - Trưởng ban kế hoạch, Lê Văn Trường - Trợ lý kỹ thuật vừa được kết nạp Đảng trên công trường.

Cán bộ kỹ thuật đo đạc chỉ đạo máy đào nền Ảnh: CTV
Cán bộ kỹ thuật đo đạc chỉ đạo máy đào nền. Ảnh: CTV.

Con đường trách nhiệm

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Hoàng Kiền băn khoăn: Đường tuần tra biên giới chủ yếu đi qua các khu vực rừng đầu nguồn, rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Công tác giải phóng mặt bằng, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các địa phương tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, nhiều thủ tục chưa tương thích với tuyến đường đặc thù.

Như vậy việc giải phóng mặt bằng vẫn là mối lo chung cho tiến độ thi công toàn tuyến. Vì thế khi biết tin Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen cho Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), chúng tôi đã gặp ông Bùi Trầm - Chủ tịch huyện trao đổi về cách làm của Kỳ Sơn khi tuyến đường được mở trên địa bàn.

Ông cho biết: Ngay khi có chủ trương mở tuyến này, chúng tôi coi việc giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ chung của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Từng tổ công tác được thành lập chia nhau về các bản giáp biên tuyên truyền, vận động. Bà con đều đồng tình, hưởng ứng.

Có đường việc thông thương tiện lợi tạo điều kiện để sản xuất phát triển. Thế nhưng, dọc tuyến đường mới mở là những cánh rừng nguyên sinh có nhiều gỗ quý. Liệu lâm tặc có lợi dụng để phá rừng?

Về vấn đề này, ông Bùi Trầm chia sẻ: Từ ngày mở tuyến đường này, Kỳ Sơn đã xử 3 vụ lâm tặc phá rừng. Quan điểm của huyện là phải xử lý thật nghiêm. Huyện đã lập 2 chốt kiểm tra trên tuyến để ngăn chặn kẻ xấu phá rừng. Theo ông, khi mở thêm một con đường mới, lãnh đạo địa phương cũng như người dân phải có thêm trách nhiệm mới.

Chờ sắc xanh tình nguyện

Trong chuyến đi, Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên - Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, cựu sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Lô-mô-lô-xốp kể: Thuở sinh viên, ông cũng như các bạn trẻ đều háo hức tham gia xây dựng tuyến đường sắt Baikan - Amua xuyên Xibêri.

Với tinh thần tuổi trẻ, ai cũng mong muốn mình có mặt để tận tay cầm xẻng xúc tuyết, chung tay khiêng một thanh ray. Ai lên tuyến đường, khi trở lại trường đều có quyền kiêu hãnh với bạn bè. Một phong trào tuổi trẻ tình nguyện đến Xibêri lan tỏa trong sinh viên các trường đại học trên toàn Liên Xo (cũ).

Tôi nhớ mãi phong trào tuổi trẻ tham gia xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình - Công trình Thanh niên Cộng sản những năm 70-80 của thế kỷ trước. Tốt nghiệp các trường đại học, rời thành phố, làng quê, hàng vạn thanh niên ưu tú đã lên công trường chung tay làm ra dòng điện cho đất nước.

Còn hôm nay, đường tuần tra biên giới đang mở ra, nối dài. Có thể đưa thanh niên tình nguyện tham gia xây dựng? Đại tá Nguyễn Công Linh - Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Ban Dự án cho rằng: Ban dự án cũng như các đơn vị thi công hiện nay đang rất cần những kỹ sư chuyên ngành xây dựng, cầu đường. Có thể tổ chức cho sinh viên chuyên ngành này làm việc trong thời gian tập sự cũng như dịp hè họ tham gia phong trào tình nguyện.

Trực tiếp làm việc, họ có cơ hội rèn luyện, trưởng thành. Đại tá Linh cũng cho biết thêm: Từ ngày Ban dự án Đường tuần tra biên giới đi vào hoạt động, Ban đã tuyển dụng hơn 20 kỹ sư. Quả thực, họ không ngại khó, sợ khổ. Nhưng do mức lương thấp (khoảng 2 triệu đồng/tháng) nên nhiều người đã xin chuyển công tác. Một kỹ sư làm việc tốt hiện nay lương chí ít cũng từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Đây đang là mối quan tâm của nhiều đơn vị để tuyển dụng được nhiều trí thức trẻ phục vụ lâu dài trong quân đội trong đó có đường tuần tra biên giới đang vươn dài là phên dậu vững chãi của Tổ quốc.

Một trong những nhiệm vụ của đường tuần tra biên giới là kết nối với đường vành đai biên giới, đường dân sinh góp phần phát triển giao thông biên giới, tạo điều kiện cho nhiều địa phương đưa dân ra sát biên giới, tiếp tục phát triển các khu kinh tế quốc phòng, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, góp phần đưa ánh sáng văn hóa lên vùng cao biên giới, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào khu vực biên giới...  

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.