Nigerian Breweries, công ty được Heineken sở hữu phần lớn cổ phần, đã đưa ra kế hoạch đình chỉ hoạt động của hai trong số chín nhà máy của họ.
Chủ sở hữu thương hiệu Star đã lỗ 106 tỷ NGN (~ 93 triệu USD) trong năm 2023, và chuẩn bị sẵn những động thái để cắt giảm chi phí và củng cố bảng cân đối kế toán của công ty.
Trong hồ sơ gửi tới sàn giao dịch chứng khoán, công ty đại chúng Nigerian Breweries đã không nêu tên của hai cơ sở sản xuất sẽ chịu quyết định “đình chỉ sản lượng tạm thời”. Trang Just Drinks đã liên hệ với Heineken để có thêm bình luận. Tuy nhiên, Nigerian Breweries cho biết công ty đã mời các công đoàn để thảo luận về những kế hoạch đó.
“Chúng tôi nhận ra và lấy làm tiếc về tác động bởi quyết định tạm dừng sản xuất tại hai địa điểm bị ảnh hưởng, có thể gây ra đối với nhân viên của chúng tôi,” Hans Essaadi, Giám đốc điều hành của Nigerian Breweries, cho biết.
“Chúng tôi đã cam kết hạn chế tối đa mức độ ảnh hưởng đối với mọi người, đồng thời cung cấp các gói hỗ trợ và trợ cấp mạnh mẽ tới toàn bộ những người bị ảnh hưởng.”
Công ty sản xuất bia cũng có kế hoạch để huy động 600 tỷ NGN (~516 triệu USD) thông qua việc phát hành chứng quyền. Khoản lỗ năm 2023 của công ty – so với khoản lợi nhuận 13,19 tỷ NGN (~11,35 triệu USD) của năm 2022 – là do “chi phí hoạt động” tăng cao trở lại và biến động của tỷ giá hối đoái. Nigerian Breweries đã ghi nhận khoản lỗ vì tỷ giá ngoại hối là 153 tỷ NGN (~131,58 triệu USD) trong bối cảnh đồng naira đang trên đà mất giá.
Công ty cũng đang tìm cách để “tối ưu hóa” hoạt động sản xuất tại bảy nhà máy còn lại của công ty.
“Bối cảnh kinh doanh khó khăn, được thể hiện thông qua tỷ lệ lạm phát 2 chữ số, sự mất giá của đồng naira, thách thức tỷ giá ngoại hối và giảm sút trong chi tiêu tiêu dùng, đã gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả chúng tôi,” ông Essaadi nói thêm.
“Đây là lý do tại sao chúng tôi quyết định củng cố thêm nữa cho hoạt động kinh doanh của mình để quản lý chi phí hiệu quả. Nó cũng sẽ cải thiện sự ổn định của khía cạnh tài chính và kinh doanh, và giúp doanh nghiệp sinh lời trở lại, khi chúng tôi cùng nhau đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh hiện nay và sự tăng trưởng bền vững trong tương lai.”
Nigerian Breweries đã tạo ra doanh thu 550,64 tỷ NGN (~ 473,55 triệu USD) trong năm ngoái, tăng 8,9% so với năm 2022, nhờ sự “kết hợp giá cả tích cực”. Trong bối cảnh giá đồng naira giảm, lạm phát lương thực tại Nigeria đã ở mức trên 30% trong năm 2023, công ty cho biết.
Tuy nhiên, chi phí doanh số của công ty sản xuất bia này đã tăng gần 15%, dẫn đến lợi nhuận gộp giảm 0,3% xuống còn 212,61 tỷ NGN (~182,84 triệu USD). Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh giảm 15,1% xuống thấp hơn mức 44 tỷ NGN (~ 37,84 triệu USD), cùng lúc hơn chi phí đầu vào cộng với chi phí tái cấu trúc lại tăng cao hơn.
Sản lượng bia của Heineken đã giảm 4,7% trong năm 2023, và công ty sở hữu thương hiệu Amstel cho biết hai thị trường “chiếm hơn 60% trong số lượng sụt giảm” là Nigeria và Việt Nam.
Trong năm 2023, Heineken chứng kiến khối lượng bán hàng tại Nigeria giảm với tốc độ ở “mức cao 2 con số”, gã khổng lồ từ Hà Lan đề cập trong báo cáo kết quả hàng năm hồi tháng Hai.
Trong tháng Ba, Heineken xác nhận rằng công ty đã chấp nhận một thỏa thuận bán đi cổ phần tại Champion Breweries, một doanh nghiệp bia khác có trụ sở tại Nigeria.
Công ty sẽ chuyển phần lớn cổ phần của họ tại công ty sở hữu thương hiệu Champion Lager này, sang cho EnjoyCorp. Đây là công ty địa phương đang “xây dựng danh mục các thương hiệu thực phẩm, đồ uống và khách sạn.”
Heineken cũng đang bán đi The Raysun Nigeria Company Limited, công ty sở hữu 86,5% cổ phần của công ty đại chúng Champion Breweries, có trụ sở tại Uyo và sở hữu một nhà máy bia.
Các điều khoản tài chính của thỏa thuận này không được Heineken, Champion Breweries hay EnjoyCorp tiết lộ.
Người phát ngôn của Heineken đã trả lời trang Just Drinks rằng: “Quyết định này sẽ cho phép chúng tôi tập trung được nhiều hơn cho hoạt động kinh doanh cốt lõi tại Nigeria, trong khi tìm kiếm một nhà đầu tư bản địa có khả năng để Champion tiếp tục sự phát triển của họ theo cách tốt nhất, phù hợp với các điều kiện thị trường trong nước.”