Nỗi ám ảnh mang tên 'ngáo đá': Khó xác định tình trạng nghiện để đưa đi cai

Rất nhiều học viên tìm thấy niềm vui, có thêm động lực để cai nghiện từ gia đình Ảnh: Văn Minh
Rất nhiều học viên tìm thấy niềm vui, có thêm động lực để cai nghiện từ gia đình Ảnh: Văn Minh
TP - Ông Trần Ngọc Du, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM cho biết, hiện nay quy trình để đưa người nghiện vào các chương trình cai nghiện khá chặt chẽ nhưng lại khó khăn khi xác định tình trạng nghiện để đưa họ đi cai.

Chặt chẽ bởi tòa án mới có quyền quyết định

Ông Du cho biết, đối với người nghiện có nơi cư trú, thì trước tiên họ phải được đưa vào các chương trình cai nghiện tại cộng đồng. Sau khi người nghiện đã qua thời gian giáo dục tại xã phường và cai nghiện tại gia đình, cộng đồng mà vẫn tái nghiện thì mới đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Riêng đối với người nghiện không có nơi cư trú ổn định sẽ tạm thời đưa vào các cơ sở xã hội ở địa phương, sau đó, nếu xác định tình trạng nghiện, Tòa án quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

“Thực tế nhiều trường hợp trong thời gian chờ xác định tình trạng nghiện, người nghiện ở bên ngoài cộng đồng đã gây ra những hậu quả đáng tiếc”, ông Du nói.

Về vấn đề này, ông Lê Đức Hiền, Cục phó Cục Phòng, chống tệ nạn xã (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) thừa nhận, hiện nay vẫn còn gặp khó khăn trong việc xác định tình trạng nghiện để đưa người nghiện đi cai.

Theo quy định chỉ cho phép lưu giữ người nghi nghiện ma túy trong vòng 24 tiếng. Trong khi thực tế, muốn xác định chắc chắn một người nghiện ma túy phải mất nhiều thời gian, có khi cả tuần, cả tháng. Thậm chí có loại ma túy phải mất cả năm trời mới xác định được.

Chất gây nghiện tăng đột biến

Ông Lê Đức Hiền, Cục phó Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, nếu như trước đây chỉ có vài loại chất gây nghiện, thì vài năm trở lại đây đã bùng phát hơn 500 loại chất gây nghiện mới.

“Đây chính là điều đáng lo ngại bởi việc xuất hiện quá nhiều chất gây nghiện mới khiến công tác phát hiện, điều trị không dễ”, ông Hiền lo lắng.

Ông Lê Đức Hiền chia sẻ thêm vấn đề cai nghiện thành công, theo quan điểm của thế giới, cai nghiện thành công không phải là thống kê số người và số lần tái sử dụng ma túy mà là vấn đề phục hồi sức khỏe, ý thức, tinh thần tốt hơn,... Ngoài ra, hiện nay công tác cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng gặp nhiều trở ngại.

Nguyên nhân là do người nghiện, gia đình người nghiện ma túy không tự khai báo, không đăng ký cai nghiện hoặc không hợp tác với cơ quan chức năng trong việc lập hồ sơ cai nghiện…Quản lý sau cai tại nơi cư trú cũng gặp nhiều khó khăn, không quản lý được…

Theo ông Hiền, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải đổi mới toàn diện công tác cai nghiện theo hướng thân thiện, tích cực với người nghiện ma túy; nghiên cứu, xây dựng các mô hình mới trong công tác cai nghiện ma túy, giảm số người điều trị tại các cơ sở cai nghiện, tăng số người được điều trị tại cộng đồng để từng bước giảm tỷ lệ tái sử dụng ma túy.

Nỗi ám ảnh mang tên 'ngáo đá': Khó xác định tình trạng nghiện để đưa đi cai ảnh 1 Thạc sỹ tâm lý Lê Minh Huân Ảnh: NVCC

Đừng kỳ thị người nghiện

Thạc sỹ tâm lý Lê Minh Huân, giảng viên Khoa Tâm lý học, trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng, bản thân người nghiện ma túy gặp không ít khó khăn khi sinh hoạt trong gia đình và tiếp xúc xã hội.

Theo vị chuyên gia tâm lý, để cải thiện khả năng giao tiếp xã hội cũng như giúp đẩy nhanh quá trình cai nghiện cần chú ý công tác hỗ trợ, tham vấn và can thiệp tâm lý cho người nghiện nhằm giảm thiểu các khó khăn về tinh thần, về việc tự hủy hoại bản thân, tự kì thị.

“Thông thường họ cố gắng lảng tránh, xa lánh. Để giúp đỡ họ, chúng ta không nên kỳ thị và phân biệt đối xử”, thạc sỹ Huân nói.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phối hợp với gia đình, các tổ chức xã hội để việc giám sát chặt chẽ, khoa học trong việc hỗ trợ việc làm, ổn định sức khỏe giúp người cai nghiện có cơ hội tham gia các hoạt động xã hội và các hoạt động liên quan tới giá trị tinh thần.

Cần sửa đổi, bổ sung luật

Nói về sự chồng chéo nhau giữa các luật hiện hành, luật sư Nguyễn Thị Thiên Thanh (Công ty luật DC Counsel, Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, Luật Phòng, Chống ma túy có quy định người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào chất này, tức là sau 24 tiếng sẽ xuất hiện hội chứng sau cai.
Trên thực tế, khó khăn đầu tiên là công tác xác định người nghiện ma túy. Và Luật Xử lý vi phạm hành chính lại không quy định được tạm giữ hành chính với đối tượng liên quan đến ma túy…

Ông Trần Ngọc Du, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng, Chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động thương binh và xã hội TPHCM) cho biết, thành phố sẽ có kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính có liên quan đến lĩnh vực cai nghiện ma túy.

Việt Nam có phác đồ điều trị “ngáo đá”

Về phác đồ điều trị, cai nghiện ma túy tổng hợp, ông Lê Đức Hiền, Cục phó Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết, ngày 1/3 vừa qua, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 786/QĐ-BTY “Hướng dẫn can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine”, các ngành sẽ phối hợp tập huấn, triển khai cho cán bộ làm công tác cai nghiện.

Phác đồ điều trị này khác với cai nghiện ma túy truyền thống có sự hỗ trợ của thuốc cắt cơn, cai nghiện ma túy tổng hợp không có thuốc hỗ trợ, hoàn toàn dựa vào các biện pháp hỗ trợ tâm lý cho người bệnh…

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.