Những thú chơi Tết 'có vấn đề'

Thay vì viết, vẽ lên di tích, người trẻ có con dấu cá nhân để chơi
Thay vì viết, vẽ lên di tích, người trẻ có con dấu cá nhân để chơi
TP - Nay nắng mai mưa ngày mốt gió mùa là một đặc điểm của cư dân mạng. Có nhiều thú chơi hôm nay được tung hô rôm rả, ngày mai bị dìm không thương tiếc vì các “tác dụng phụ” của nó.

Thời nào rồi còn chơi bùi nhùi thép!?

Hai ba năm nay, thị trường Tết “sôi sùng sục” vì một thứ gọi là bùi nhùi thép. Đây là một loại “pháo hoa không bị cấm” đã được chơi ở nước ngoài từ trước đó với tên gọi là Steel Wool.

Những người đầu tiên mang bùi nhùi thép vào trong nước phải kể đến một số nhiếp ảnh gia. Anh Tuấn Anh (nhiếp ảnh gia tự do) cho biết: bùi nhùi thép thực chất là một đạo cụ trong nhiếp ảnh để tạo ra Steel Wool Photography - kỹ thuật chụp ảnh với tốc độ màn trập chậm (phơi sáng) với nguồn sáng do người chơi chủ động (vẽ ánh sáng). Bùi nhùi thép chính là công cụ dùng trong đánh bóng gỗ hay kim loại với thành phần chính là thép cán nhuyễn và cắt nhỏ. Giá thành khá rẻ và dễ dàng tìm mua ở cửa hàng bán vật liệu xây dựng, các cửa hàng bán đồ sinh vật cảnh... Bùi nhùi thép khi đốt sẽ phát ra tia sáng rực rỡ, nếu đốt số lượng nhiều, có thể tạo ra những quầng sáng lớn như pháo hoa.

Bắt đầu từ một nhóm nhiếp ảnh nhỏ lẻ, qua vài năm, đốt bùi nhùi thép trở thành một thú chơi trong lớp trẻ. Các bên trung gian nhận ra đây là một cửa buôn bán tốt, đã làm hẳn những chiến dịch quảng bá, trong đó nhấn mạnh đến vẻ đẹp “có thể thay thế pháo hoa”, thậm chí có thể tự do tạo hình độc đáo hơn pháo hoa, trong khi “không bị cấm, giá thành rẻ, không gây cháy nổ và thân thiện với môi trường”.

Anh Nguyễn Quang Hưng (người nhà một nhiếp ảnh gia) tiết lộ: năm ngoái, anh đánh một xe tải bùi nhùi thép Trung Quốc, về bán hết trong một tuần, lãi hai trăm triệu. Năm nay anh đã đặt trước ba xe tải và hiện đã có khách đặt hết hai xe.

Thực ra, việc chơi bùi nhùi thép không vô hại và “thân thiện” như quảng cáo. Theo Tiến sĩ Trần Huy Tuấn (Viện hàn lâm khoa học và công nghệ): “Thực chất steel wool là một loại oxit kim loại, khi đốt sẽ cháy sáng. Tuy nhiên bất cứ thứ gì có thể tạo ra lửa và lửa trên diện rộng đều có thể gây thương tích, cháy nổ. Chưa kể, để tạo hiệu quả cháy sáng, nhà sản xuất sẽ pha chế thêm một số chất trong oxit kim loại, khi cháy lâu có thể tạo ra khói độc”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hưng (Bệnh viện Bạch Mai) xác nhận: “Năm ngoái, chúng tôi đã phải xử lý mấy ca bỏng bùi nhùi thép. Trong đó có một ca nặng nhất, bị vụn thép văng vào mắt, gần như bị mù một bên”.

