Những Việt kiều mang gương mặt 'Tây'

Những Việt kiều mang gương mặt 'Tây'
TP - Rất dễ nhận ra họ trong số gần 1.000 người con đất Việt từ khắp năm châu tụ họp về Hà Nội bởi gương mặt, mái tóc, vóc dáng của người Tây, nhưng lại rất Việt Nam...

>> Lắng nghe ý kiến đóng góp của kiều bào
>> Gặp ông Việt Minh Hy Lạp giữa thủ đô Venezuela

Trong số họ có những người vì bệnh tật, vì tuổi già phải chống cả nạng gỗ để trở về, nhưng khuôn mặt rạng ngời niềm tự hào.

Những Việt kiều mang gương mặt 'Tây' ảnh 1
Anh James Spencer (phải)

James H. Spencer: Tôi nói tiếng Việt hơi bị giỏi

Hình ảnh ông Tây râu quai nón cắm cúi ghi chép, gật gù tâm đắc với những lời phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trước đông đảo kiều bào khiến ai cũng phải chú ý.

Tôi chủ động bắt chuyện khi ông Tây đang thảo luận với người khác bằng tiếng Anh bên lề hội nghị. Ông Tây vội tuôn ra một tràng tiếng Việt: “Tôi không phải là người Nga. Tôi nói tiếng Việt hơi bị giỏi. Tôi là Việt kiều Mỹ...”.

Ông Tây quả thực trông giống người Nga nên phải thanh minh như trên kể cũng không lạ. Ông tên là James H. Spencer, hiện công tác tại khoa Qui hoạch đô thị, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu toàn cầu hoá thuộc Đại học Hawaii, nhưng sang Việt Nam nhiều lắm lắm vì công việc và tình yêu.

James cho biết bố mình là người Mỹ, nhưng mẹ anh sinh ra và lớn lên ở Sa Đéc, Việt Nam, sang Mỹ du học từ năm 1952 khi toàn nước Mỹ mới chỉ có vài chục người Việt sinh sống, học tập. James sinh năm 1967 và nếu tính thế hệ người Việt thứ hai được sinh ra trên đất Mỹ, anh được xem như một trong những nhân vật lão làng nhất.

James kể, bố mẹ anh quen biết nhau tại Đại học Chicago khi bà học ngành quan hệ quốc tế, còn ông theo ngành y. Khi Mỹ đưa quân sang Việt Nam, mẹ James từng trở về miền Nam Việt Nam làm phóng viên chiến trường và khi đó anh quá bé nên không nhớ gì nhiều. Chỉ biết rằng khi lớn lên ở trong James đã có sẵn những tình cảm thân thương với quê mẹ, nơi bị bom của quê cha (Mỹ) cày xới.

Từ nhỏ James đã cố học tiếng Việt từ mẹ, nhưng chẳng được bao nhiêu vì khó quá. Năm 1990, khi vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành nhân chủng học xã hội, James lần đầu tiên trở về thăm quê mẹ Việt Nam. Hồi đó Việt Nam còn nghèo khó lắm và Việt - Mỹ cũng chưa bình thường hoá quan hệ, nhưng việc qua lại giữa hai nước không khó khăn với James vì anh là người Mỹ gốc Việt.

Cũng năm 1990, James giành học bổng Thomas J. Watson để trở về quê mẹ nghiên cứu về hậu quả xã hội của chất độc da cam do quân Mỹ rải trong chiến tranh Việt Nam. Tiếng Việt của James bắt đầu khá lên và mối quan tâm của anh về chính sách cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam cũng lớn dần lên.

James cho biết anh đã lập gia đình và đã có con, nhưng Việt Nam luôn là gia đình lớn của anh. Bố mẹ James hiện sống ở New York và nhà họ là một trong những nơi mà các quan chức trong Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc thường lui tới.

Những Việt kiều mang gương mặt 'Tây' ảnh 2
Ông Việt Minh Nguyễn Văn Lập

Kostas Sarantidis: Thấy trẻ ra khi Việt Nam lớn mạnh

Huân, huy chương kín áo ngực, nói tiếng Việt giọng miền Trung, thẻ ghi tên là “Nguyễn Văn Lập, Đại biểu Việt kiều Hi Lạp” khiến nhiều phóng viên trẻ sau khi phỏng vấn vẫn nhầm tưởng ông sinh tại Việt Nam và là người Việt dù có gương mặt rất Tây.

