Chuột quấy rầy cả binh lính Nga và Ukraine trên chiến trường. (Ảnh: Getty) |
Kira, một nữ quân nhân Ukraine, nhớ lại thời gian mà đơn vị của cô bị chuột tấn công khi chiến đấu ở vùng Zaporizhzhia mùa thu năm ngoái.
“Cứ tưởng tượng lúc đi ngủ, khi bóng tối buông xuống cũng là lúc chuột bò vào quần áo, gặm ngón chân và ngón tay. Chúng tôi chỉ ngủ được 2 - 3 tiếng, tùy vào vận may”, Kira nói với CNN.
Cô ước tính có khoảng 1.000 con chuột trong hầm của 4 người lính. “Không phải chuột đến thăm chúng tôi, mà chúng tôi là khách của chúng”, Kira kể.
Khi đó là thời gian giao mùa, mùa giao phối của chuột và cũng là giai đoạn tĩnh lặng trên chiến trường, sau khi chiến dịch phản công của Ukraine gần như không có tác dụng vì vấp phải lớp lớp phòng thủ của lực lượng Nga. Khi một mùa đông khắc nghiệt nữa lại đến, chuột tiếp tục phá phách khắp chiến trường dài 1.000km, lây lan bệnh tật khi chúng đi tìm thức ăn và chỗ ấm.
Kira cho biết, cô tìm mọi cách để đuổi chuột, như dùng thuốc độc, vẩy nước tiểu, nhưng chuột cứ đến ào ào.
“Chúng tôi có một con mèo tên là Busia. Ban đầu nó cũng có ích, chịu khó ăn chuột. Nhưng quá nhiều chuột nên nó cũng không buồn bắt nữa. Mỗi con mèo chỉ bắt 1-2 con chuột mỗi ngày, nhưng có đến 70 con thì đó là nhiệm vụ không khả thi với nó”, cô nói.
Các video được binh lính Nga và Ukraine chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy chuột hoành hành kinh khủng như thế nào.
Chuột bò lổm ngổm dưới gầm giường, trong ba lô, máy phát điện, túi áo khoác và vỏ gối. Một bức ảnh cho thấy lũ chuột lao ra từ tháp súng cối của Nga như những viên đạn từ súng máy Browning.
Trong một cảnh khác, con mèo đang vờn chuột trên chiếc ghế bành, trước khi một người lính chạm vào đầu ghế và hàng chục con chuột khác lao ra. Bị áp đảo, chú mèo lùi lại và từ bỏ.
Binh lính Ukraine dùng nhiều cách để đối phó với chuột nhưng không thể đối phó xuể. (Ảnh: Getty) |
Tháng 12 vừa qua, cơ quan tình báo Ukraine báo cáo một đợt bùng phát dịch “sốt chuột” trong nhiều đơn vị của Nga ở khu vực xung quanh thị trấn Kupiansk, vùng Kharkiv. Báo cáo nói rằng dịch bệnh này lây từ chuột sang người, thông qua con đường “hít phải bụi phân chuột hoặc ăn phải đồ ăn có phân chuột rơi vào”.
Theo quân đội Ukraine, các triệu chứng của bệnh này gồm sốt, phát ban, hạ huyết áp, xuất huyết, nôn, đau lưng và khó tiểu.
Tình báo quân sự Ukraine đánh giá rằng dịch “sốt chuột” giảm đáng kể năng lực chiến đấu của binh lính Nga, nhưng không cho biết binh lính Ukraine có gặp vấn đề tương tự hay không.
Giới chức Ukraine không nêu tình hình cụ thể, nhưng con người có thể mắc rất nhiều loại bệnh khi sống cùng chuột, như tularemia (sốt thỏ), leptospirosis (xoắn khuẩn vàng da), và bệnh do virus hanta.
Tình trạng đó tương tự những gì binh lính trong Thế chiến II trải qua, khi chiến trường đầy chất thải và xác chết hôi thối tạo điều kiện cho chuột sinh sản nhanh chóng. Chuột hoạt động mạnh về đêm khi binh lính nghỉ ngơi, gây ra tình trạng căng thẳng nghiêm trọng.
Robert Graves, một nhà thơ người Anh từng chiến đấu trong chiến hào, kể lại trong hồi ký của mình rằng lũ chuột “xông lên từ dưới kênh, ăn xác chết và sinh sôi nảy nở rất nhiều”. Khi một sĩ quan mới đến, vào đêm đầu tiên, anh ta “nghe thấy tiếng động, lấy đèn pin soi lên giường thì thấy 2 con chuột trên chăn đang tranh giành nhau một bàn tay người”.
Binh lính Đức trong Thế chiến I tiêu khiển bằng cách bắt chuột. (Ảnh: Getty) |
Trong Thế chiến I, số lượng chuột tăng mạnh khi chiến trường trì trệ, nên có lo ngại rằng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hiện nay cũng gặp phải tình trạng tương tự.
Ihor Zahorodniuk, một nhà nghiên cứu tại Viện Lịch sử quốc gia Ukraine, giải thích rằng chuột sinh sôi mạnh chúng sinh sản vào mùa thu, một phần vì tác động của chiến tranh.
“Ở nhiều nơi, cây trồng gieo từ mùa thu năm 2021 không được thu hoạch trong năm 2022, nên có rất nhiều thức ăn trên cánh đồng. Chuột sống nhờ thức ăn đó và sống sót qua mùa đông. Chiến tranh cũng xua những loài thiên địch của chuột, khiến chuột càng sinh sôi mạnh”, ông giải thích.
Không chỉ gây căng thẳng và bệnh tật cho binh lính, chuột còn phá hoại cả thiết bị quân sự. Kira kể rằng chuột chui qua các hộp kim loại và nhai nát dây điện, khiến hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn.
“Chuột nhai mọi thứ: radio, bộ lặp tín hiệu, dây điện. Chuột chui vào ô tô và nhai dây điện nên ô tô không thể chạy được, chúng còn gặm cả bình xăng và bánh xe”, cô kể.