Nỗ lực tìm thuốc uống thay thế vắc-xin COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Thuốc molnupiravir đang được hãng Merck thử nghiệm Ảnh: Reuters
Thuốc molnupiravir đang được hãng Merck thử nghiệm Ảnh: Reuters
TP - Chương trình tiêm chủng vắc-xin COVID-19 đang được triển khai ở nhiều quốc gia, nhưng không phải người dân nào cũng tiêm và không phải tất cả những người đã tiêm đều có khả năng miễn dịch đầy đủ. Đó là lý do các hãng dược muốn nghiên cứu một loại thuốc uống dễ bảo quản, vận chuyển và sử dụng.

Hai hãng dược Merck và Ridgeback đang hợp tác nghiên cứu loại thuốc uống hai lần mỗi ngày mang tên molnupiravir. Kết quả nghiên cứu giai đoạn hai cho thấy khi bắt đầu tham gia thử nghiệm, vài chục tình nguyện viên có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, nhưng dùng thuốc đến ngày thứ năm đã không ai còn virus, trong khi 1/4 số người trong nhóm dùng giả dược vẫn còn virus, JiJi đưa tin.

Kết quả này rất hứa hẹn nhưng quy mô vẫn quá nhỏ để kết luận. Vì thế, Merck đang tuyển người tham gia thử nghiệm quy mô lớn với 1.850 tình nguyện viện, và kết quả dự kiến sẽ có trong mùa thu năm nay.

“Các loại virus về cơ bản là những cỗ máy nhỏ và chúng cần một số thành phần nhất định để tự tái tạo”, Daria Hazuda, nhà khoa học trưởng Merck, phân tích. Các thuốc kháng virus được thiết kế để can thiệp vào quá trình đó.

Molnupiravir thuộc nhóm thuốc kháng virus mang tên “chất ức chế polymerase”, hoạt động bằng cách tấn công vào một loại enzym mà các virus dùng để sao chép vật liệu di truyền, rồi đưa vào đó các đột biến khiến virus không thể tái tạo. Vì kháng thể tấn công vào protein bề mặt của virus corona liên tục tiến hóa, nên thuốc kháng virus được trông đợi sẽ chống lại được nhiều biến thể hơn.

Đến nay mới có thuốc kháng virus remdesivir của hãng Gilead Sciences được Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cấp phép để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Remdesivir cũng chứa chất ức chế polymerase, dù cách thức hoạt động cụ thể của từng thuốc khác nhau. Remdesivir có điểm bất lợi là nó được tạo ra dưới dạng thuốc tiêm tĩnh mạch và dùng cho các bệnh nhân COVID-19 đã phải nhập viện nhằm giảm thời gian điều trị.

Nhưng đến thời điểm bệnh nhân COVID-19 trở nặng, tác hại với sức khỏe của bệnh nhân phần lớn do hệ miễn dịch hoạt động quá mức, gây tổn hại các cơ quan nội tạng, chứ không phải do virus nhân bản. Đó là lý do các hãng dược như Merck tập trung tìm ra loại thuốc uống có thể dùng trong những ngày đầu mới mắc bệnh.

Với mục tiêu tìm ra loại thuốc giúp người mới mắc COVID-19 không rơi vào tình trạng nặng và cần nhập viện, hai hãng Roche và Atea cũng đang nghiên cứu loại thuốc uống ức chế polymerase AT-527 trên 1.400 bệnh nhân. Pfizer, hãng đã phát triển một trong những loại vắc-xin COVID-19 hiệu quả nhất hiện nay, cũng đang gây chú ý với loại thuốc chống COVID-19 qua đường uống mang tên PF-07321332. Thuốc này đang được thử nghiệm giai đoạn đầu trên những bệnh nhân khỏe mạnh. Đại diện Pfizer cho biết sẽ đề nghị chính quyền Mỹ cấp phép cho sử dụng khẩn cấp loại thuốc này vào cuối năm nay, Reuters đưa tin.

MỚI - NÓNG