Họ cho rằng việc phát tán những hình ảnh của Thẩm Thúy Hằng, trong đó lộ khuôn mặt chịu tác động của phẫu thuật thẩm mỹ, là việc làm tàn nhẫn đối với nghệ sỹ được xếp vào hàng “Tứ đại mỹ nhân” của làng văn nghệ Việt Nam trước 1975.
Khi còn sống, “Người đẹp Bình Dương” thấm thía hơn ai hết nỗi đau nhan sắc lụi tàn. Có lẽ, đó cũng là nguyên nhân chính khiến bà xa lánh đời, xa lánh người. Những đồng nghiệp thân với bà như “kì nữ” NSND Kim Cương, cũng là một trong “Tứ đại mỹ nhân” thời ấy, còn ít có cơ hội gặp gỡ Thẩm Thúy Hằng trong buổi hoàng hôn cuộc đời.
Nhưng NSND Kim Cương chưa bao giờ buông lời trách “Người đẹp Bình Dương”, đã có lần bà phải lên tiếng bào chữa cho đồng nghiệp thân thiết: “Mọi người nói mặt chị ấy bị chảy nước nhưng không có chuyện đó. Dư luận quái gở và ác lắm”.
Làng văn nghệ thời gian này nhận nhiều tin buồn, không ít văn nghệ sỹ tài năng, tên tuổi ra đi. Làng hội họa mới đây có cuộc tiễn đưa họa sỹ Trịnh Tú. Những ai quen, thân Trịnh Tú đều biết anh mang bệnh một thời gian không ngắn trước khi ra đi. Họa sỹ Lê Thiết Cương trong lúc chia sẻ những kỷ niệm với Trịnh Tú đã nhớ tới chuyện buồn: “Khi anh Tú đã mệt nặng, một vài người đến thăm còn chụp ảnh và đưa lên trang cá nhân. Tôi thấy ghê sợ việc làm ấy”. Nếu lục tìm trên không gian mạng có thể thấy không ít những tấm hình thương tâm về những nghệ sỹ khác khi sức tàn lực kiệt.
Nhà văn Lê Lựu trong những ngày tháng đau ốm hắt hiu thỉnh thoảng có bạn văn nghệ ghé thăm và tặng quà. Họ không quên chụp cùng ông bức ảnh, song lại không giữ cho riêng mình mà chia sẻ công khai trên Facebook khiến bao người xót xa. Nghệ sỹ dành cả đời phụng sự cái đẹp. Họ không muốn nhìn thấy lá úa trên chính cuộc đời mình. Họ tránh đời, tránh người, chẳng qua để tránh cho mình thêm một lần đau.