Nói không với tiêu cực: Mình ngành Giáo dục không làm nổi

Nói không với tiêu cực: Mình ngành Giáo dục không làm nổi
TP - Hôm qua, 22/8, Bộ GD&ĐT đồng loạt tổ chức Hội thảo “Đổi mới thi đua, khen thưởng...” ở 3 miền. Làm thế nào để thi đua khen thưởng không bị biến thành “bệnh thành tích”? Câu hỏi này không dễ trả lời.
Nói không với tiêu cực: Mình ngành Giáo dục không làm nổi ảnh 1
Học sinh trường THPT Chợ Gạo, Tiền Giang. Ảnh: Lý Thành Tâm

Bộ GD-ĐT đồng loạt tổ chức hội thảo “Đổi mới thi đua và khen thưởng thực hiện thắng lợi cuộc vận động nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” ở 3 nơi: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Hội thảo xoay quanh các nội dung: Vì sao các thầy cô, nhà quản lý giáo dục ở cơ sở phải nói dối, làm dối?...

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Bộ GD-ĐT và lãnh đạo 64 Sở GD-ĐT trong cả nước. Riêng tại TPHCM, hội thảo do Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì.

Chỉ mong được “an toàn”

Ông Lê Văn Ngoan - Giám đốc Sở GD-ĐT Long An cho rằng thi đua trong ngành giáo dục hiện nay không xuất phát từ người hưởng ứng thi đua mà được áp đặt từ trên xuống.

Theo ông Ngoan, gian dối không phải là bản chất của ngành nhưng gian dối có điều kiện phát triển trong ngành giáo dục là vì ai cũng tìm cách  đạt chỉ tiêu để được “an toàn”.

Ông Ngoan cho rằng quy chế coi thi hiện nay cũng không ổn vì chúng ta không tin người coi thi và không tin học sinh (chuyển cán bộ coi thi từ tỉnh này sang tỉnh khác, bố trí giám thị 1, giám thị 2... để canh học sinh...).

Ông Ngoan đặt nghi ngờ với các kỳ thi học sinh giỏi vì kết quả của kỳ thi có liên quan đến việc tuyển thẳng vào đại học.

Ông Nguyễn Văn Bé, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bến Tre đề nghị bỏ các cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia vì  tiêu chuẩn đánh giá giáo viên dạy giỏi không thuyết phục. Không khéo số lượng  giáo viên dạy giỏi ngày càng tăng thì chất lượng giáo dục ngày càng giảm.

Ông Bé cũng đề nghị bỏ Hội khỏe Phù Đổng vì chỉ khổ cho cơ sở. Ông cũng đề nghị bỏ việc duyệt giáo án vì đây là 1 công việc cực kỳ hình thức.

Bà Nguyễn Thị Chim Lang, Giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa- Vũng Tàu thì cho rằng giáo án chỉ là định hướng, quan trọng là cách lên lớp. Bà Lang cho rằng giáo án phải cập nhật thường xuyên chứ không nên quy định cập nhật 5 năm 1 lần như hiện nay. Bà Lang cũng đề nghị bỏ việc quy định học nghề cộng điểm.

“Chữa bệnh” ra sao?

Ông Nguyễn Văn Hiến - Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận cho rằng căn nguyên của bệnh thành tích là “do chúng ta muốn nhiều quá nhưng điều kiện thì không cho phép nên đành phải uống một liều thuốc an thần”.

Ông nêu ví dụ: Chúng ta đề ra kế hoạch: Đến năm 2010 phải thực hiện phổ cập giáo dục THCS trong khi thực tế thì phải vài chục năm nữa mới thực hiện được. Đã đề ra thì phải làm. Mà làm thì phải nói dối.

Theo ông Hiến, chỉ vì chỉ tiêu phổ cập nên giáo viên cho học sinh lên lớp một cách vô tư, vì nếu không cho lên lớp thì sau này phải đánh xe đến năn nỉ học sinh đi học…

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng, qua báo chí và dư luận thời gian qua, căn bệnh chạy theo thành tích và tiêu cực trong thi cử đã lộ rõ. “Đã bắt được mạch rồi, vấn đề là chúng ta cần nghe ngành giáo dục các địa phương góp ý cách “kê đơn chữa bệnh” như thế nào”.

Có 6 gợi ý được BTC đưa ra, như: Các chỉ tiêu % HS giỏi, khá, trung bình... không nên áp đặt từ cấp trên mà phải trên cơ sở đề xuất của các trường, lớp; Phải xem xét đầy đủ các biện pháp  mà tập thể GV và HS cố gắng vượt qua những khó khăn đặc thù để đánh giá nỗ lực dạy và học; Bỏ tiêu chí % HS lưu ban và số HS ra lớp do cấp trên “áp” xuống; Không phải soạn giáo án lại đối với GV đã dạy 1 môn 3 năm trở lên; Khống chế tỷ lệ % GV đạt các danh hiệu thi đua; Chú ý đến tính đặc thù địa phương để đánh giá thi đua các trường ...

Ông Lê Văn Vĩnh – GĐ Sở GD-ĐT Quảng Ngãi thì cho rằng: “Chỉ một mình ngành giáo dục nói “không” với bệnh thành tích e rằng sẽ bị “cô lập”, nếu các ngành khác, kể cả chính quyền cũng mắc “bệnh” này”.

Ông đơn cử ở một huyện của Quảng Ngãi, Bí thư Huyện uỷ đã gọi 1 hiệu trưởng lên đòi kỷ luật vì tỷ lệ thi trường này thấp hơn trường huyện bạn!

Ông Vĩnh cũng khẳng định, dù nói “không” với bệnh chạy theo thành tích, cũng không thể không dựa vào một định lượng cụ thể bằng những chỉ tiêu, con số để đánh giá việc dạy và học.

MỚI - NÓNG
Hà Nội chuẩn bị đón thêm mưa lớn dịp cuối tuần
Hà Nội chuẩn bị đón thêm mưa lớn dịp cuối tuần
TPO - Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24h qua khu vực Miền Bắc, Thủ đô Hà Nội có diễn biến giảm mưa gián đoạn. Mưa lớn xuất hiện chủ yếu về đêm, trời mát mẻ với nhiệt độ thấp nhất từ 23-26 độ C. Dự báo khoảng từ 11/5 khu vực lại đón một đợt không khí lạnh yếu gây mưa diện rộng.