> Cao nguyên Đồng Văn - nét đẹp hoang dại
> Triển lãm Đá quý, mỹ nghệ, đá cảnh Việt Nam
Du lịch địa chất đang có cơ hội phát triển. Ảnh: Việt Hưng. |
TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, cho biết Việt Nam có rất nhiều tiềm năng xây dựng công viên địa chất. Có khoảng 15 khu vực tại miền Bắc có thể xây dựng công viên địa chất. Ước tính miền Nam cũng có khoảng 15 - 20 khu vực như vậy.
“Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi về địa chất với những đặc điểm vô cùng độc đáo. Đây là nơi giao nhau của đai kiến tạo thế giới gồm Thái Bình Dương và Địa Trung Hải, gặp nhau ở đồng bằng sông Hồng, với quá trình phát triển địa chất lâu dài. Các nhà địa chất đã tìm ra tại Việt Nam các loại đá cổ có tuổi 2,6 tỷ năm” - Ông Văn cho biết.
Trong 15 công viên địa chất tiềm năng ở phía Bắc, có thể kể đến Vịnh Hạ Long, quần đảo Cát Bà, vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn, Sa Pa, khu Lục Yên, Yên Bái, cao nguyên đá Đồng Văn, Tràng An, rừng Cúc Phương, Hòa Bình…
Hạ Long và Cát Bà là hai khu vực mới nhất được lựa chọn để trình lên Ủy ban Văn hóa Khoa học & Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) xem xét, công nhận là công viên địa chất toàn cầu vào cuối năm nay. UBND tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng đang gấp rút duyệt hồ sơ để xúc tiến xây dựng công viên địa chất tại địa phương. “Nếu mọi việc tốt đẹp, cuối năm 2012 ta có thể có thêm 1 - 2 công viên địa chất toàn cầu nữa” - TS Tân cho biết.
Riêng tại Hà Nội, Viện đang thúc đẩy xây dựng công viên địa chất ở Ba Vì. Các nhà địa chất đánh giá đây là nơi duy nhất còn sót lại ở Hà Nội có thể tổ chức hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, giáo dục, nghỉ dưỡng với quy mô đáng kể. Cùng với Hạ Long, Cát Bà, Ba Vì sẽ nằm trong danh sách trình lên UNESCO hồ sơ công viên địa chất toàn cầu vào năm 2012.
Du lịch địa chất gặp thời
Ngay khi cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là công viên địa chất toàn cầu cuối năm ngoái, hàng loạt tua du lịch địa chất được tung ra. Mới đây nhất, các hội viên Hội Đá quý Việt Nam và hội viên các hội thuộc Tổng Hội địa chất Việt Nam được mời tham gia một tua du lịch địa chất .
Đây chỉ là một trong nhiều tua du lịch địa chất được tiếp thị đến tận tay cán bộ địa chất và du khách. Theo ông Patrick Mc Keever, đồng chủ tịch Mạng lưới Công viên địa chất châu Âu (EGN), việc trở thành công viên địa chất sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt tạo công ăn việc làm cho địa phương thông qua phát triển du lịch.
Tuy nhiên, phát triển du lịch cũng là một trong những thách thức lớn trong việc bảo tồn. Theo quy định, cứ sau 4 năm người ta sẽ tiến hành xem xét và đánh giá lại một lần. Nếu bảo tồn không tốt, công viên địa chất có thể bị tước danh hiệu.
Góp ý cho cao nguyên đá Đồng Văn không rơi vào cảnh bị “tước danh hiệu”, bà Katherin Muller Marin - Trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Hà Nội, cho rằng, nên để địa phương tự quyết định cách thức bảo tồn và chia sẻ nền văn hóa, ca múa, âm nhạc, sản phẩm, thực phẩm và phong tục, tập quán cũng như cách thức củng cố bản sắc văn hóa của họ. “Chúng ta không nên biến họ thành một đối tượng chỉ để du khách nhìn ngắm. Cần tạo điều kiện để họ tiếp tục cảm nhận rằng họ thuộc về vùng đất đã trở thành quê hương của bao thế hệ dân tộc họ, và tiếp tục sử dụng những phong tục, tập quán và kiến thức của họ để quản lý di sản” - Bà Katherin nhấn mạnh. |