Nơi chính quyền đỏ mắt tìm dân

Trụ sở phường An Khánh đang đóng trên đất phường bạn
Trụ sở phường An Khánh đang đóng trên đất phường bạn
TP - Phường An Khánh, quận 2, TPHCM là phường thuộc diện “giải tỏa trắng” trong dự án Thủ Thiêm và ngay cả trụ sở UBND phường hiện cũng di dời và phải đóng trên địa bàn phường khác để duy trì hoạt động. 

Đỏ mắt tìm UBND phường

UBND phường An Khánh trước đây nằm không xa bến phà Thủ Thiêm và cũng gần chợ nên rất dễ tìm. Nay toàn bộ đất của phường đã được giải tỏa để xây dựng vùng trung tâm của đô thị mới Thủ Thiêm nên khi ghé tới đây, phóng viên không thể tìm ra trụ sở UBND phường. Những người dân còn buôn bán hoa quả và những người buôn phế liệu cũng không ai biết.

Khi gọi điện tới số điện thoại của UBND phường An Khánh theo danh bạ, chỉ nghe chuông đổ, không ai trả lời. Tổng đài điện thoại cho biết: “Số điện thoại này ngưng liên lạc từ lâu”. Tuy nhiên nhân viên tổng đài điện thoại hé lộ: “UBND phường An Khánh đăng ký địa chỉ cùng với địa chỉ của UBND phường Bình Khánh”.

Nơi chính quyền đỏ mắt tìm dân ảnh 1 Văn phòng vẫn nhận hồ sơ, giấy tờ người dân gửi về
 Chúng tôi liên lạc với UBND phường Bình Khánh thì được nhân viên văn phòng cho biết: “Rất nhiều người tới phường chúng tôi để tìm UBND phường An Khánh, chúng tôi xin giải thích đây là hai UBND phường khác nhau. Chúng tôi cũng chỉ dẫn cho mọi người tìm UBND phường An Khánh hiện ở gần ngôi chùa cuối con đường kia, chứ địa chỉ cụ thể thì chúng tôi cũng không rõ”. 

Theo sự chỉ dẫn, phóng viên đi vòng sau lưng ngôi chùa và cuối cùng tìm thấy UBND phường An Khánh nằm trong một khu chung cư tái định cư và quả thật là nơi này cũng chưa có tên đường. Chị nhân viên văn phòng UBND phường An Khánh giải thích: “Trụ sở chúng em chuyển chỗ mấy lần, nên địa chỉ có thay đổi. Đường dây điện thoại cũng bị hỏng mất rồi”.  

Một cán bộ UBND phường An Khánh phân trần: “Nhiều người chỉ biết người dân An Khánh trong diện giải tỏa trắng để xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm mà không biết ngay cả trụ sở UBND phường cũng bị giải tỏa luôn. Chúng tôi nhớ không lầm thì từ khi giải tỏa đến giờ, UBND phường cũng phải chuyển trụ sở  khoảng 5 lần. Chỗ nhà báo đang đứng đây là đất của phường khác. UBND phường chúng tôi đóng tạm trụ sở ở phường bạn để duy trì hoạt động”. 

Dân tứ tán nơi đâu?

Phường An Khánh được chọn làm nơi đặt trung tâm của khu đô thị mới Thủ Thiêm, quá trình giải tỏa dân cư diễn ra nhiều năm, nhiều thời kỳ. Do việc xây dựng khu tái định cư chậm, người dân lại được khuyến khích “nhận tiền đền bù rồi tự lo chỗ ở” nên giờ hộ khẩu người dân vẫn còn rất nhiều tại phường An Khánh, nhưng không ai rõ dân An Khánh đang ở đâu và đang làm gì. 

Ông Nguyễn Ngọc Miên Thụy, Phó chủ tịch UBND phường An Khánh, nói: “Dân chúng tôi hiện ở tứ tán khắp nơi, tại TPHCM cũng có mà ở Đồng Nai, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương cũng có… Sau quá trình giải tỏa, hiện trên địa bàn phường chỉ còn lại hơn 10 hộ thôi. Tuyệt đại đa số dân nhận tiền đền bù xong tự tìm đất, tìm nơi sinh sống.

Tuy vậy, theo thông tin tôi nắm được thì hàng ngàn hộ dân tuy đã giải tỏa khỏi phường nhưng vẫn giữ nguyên hộ khẩu phường An Khánh. Nguyên do tâm lý người dân muốn giữ hộ khẩu TPHCM vì chính sách của thành phố cũng nhiều ưu đãi hơn các tỉnh. Nhiều người cũng hy vọng sau này trở về được An Khánh”. 

Phường An Khánh đã giải tỏa, di dời 99,99% dân cư của mình khỏi địa bàn để xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm. Khoảng 15.000 hồ sơ nhà đất đã được giải quyết xong và hiện chỉ còn 32 hồ sơ tồn đọng. 

