Ước mơ thứ nhất: Tôi thấy hoàn cảnh cha mẹ tôi sống ở nông thôn rất khó khăn và tôi ước mơ làm sao lớn lên mình góp phần giải quyết đời sống kinh tế khó khăn của cha mẹ. Coi như mọi việc tôi làm trong thời gian đầu đời là để góp phần giải quyết khó khăn về tài chính của cha mẹ.
Tôi chưa biết ý thức chuyện khác. Tôi ý thức về vấn đề đời sống kinh tế thôi. Thấy đời sống lam lũ bằng tay chân, đổ mồ hôi sôi nước mắt… Mà cực quá, không vui. Phải chi cực mà vui thì không nói gì. Rồi cảnh hưởng hạnh phúc gia đình – cha mẹ, con cái hưởng hạnh phúc gia đình bên cạnh cái thành quả kinh tế ở mức độ nhất định nào đó. Đó là mơ ước đầu tiên của tôi và đó là sứ mệnh đầu tiên trong cuộc đời tôi. Vừa là mơ ước đầu đời, vừa là sứ mệnh đầu đời.
Cái mơ ước thứ hai là làm sao tất cả các em của tôi đều có công ăn việc làm, có đời sống kinh tế và tinh thần ổn định, mà trước nhất là đời sống kinh tế ổn định. Hồi đó, tôi chú trọng đến đời sống kinh tế là nhiều nhất vì hoàn cảnh đất nước mình khó quá, gia đình mình khó quá.
Cái mơ ước nặng về hướng kinh tế, mong làm sao chính bản thân tôi phải nỗ lực như thế nào để giải quyết, giúp đỡ cho tất cả các em của mình – người nào cũng có công ăn việc làm cho đàng hoàng, ổn định, không bị rủi ro, không bị khó khăn trong đời sống kinh tế. Đó là ước mơ thứ hai.
Ước mơ thứ ba của tôi là nếu tôi có gia đình riêng thì sớm hoàn thành nghĩa vụ với gia đình riêng trong một mức độ tương đối nào đó. Nhưng mà toàn bộ điều đó phải hoàn thành trước năm tôi năm mươi tuổi.
Và mơ ước cuối cùng của tôi là toàn bộ cuộc đời còn lại của tôi, tôi sẽ từ giã gia đình và cống hiến toàn bộ cuộc đời còn lại, tâm trí còn lại của mình cho hạnh phúc của nhân loại.
Đó là bốn cái mơ ước mà tôi xây dựng từ lúc tôi còn nhỏ và lần lượt các mơ ước đó tôi thực hiện được hết. Tôi thực hiện được đầy đủ các mơ ước và cái mơ ước cuối cùng xảy ra sớm hơn thời gian tôi dự định.
Giấc mơ cuối cùng cũng xuất phát từ nỗi đau khổ của gia đình mình, nỗi thiếu thốn, nỗi khó khăn cùa gia đình mình, của dân tộc mình. Như mình thấy trong dân tộc mình, đau khổ, chết chóc, chiến tranh nhiều quá. Nhất là vấn đề chiến tranh, nó đem lại rất nhiều cái phiền não, nhiều cái đau lòng...
Một trong những cái mơ ước nhỏ, rất đơn giản lúc nhỏ của tôi là làm sao ban đêm sáng trăng để tôi được đi chơi mà không sợ chết chóc, không sợ cướp bóc, không nghe tiếng súng nổ. Tôi chỉ cần mong làm sao đất nước chấm dứt tiếng súng nổ, đừng có cảnh chết người và được đi chơi dưới ánh trăng, được đi ra đồng ruộng ban đêm dưới ánh trăng để ngắm trăng, ngắm ruộng, ngắm đồng lúa.
Cho nên, cái thời kì tôi đi làm ăn, cứ tối tối tôi đánh xe một mình ra đồng ruộng, những chỗ tôi cảm thấy hơi an toàn thì tôi đứng tôi ngắm. Nhưng cứ nghe súng nổ là tôi sợ, nghe súng nổ thấy nó đau thương quá. Rồi ngày tết ở miền Trung có làm bánh nổ, giã nổ nghe ào ào. Tiếng động của làm bánh cộng với tiếng súng nổ, tiếng pháo nổ nghe chết chóc kinh khủng quá!
Trong cái thời kì nhiệt huyết của mình, tuổi trẻ phải làm sao xây dựng cho mình một ước mơ. Mỗi người phải xây dựng cho mình ít nhất một ước mơ. Nếu mình không có ước mơ thì cuộc đời không có lý thú.
Tôi so sánh tôi có ba cuộc đời: cuộc đời thứ nhất là cuộc đời nghèo, rồi cuộc đời đi làm kinh tế có tiền và cuộc đời không dính dáng gì đến giàu và nghèo. Tôi có ba cái cuộc đời, ba cái đời sống.
Tôi thấy rằng trong ba cái đời sống này, cái mà tôi vui trong lòng không phải là mình giàu hay mình nghèo, mà cái mình vui trong lòng vì mình còn ước mơ và mình vui với cái ước mơ đó mặc dù nó chưa thành sự thật. Và tới bây giờ, ở cái đời sống thứ ba, tôi sống hoàn toàn trong mơ ước của mình và tôi vui với mơ ước của mình, với hoài bão của mình.
