Nổ mìn phá đá gây họa tứ bề

Cận cảnh một góc núi Trại Sơn ở huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng Ảnh: Nguyễn Hoàn
Cận cảnh một góc núi Trại Sơn ở huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng Ảnh: Nguyễn Hoàn
TP - Nhiều năm qua, người dân tại xã An Sơn (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) luôn bất an, lo lắng vì Cty TNHH Kiên Ngọc (Cty Kiên Ngọc) hằng ngày nổ mìn khai thác đá khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động khai thác đá còn có nguy cơ xâm hại cụm di tích lịch sử Trại Sơn.

Bất an, lo lắng vì ô nhiễm

Ông Mạc Văn Khảng (ở thôn 12) cho biết, sau một thời gian dài dừng hoạt động đến giữa năm 2020 Cty TNHH Kiên Ngọc (Cty Kiên Ngọc) nổ mìn khai thác đá trở lại trên núi Trại Sơn khiến người dân các thôn 9, 10, 11, 12 xã An Sơn (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) sống trong lo lắng, bất an.

Theo ông Khảng, khoảng 11h hoặc 16h hằng ngày, người dân địa phương đều chứng kiến một tiếng nổ lớn phát ra từ dãy núi Trại Sơn. Sau tiếng nổ, bão bụi khổng lồ từ trong núi bay ra, bủa vây xóm làng. Bão bụi lơ lửng trên không trung rồi tràn xuống hàng nghìn hộ dân ven núi. Nhiều giờ sau đó, những hạt bụi li ti mới lắng xuống. Trên các tuyến đường liên thôn, hàng trăm xe tải chở đá hoạt động ngày đêm cũng gây ra bão khói, mưa bụi.

“Bụi lơ lửng trên không  phủ dày trên lá cây hoặc bất cứ vật gì dưới đất. Ngày ngày lặp đi lặp lại ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường không khí và chất lượng cuộc sống của bà con. Trong làng, đa số các hộ phải lắp rèm, bịt kín cửa nhà phòng chống bụi và đeo khẩu trang mỗi khi ra đường. Ngoài ra, máy nghiền đá gần khu dân cư cũng gây tiếng ồn lớn khiến cuộc sống của bà con bị đảo lộn”, ông Mạc Văn Khảng nói.

Cũng theo ông Khảng, trước đó vào năm 2014 khi Cty Kiên Ngọc khai thác đá, lo sợ ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống nên người dân xã An Sơn nhiều lần kiến nghị tới UBND thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… đề nghị dừng hoạt động khai thác đá. Tuy nhiên, sau một thời gian không hoạt động, từ tháng 4/2020, Cty Kiên Ngọc tiếp tục nổ mìn khai thác đá khiến bà con bức xúc.

Nguy cơ xâm hại các di tích lịch sử

Không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, việc nổ mìn khai thác đá tại núi Trại Sơn (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) còn tiềm ẩn nguy cơ xâm hại tới các di tích lịch sử. Ông Mạc Vương Quý (ở thôn 12) cho biết, hiện khu vực khai thác đá đến sát 3 ngôi mộ cổ của dòng họ Mạc. Ba ngôi mộ cổ này có niên đại hàng trăm năm, ngự trên đỉnh núi, hiện không còn lối lên, nguy cơ bị xâm hại hiện hữu. Trong đó, một ngôi mộ cổ chỉ cách khu vực đang khai thác khoảng vài mét. Ngoài ra, trên dãy núi này còn có cụm di tích lịch sử gồm: hang Huyện ủy, hang Đốc Tít, hang Công an..., cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng.

“Đại diện đơn vị khai thác từng gặp gỡ con cháu dòng họ Mạc để đề nghị di dời mộ cổ. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý và cho rằng, nếu di dời các ngôi mộ cổ, đơn vị này tiếp tục mở rộng khai thác đá. Khi đó dãy núi bị san phẳng, cụm di tích lịch sử Trại Sơn sẽ bị xâm hại”, ông Mạc Vương Quý nói.

Ông Vũ Văn Triển (62 tuổi, ở thôn 9), trưởng làng văn hóa Trại Sơn cho biết, từ khi mỏ đá hoạt động trở lại, tường một số nhà dân bị rạn nứt. Ngoài ra, ngôi chùa Kim Liên có từ thời Mạc nằm dưới chân núi Trại Sơn cũng bị ảnh hưởng. Ông Triển cho biết, sau khi phát hiện tình trạng này, ông cùng nhiều người dân đã phản ánh tới chính quyền địa phương.

Trao đổi với Tiền Phong về những phản ánh trên, đại diện UBND huyện Thủy Nguyên cho biết, Cty Kiên Ngọc được cấp phép khai thác đá vôi tại khu B, núi Trại Sơn từ năm 2013. Thời hạn khai thác trong 12 năm 7 tháng. Do kinh tế khó khăn, có một thời gian Cty Kiên Ngọc dừng khai thác. Đến tháng 4/2020, đơn vị này khai thác trở lại. Khu vực khai thác có diện tích hơn 10ha, nằm ngoài vùng bảo vệ cụm di tích lịch sử Trại Sơn.

Về phản ánh tình trạng bão bụi, ảnh hưởng tới môi trường, đại diện UBND huyện Thủy Nguyên cho biết, khu vực dân cư nằm ngoài hành lang khai thác (200m). Địa phương đã yêu cầu liên ngành phối hợp với đơn vị khai thác khảo sát, họp với nhân dân để lên phương án khắc phục, xử lý tránh ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Về phản ánh các ngôi mộ cổ dòng họ Mạc có nguy cơ bị xâm hại, UBND huyện yêu cầu Cty Kiên Ngọc, phòng chuyên môn khảo sát lên phương án.

Từng bị dừng hoạt động 

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, sau khi người dân xã An Sơn (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) phản ánh tình trạng nổ mìn khai thác đá ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân năm 2014, đến tháng 7/2015, ông Đỗ Trung Thoại - Phó chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Cty Kiên Ngọc dừng mọi hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại dãy núi Tây Nam, khu B núi Trại Sơn; Chỉ khai thác khi đã đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định. Giao UBND huyện Thủy Nguyên phối hợp với Sở TN&MT, Sở Công thương kiểm tra, xử lý vi phạm. Đồng thời kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác của Cty Kiên Ngọc định kỳ 3 tháng/1 lần.

Trong khi đó, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Hải Phòng cho hay, ngày 11/5/2005, cụm di tích Trại Sơn gồm: hang Đốc Tít, hang Huyện Ủy, hang Công An, động Cửa Vua, dấu tích chùa Kim Liên được UBND thành phố xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố. 

MỚI - NÓNG