Nhiếp ảnh gia Tuấn Anh chia sẻ thêm: “Ban đầu chúng tôi mua steel wool đều là đặt hàng châu Âu, và họ bán kèm cả dụng cụ sử dụng, rất chi tiết. Một bộ dụng cụ đi kèm gồm: dụng cụ bọc bùi nhùi bằng thép để tránh bị văng ra trong quá trình đốt, bao tay, mũ bảo hiểm (loại nhẹ), bình xịt chữa cháy”.

Với không ít “tác dụng phụ” bị “phơi sáng”, bùi nhùi thép chính thức bị những tay chơi trẻ tẩy chay. “Thứ gì dính đến nguy hiểm thì không nhất thiết phải dính vào. Thời nào rồi còn chơi bùi nhùi thép!” phát ngôn của Cậu ấm thơ ngây (một hot bloger) ngay sau đó được trích dẫn và chia sẻ rộng rãi trên các diễn đàn sống trẻ.

Thứ tự sành điệu của triết lý 3T

Những thanh niên trí thức không lạ gì với triết lý 3R của thế giới, bao gồm: Reduce – Reuse – Recycle dịch sang tiếng Việt nó trở thành 3T với các cụm từ tương ứng: Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế.

Lâu nay cộng đồng sống trẻ thường cổ vũ những thú chơi Tết liên quan đến Tái chế: đèn treo tái chế, đồ trang trí nhà cửa tái chế, quà tặng tái chế v.v... và nó được đẩy thành trend (xu hướng) như một tiêu chí để đo đếm “level văn minh”. Thế nhưng, nhận thức này, hóa ra chưa triệt để, và nó chỉ là ưu tiên cuối cùng của dân sành điệu.

Nguyễn Hoàng Thủy Nguyên (cựu sinh viên ĐH California Berkeley – Mỹ) cho biết: “Recycle là lựa chọn cuối cùng trong chuỗi chơi văn minh của thanh niên Mỹ và các nước châu Âu. Đỉnh điểm của lối sống lành mạnh này là Reduce tức là tiết giảm chứ không phải tái chế. Bởi dù bạn có tái chế sáng tạo đến đâu, nó vẫn không tránh được việc thải rác ra môi trường. Chỉ có tiết giảm mới là giải pháp triệt để. Chúng ta đang sống theo kiểu chạy theo vật chất một cách quá đà và chi tiêu vào vật chất như là một cách bù đắp những trống rỗng tinh thần. Một thanh niên “tay chơi” chỉ cần 2 bộ quần áo cơ bản thay vì một tủ, nếu biết mix (trộn, phối) anh ta vẫn tỏa sáng”.

Gần Tết, công trình làm gạch ecobrick để gom gạch xây trường học cho trẻ em vùng cao, xây các công trình vui chơi cho trẻ em nghèo nhận được ủng hộ rất lớn từ cộng đồng mạng. Theo đó, bên trong những chai nhựa rỗng, người ta nhét chặt các loại rác nilon khác. Những chai đó sẽ được thu gom và dùng như gạch để xây dựng. Một cách hạn chế rác có vẻ rất mộng mơ.

Thì mới đây, các nhà khoa học ở Mỹ đã chứng minh, ecobrick không thể thay thế gạch vì hàng loạt nhược điểm của nó. Vô vàn gạch ecobrick ở nước này đã đi thẳng ra bãi rác vì không sử dụng được.

“Ecobrick không giải quyết được vấn đề nhựa thải mà thay vào đó lại khuyến khích mọi người sử dụng chai nhựa để tạo ra những viên gạch thiếu tính thực tế. Hơn hết là nó vẫn không thay đổi được thói quen sử dụng nhựa hay làm giảm thiểu số lượng rác thải nhựa vốn có. Nó không phải là một giải pháp lâu dài, thậm chí nó còn không phải là giải pháp tốt. Nó chỉ là một ý tưởng tạm thời thay đổi cách chúng ta tạo ra rác thải nhựa mà hậu quả của về lâu dài sẽ còn nghiêm trọng hơn là những gì đang diễn ra hiện nay”. Bob Anderson – một người hoạt động vì môi trường chia sẻ.

