Dù cách Vòng Bắc cực gần 3.000km, Bắc Kinh tự gọi mình là cường quốc “gần Bắc cực”. Nước này đã mua hoặc chế tạo nhiều tàu phá băng, trong đó có cả tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhằm tạo ra những tuyến đường mới cho hàng hóa đi qua băng Bắc cực.
Và họ đang “nhòm ngó” Greenland như một trạm dừng chân đặc biệt hữu ích trên con đường tơ lụa qua Bắc cực.
Greenland là lãnh thổ tự trị, dù trên danh nghĩa vẫn thuộc Đan Mạch.
Mỹ đang duy trì một căn cứ quân sự lớn ở thị trấn phía bắc Thule. Đan Mạch và Mỹ đều rất lo ngại trước việc Trung Quốc thể hiện sự quan tâm lớn đối với Greenland.
Với 2 triệu km2 đá và băng, Greenland là vùng lãnh thổ lớn thứ 12 trên thế giới, có diện tích gấp 10 lần nước Anh, nhưng dân số chỉ khoảng 56.000 người, tương đương dân số một thị trấn của Anh.
Vì thế, Greenland là vùng có dân số thưa thớt nhất trên Trái đất. Khoảng 88% người dân nơi đây là người Inuit bản địa (còn gọi là Eskimo), còn lại là người Đan Mạch. Nhiều năm qua, Mỹ hay Đan Mạch đều không đầu tư nhiều tiền vào Greenland, nên ngay cả Nuuk, thủ phủ của Greenland, vẫn còn khá nghèo.
Hằng ngày, một số ít người dân đến trung tâm để bán các thứ đồ như quần áo cũ, sách giáo khoa trẻ em, bánh tự làm, cá khô, các món đồ trạm khắc làm từ sừng tuần lộc. Một số người cũng bán những con vịt nhung vua King Eider đã chết. Người Inuit được săn loài vịt lớn này nhưng thường không mang bán để kiếm lời.
Hiện nay, người ngoài chỉ có thể bay đến Nuuk bằng loại máy bay cánh quạt cỡ nhỏ. Nhưng 4 năm nữa mọi thứ có thể sẽ thay đổi kinh ngạc.
Chính quyền Greenland đã quyết định làm 3 sân bay quốc tế lớn, đủ khả năng tiếp nhận những loại máy bay chở khách cỡ lớn. Và Trung Quốc đang tranh thầu các dự án này.
Đan Mạch và Mỹ chắc chắc sẽ gây áp lực để Trung Quốc không giành được những hợp đồng này, nhưng điều đó không ngăn được Trung Quốc vào Greenland.
Đang có sự khác nhau trong thái độ của người dân Greenland đối với Trung Quốc. Người gốc Đan Mạch lo ngại về sự hiện diện của Trung Quốc, nhưng người Inuit nghĩ đó là ý tưởng hay.
Chiến thuật của Trung Quốc khi tiếp cận những nước mà các công ty Trung Quốc đang hoạt động là đề xuất làm những cơ sở hạ tầng mà các nước đó đang rất cần, gồm sân bay, đường xá và nước sạch.
Sau khi đã thuộc địa hóa, các cường quốc phương Tây thường không giúp nhiều để xây dựng những công trình như vậy, nên chính phủ các nước hoặc vùng lãnh thổ đó cảm thấy rất biết ơn trước viện trợ của Trung Quốc.
Nhưng tất cả đều có giá của nó.
Trung Quốc tiếp cận tài nguyên thiên thiên của họ, như khoáng sản, kim loại, gỗ, nhiên liệu và nguồn thực phẩm. Nhưng những hoạt động này thường không tạo ra công ăn việc làm lâu dài cho người dân địa phương. Rất nhiều người Trung Quốc được đưa đến làm những việc này.
Lần lượt từng nước nhận ra rằng đầu tư của Trung Quốc giúp chính Trung Quốc nhiều hơn là giúp họ. Và ở một vài nơi, như Nam Phi, đã có những phàn nàn rằng việc Trung Quốc đầu tư vào đây khiến tình hình tham nhũng tồi tệ hơn.
Nhưng ở Nuuk, rất khó để thu hút người dân vào những quan ngại như vậy.
Điều người dân ở vùng lãnh thổ rộng lớn nhưng trống trải và nghèo khó này quan tâm là một khoản tiền lớn sắp được rót vào. Thủ tướng Kuupik Kleist đưa ra lập lận đơn giản nhất. “Bạn thấy đấy, chúng tôi cần điều đó”, ông nói.