Tuy vậy, bộ máy chính quyền gồm Đảng ủy, UBND phường, mặt trận, đoàn thể phường An Khánh… vẫn được giữ nguyên. Tổng cộng còn lại 18 người, trong đó có một bí thư Đảng ủy, hai phó bí thư...  Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm 2019, thu ngân sách của phường là hơn 2,42 tỷ đồng (chủ yếu là tiền ngân sách để chi trả lương) và chi ước đạt 2,23 tỷ đồng.

Địa bàn chỉ còn hơn 10 hộ dân song mọi chủ trương, hoạt động mà thành phố triển khai cho các phường đều được chuyển về UBND phường An Khánh thực hiện như mọi phường khác. Thậm chí “áp lực công việc còn hơn nhiều phường khác vì liên quan đến hàng vạn hồ sơ đền bù giải tỏa tại Thủ Thiêm. Hai giờ sáng dân còn gọi điện cho lãnh đạo phường, không kịp nghe máy thì họ nhắn tin hỏi tại sao không nghe máy” - một cán bộ phường tâm sự. 

Lo chế độ chính sách

Người dân đi tứ tán, trụ sở chính quyền cũng phải đóng tạm trên địa bàn phường khác, vậy chính quyền sẽ thực hiện công tác chính sách ra sao? Cán bộ phường nói: “Hiện giờ lương hưu đã trả qua tài khoản rồi. Năm 2019, chúng tôi vẫn thực hiện trợ cấp 1 lần cho người có công nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, trợ cấp dụng cụ cho thương binh, trao 82 phần quà Tết cho diện chính sách…”. Phường liên hệ tìm địa chỉ các đối tượng chính sách để mời đến nhận hoặc gửi quà qua đường bưu điện. “Chủ tịch nước có tặng 7 phần quà cho gia đình chính sách, chúng tôi đều liên hệ và gửi đến tận nơi” - lãnh đạo phường nói.

Năm 2019, phường đã xác nhận 122 hồ sơ vay vốn dù tất cả các trường hợp này đều đang sinh sống ở nhiều địa bàn khác nhau. 12 trường hợp được chi khuyến khích hỏa táng với số tiền 18 triệu đồng. 

Cán bộ phường cho biết: “Vào đầu năm học, các bậc phụ huynh lại tìm về hỏi: Tại sao con chúng tôi đến tuổi nhập học mà không thấy ai mời đi học? UBND phường giải thích là giờ phường giải tỏa không còn trường học nào, nhưng phường sẽ giúp để các gia đình liên hệ địa phương mà anh chị mới chuyển tới tạo điều kiện cho con em An Khánh đi học đúng quyền lợi”. 

Năm 2019, phường cũng đã tiếp nhận phát thẻ bảo hiểm y tế cho 25 trẻ dưới 6 tuổi, bán thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện cho 319 trường hợp, khai sinh 33 trường hợp và khai tử 20 trường hợp, xác định tình trạng hôn nhân cho 136 trường hợp, chứng thực sao y chữ ký 440 trường hợp.  

Do địa bàn giải tỏa trắng nên trong năm 2019 không có vụ phạm pháp hình sự nào xảy ra, song 9 tháng đầu năm cũng xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông và 4 vụ cháy cỏ, 1 vụ cướp tài sản xe máy, 1 vụ cướp điện thoại. Lực lượng tuần tra vẫn hoạt động tại các chốt ở cầu Thủ Thiêm, đường Lương Đình Của…, đa số là các đoạn đường vắng vẻ, không người sinh sống. 

Tìm dấu tích cũ

Theo quy hoạch, trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm phần lớn đặt ở phường An Khánh, ngay dưới chân cầu Thủ Thiêm, nhưng hiện nơi đây vẫn còn um tùm cỏ dại. Chỉ mới một vài dự án chung cư được xây dựng, nhưng rất ít người ở. 

Một người bán hàng vặt kể: “Chúng tôi nhận tiền đền bù nhưng không đủ để mua nhà nên đang thuê ở gần cảng Cát Lái”. Một người dân khác vẫn ngày ngày đi bộ dọc bờ sông, trầm ngâm ngắm lại quê cũ làng xưa nay chẳng có bóng người. Ông nói: “Tôi nhận tiền đủ để mua nhà ở quận Bình Thạnh, nhưng vẫn thích đi bộ qua làng cũ ngắm xem phong cảnh ra sao”. 

Mấy năm trước, tuy dân dọn đi cả, nhưng vẫn còn đình An Khánh. Người dân mùa xuân vẫn tụ về đình mà thăm hỏi nhau, làm lễ thờ Thành hoàng An Khánh, nghi lễ rất tôn nghiêm. Nay hỏi ra thì “đình cũng chẳng còn, đã giải tỏa rồi”. 

Tuy vậy, người đi mà tấm lòng vẫn còn hướng về đất cũ. Theo lãnh đạo phường, trong số 15.000 hồ sơ đất đai giải tỏa khỏi phường, “số hộ cắt hộ khẩu khỏi phường An Khánh không nhiều”. 20/10/2019.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.