Cho nên, xu hướng chơi, ăn Tết được cổ xúy mạnh mẽ nhất năm nay nhằm vào việc: hãy tiết giảm mua sắm, bao gồm cả đồ ăn, quần áo và đồ chơi. Và tất nhiên, một việc được nhắc đi nhắc lại nhiều năm qua chưa lỗi mốt, đó là bạn nên đi chợ, shopping với một túi vải dệt thay vì dùng túi nilon.

Dấu ấn cá nhân

Để tạo ra dấu ấn cá nhân của mình, nhiều bạn trẻ thích vẽ, viết, khắc chữ lên tường, cây cối và thậm chí các công trình điêu khắc. Cuối năm 2018, sự việc một người (nghi là người Việt) vẽ bậy chữ Hào lên di tích ở Nhật bị cảnh sát truy tìm và có thể đối mặt với án tù 5 năm đã làm dậy sóng cộng đồng trẻ. Cảm thấy việc kêu gọi, cổ súy “ngưng để lại dấu ấn cá nhân” không mấy hiệu quả, nhiều họa sĩ trẻ đã nghĩ ra phương án làm con dấu cá nhân để thỏa mãn nhu cầu “thể hiện” của một số người.

Những con dấu khắc bằng gỗ, sau khi ấn vào mực đỏ thì sẽ có một nhận diện cá nhân khá ngộ nghĩnh, đặc biệt, không đụng hàng đã dấy lên một kiểu chơi mới. Thanh niên dùng con dấu được đặt riêng ấn lên bao lì xì, sách vở, truyện tranh, thư tay... vừa giải trí vừa không gây hại đến môi trường văn hóa.

Một kiểu chơi khác nữa đang được lây lan là thay vì mua đào mốc chặt ở rừng về trưng, giới trẻ khi đi phượt sẽ mang theo bom hạt giống để trồng rừng, gọi là seed bombs.

Cụ thể, bom hạt giống được làm bằng cách bọc hạt giống trong đất sét để lưu giữ và bảo vệ chúng khỏi chim chóc, chuột bọ khi gieo. Khi đem gieo thì không cần đào bới mà chỉ rải ra đất như động vật đi phát tán hạt là được, vì đã bọc trong đất rồi.

Đến thời điểm đi phượt, họ mang theo bom hạt giống này, qua những vùng đồi trọc, rừng thưa thì ném hạt. Hà Phương Anh (ĐH Hà Nội) cho biết: “nhóm tôi không làm hạt giống keo, thông như nhiều nhóm khác, thay vào đó chúng tôi ủ hạt giống hoa. Cung đường đi qua các trường học chúng tôi sẽ ném hạt quanh hàng rào. Hy vọng năm sau trở lại, sẽ thấy xung quanh ngôi trường đó có hoa”.

Cách làm bom hạt giống (seed bombs) khá đơn giản, chỉ cần trộn đều một phần hạt giống với bảy phần đất có sét, thêm hai phần phân hữu cơ đã hoai. Sau đó dùng bình xịt phun sương vào hỗn hợp cho tới khi đủ ẩm để nhào nặn được, rồi cứ thế nặn thành viên. Hạt to thì nặn viên cỡ 1cm, hạt nhỏ thì cỡ 0.5cm. Bombs nặn xong được mang ra phơi nắng cho đến khi khô thì bỏ hộp, dán nhãn lưu nơi thoáng mát.

Những thú chơi Tết 'có vấn đề' ảnh 1 Bùi nhùi thép không an toàn, thân thiện như quảng cáo. Ảnh: An An
Những thú chơi Tết 'có vấn đề' ảnh 2 Bom hạt giống để tạo dấu ấn cá nhân trên đường du lịch
Những thú chơi Tết 'có vấn đề' ảnh 3 Gạch ecobrick không phải là một giải pháp lâu dài, thậm chí nó còn không phải là giải pháp tốt
MỚI - NÓNG