“Bác là người Việt thật đấy, vợ bác là người Lò Đúc, Hà Nội, con bác đều có tên Việt Nam, nhưng mà bố mẹ bác người Hi Lạp, tên cúng cơm của bác là Kostas”, ông Nguyễn Văn Lập, giải thích.

Ở tuổi 83, ông Việt Minh người Hi Lạp trông già yếu hơn nhiều so với lần gần đây nhất ông sang Việt Nam cách đây dăm năm. Lần này trở lại quê ngoại (ông thường gọi Việt Nam là quê ngoại), ông Nguyễn Văn Lập phải chống gậy, nhưng vẫn còn đó bầu nhiệt huyết khi ôn lại những năm tháng giúp chàng thành niên Hi Lạp trở thành Bộ đội Cụ Hồ.

Nằm trong đội lính lê dương của Pháp sang Việt Nam tham chiến năm 1946, chàng trai 18 tuổi Kostas Sarantidis sớm nhận biết cuộc chiến phi nghĩa và cảm phục lòng dũng cảm của một người lính Việt Minh bị bắt làm tù binh. Kostas cùng người lính Việt Minh và hơn 20 tù binh khác trốn thoát.

Ông gia nhập Bộ đội Cụ Hồ tháng 6/1946 được đặt tên Nguyễn Văn Lập và sau đó trở thành đảng viên đảng Cộng sản Đông Dương năm 1949, tập kết ra Bắc năm 1954...

Cuộc đời của chàng trai người Hi Lạp tại Việt Nam cũng truân chuyên trong điều kiện chiến tranh ác liệt, nhưng lòng kiên trung và niềm tự hào với đất nước thì không bao giờ thay đổi. Tại miền Bắc, ông từng làm phiên dịch trong nhà máy in, đóng phim tài liệu, làm lái xe...

Ông Nguyễn Văn Lập cho biết, cộng đồng người Việt tại Hi Lạp hiện có khoảng 440 người, nhưng sống rải rác, trong đó có 250 người ở thủ đô Athens. Trở về Hi Lạp định cư từ năm 1965, ông Nguyễn Văn Lập và người vợ Việt Nam hiện sống dựa vào đồng lương hưu ít ỏi và tiền trợ cấp trong căn hộ nhỏ ở ngoại ô Athens.  Cả bốn người con mang tên Việt đều đã có gia đình riêng.

Được bà con người Việt tại Hi Lạp cử làm đại diện, ông Lập cho biết cộng đồng người Việt luôn được chính quyền khen ngợi, đề cao những đóng góp của họ cho địa phương. Ông Nguyễn Văn Lập cũng đang nỗ lực cho việc chính thức ra đời Hội người Việt tại Hi Lạp trong thời gian tới.

Trở về quê ngoại lần này, ông Việt Minh người Hi Lạp bày tỏ sự ngỡ ngàng và tự hào trước những đổi thay nhanh chóng của đất nước. Ông nói ở tuổi mình được chứng kiến sự lớn mạnh của quê hương mà như thấy trẻ thêm.

Những Việt kiều mang gương mặt 'Tây' ảnh 3
Chàng rể Mathilde (và vợ) tay vẫn chống nạng, nhưng quyết về quê

Chàng rể Mathilde: Ở quê ta sướng thật

Nói tiếng Việt bập bẹ, nhưng ông Mathilde, người Pháp, có vợ là văn sĩ Tuyết Trần, cứ muốn mọi người xem mình như người Việt. Mathilde đã về hưu, lại vừa trải qua phẫu thuật, nhưng nghe tin có cuộc hội ngộ Việt kiều toàn thế giới lần đầu, ông nhất quyết cùng vợ trở về Việt Nam tham dự dù bệnh chưa khỏi.

Khi trò chuyện với tôi, chàng rể Việt Mathilde tay vẫn phải chống nạng gỗ mới đứng vững, nhưng khuôn mặt ông rạng ngời niềm tự hào.

Nói ông tìm chỗ ngồi để trò chuyện, Mathilde xua tay kể: “Tôi và vợ về Việt Nam nhiều rồi, đi khắp đất nước, nhưng mà chưa từng bị ai hỏi giấy tờ. Ai cũng sẵn lòng giúp đỡ mình, ai cũng cười nói... Còn ở Pháp, nếu anh là người nước ngoài sẽ bị để ý đấy, không tự do như ở Việt Nam mình đâu”.