Thực sự cái động cơ làm cho mình ham sống, vui sống, mình yêu đời chính là cái ước mơ của mình, chứ không phải chính là mình chờ mình có tiền, mình chờ mình nhiều tiền hay mình hướng về tiền bạc. Không phải cái đó!
Tiền không đóng vai trò làm cho mình vui và hạnh phúc được. Cái mà làm cho mình yêu cuộc đời này được đi từ cái ước mơ lớn của mình. Mỗi người có một cái ước mơ mới tạo ra sự thay đổi, tạo ra cái động lực để thay đổi chính mình. Và chính những cái ước mơ đó cộng lại là động lực lớn để làm thay đổi nhận thức cho xã hội.
Một trong những ước mơ lớn nhất là làm cho toàn xã hội thay đổi nhận thức, làm cho con người thay đổi nhận thức. Muốn thay đổi toàn xã hội là phải thay đổi nhận thức. Nếu không thay đổi nhận thức thì chắc chắn xã hội không thể thay đổi được. Anh nói chuyện trời, chuyện đất chơi mà nhận thức không thay đổi thì xã hội không thể thay đổi được. Ví dụ, qua cá nhân mỗi người, quí vị tự ôn thử lại coi có phải cuộc đời mình thay đổi là nó đi từ sự thay đổi nhận thức không?
Phương pháp Duy Tuệ giúp mình nhận ra những vấn đề mới và mình thay đổi nhận thức trong cuộc sống của mình. Cái nhận thức đó thay đổi từ một sự thấy. Sự thấy này không phải từ kinh nghiệm của mình, bởi vì nếu kinh nghiệm mình thấy thì nó không thể nào thay đổi nhận thức được.
Cái thấy đó phải nằm ngoài kinh nghiệm thì cái thấy đó mới giúp cho mình quyết định thay đổi nhận thức hay đưa tới sự thay đổi nhận thức. Và sự thay đổi nhận thức đó tạo ra một cái động lực cách mạng cho chính mình. Nó là nguyên nhân của cách mạng.
Con người mà biết sống và chết cho lý tưởng của mình, nó hay lắm, nó đáng sống vô cùng, đáng sống lắm. Cho nên, tuổi trẻ phải xây dựng lý tưởng, xây dựng ước mơ.
Phải có chí lớn. Ước mơ là phải có chí lớn. Cái chí lớn là cái ý chí, cái quyết tâm, cái cương quyết thực hiện ước mơ, cái quyết tâm hoàn thành những ước mơ.
Đừng xây dựng ước mơ nho nhỏ. Ước mơ nho nhỏ tự nhiên nó tới, không cần phải xây dựng. Xây dựng những ước mơ nho nhỏ làm gì?! Đừng nghĩ mình có ước mơ lớn, nói ra sợ người ta cười, nói mình tham vọng, mình sợ quê. Không phải như vậy! Ước mơ khác với tham vọng.
Khi thực hiện ước mơ, mình thực hiện từng chút, từng chút. Mình vui, mình thỏa mãn cái ước mơ đó từ những bước chân mình đi, chứ không phải mình thỏa mãn với cái ước mơ đó khi mình hoàn tất được nó.
Không phải! Cứ mỗi bước chân mà cái ước mơ dẫn mình đi, thì mỗi bước chân mình đã trải nghiệm ra hạnh phúc trên cái bước chân đó rồi, trải nghiệm cái niềm vui trên từng bước chân đi rồi. Mình không cần phải để ý tới cái chỗ mà nó đến. Có thể mình không đến được nhưng không để ý tới cái đó, mà để ý tới từng bước chân mình đi.
Và nếu mình được cá nhân mình rồi mà mình không đem cái công đức mình ra, mình không tạo công đức để đóng góp, cống hiến, thì cái đó không có được tốt cho người hành giả Minh Triết và mình sẽ dễ trở lại cái tình trạng cũ (sống không có lý tưởng). Khi trở lại cái tình trạng cũ thì tồi tệ hơn nhiều, tức là hoàn toàn bế tắc, chấm dứt, không thể vượt qua được nữa.
Cái sự đau khổ cũ là do sự ích kỉ mà ra. Nguồn gốc của nó là từ vô minh và ích kỉ mà ra - cho cá nhân mình là quan trọng nhất, cho mình là hay nhất, mọi người phải theo mình, nghe mình. Sự vô minh dẫn đến ích kỉ cá nhân, từ ích kỉ cá nhân dẫn đến sự khổ đau. Quay lại con đường ích kỉ thì không còn lối ra nữa, hết lối ra, nó ghi dấu chấm hết, không có lối thoát.
Ngày xưa, khi anh gặp duyên may, thay đổi nhận thức thì anh thoát được. Khi anh thoát được rồi mà anh không duy trì, không chia sẻ công đức, chia sẻ cái sứ mệnh của anh thì cái bản ngã sẽ phát triển. Bản ngã phát triển thì nó quay lại con đường khổ đau ghê gớm lắm, mà nó sẽ không có lối thoát nữa. Chắc chắn không có lối thoát. Cái lần thứ hai là bế tắc luôn. Khó lắm! Khó có đường ra lắm!
Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều nội dung phong phú tại website: www.minhtriet.vn hoặc www.duytue.org (điện thoại hỗ trợ: 08.39115501 hoặc 04.37228199) |