Bà Tuyết Trần (www.tuyettran.de), người hoạt động trong lĩnh vực thơ ca, âm nhạc, văn học, lịch sử...cho biết hai ông bà hiện định cư ở Pieardi, cách thủ đô Paris khoảng 80 km về phía Bắc. Ông bà Mathilde Tuyết Trần có sáu người con đều đã trưởng thành nên có nhiều thời gian rảnh rỗi để thường xuyên trở về quê hương.

Tấm lòng của ông Mathilde đối với Việt Nam vẫn chân chất như thuở ban đầu mới gặp cô gái trẻ người Việt cách đây hơn 30 năm. Tình yêu chân chất đó của Mathilde cũng chính là nguồn cảm hứng cho mỗi ca từ, tác phẩm nghệ thuật của bà Tuyết Trần. Kể mãi về Việt Nam, rồi ông Mathilde kết luận: “Ở quê ta sướng thật”.

Những Việt kiều mang gương mặt 'Tây' ảnh 4
Cô gái châu Phi Yamina có đôi mắt Việt Nam

Mihoubi Yamina: Tôi sẽ về nhiều hơn nữa

Đến từ mảnh đất lục địa đen Algeria, cô gái 38 tuổi Mihoubi Yamina gặp ai cũng khoe rằng mình có đôi mắt rất Việt Nam, rất giống mẹ. Bố Yamina là người Algeria nằm trong đội lính lê dương Pháp tham chiến tại Việt Nam, nhưng có tinh thần phản chiến và gặp mẹ cô tại Việt Nam.

Yamina cho biết bốn anh chị của cô được sinh ra tại Việt Nam nên đều giỏi tiếng Việt. Năm 1964, bố mẹ cô từ Việt Nam về Algeria. Yamina và một chị gái nữa được sinh ra tại Algeria.

Ngay từ nhỏ, Việt Nam đã trở thành một cái gì đó rất thân thương với Yamina. Cô cố gắng học tiếng Việt từ mẹ và anh chị, tự mày mò tìm hiểu thông tin về quê ngoại để chờ cơ hội được trở về quê mẹ tại Thanh Hoá.

Đang tối mặt với hàng loạt dự án tại cơ quan chăm sóc sức khoẻ, nhưng Yamina tạm gác lại tất cả để về quê mẹ tham dự cuộc hội ngộ của những người con đất Việt từ khắp thế giới. Yamina nói dù mới về vài ngày, nhưng cô thấy Việt Nam khác lắm, khác với những gì cô được mẹ kể, khác với những thông tin trên internet. “Việt Nam tươi trẻ và tràn đầy sức sống. Tôi sẽ cố gắng về quê nhiều hơn nữa để có thể hiểu nhiều hơn”, Yamina nói. 

Souab Djamilam: Thành lập Hiệp hội Văn hóa Việt Nam tại Algeria thì tốt quá

Những Việt kiều mang gương mặt 'Tây' ảnh 5
Souab Djamilam (tên Việt Nam là Xinh), kiều bào ở Algeria

Souab Djamilam, trợ lý GĐ Petro Việt Nam tại Algeria (kiều bào Algeria) nói: “Tôi rất vui vì đây là lần đầu tiên tôi được về thăm quê mẹ (mẹ Việt, bố Algeria).

Bố tôi là người Algeria và lấy mẹ tôi là người Việt khi ông sang Việt Nam tham gia đội quân lê dương Pháp vào những năm 1950. Sau khi sang Việt Nam, bố tôi đã tham gia vào phong trào phản chiến, rồi yêu một cô y tá là mẹ tôi và hai người đã lấy nhau tại Việt Nam. Sau đó, có khoảng 120 gia đình như gia đình tôi sang Algeria định cư.

Tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện để thế hệ con em gốc Việt như chúng tôi có cơ hội hiểu rõ hơn về văn hóa Việt Nam và đặc biệt là được học tiếng Việt. Tôi có thể hiểu tiếng Việt, nhưng nói không được tốt lắm. Nếu có thể thành lập Hiệp hội Văn hóa Việt Nam tại Algeria thì quá tốt”. 

L.A ghi

 
MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.