Những tấm phản nghiệt oan

TP - Hồi trước, nhà ông bà tôi có đôi cánh phản lim. Ngày hè nóng bức, lau phản bằng nước rồi nằm lên rất thích. Tấm phản gợi cảm giác vững chãi và thân thuộc. Từng là vật dụng quen thuộc lâu đời nên người ta mới ví von lưng như cánh phản. 

Từ những năm 1970, chiếc giường “mô-đéc” là biểu tượng cho xã hội phát triển. Các cặp vợ chồng mới cưới phải cố mà sắm cho khỏi lạc hậu. Đầu thế kỷ XXI, những tấm phản trở lại nhưng không còn là đồ của nhà nghèo, nhà quê nữa mà trở thành biểu tượng của xa hoa.

Trong khi mọi người đang khóc thương cho miền Trung và trông ngóng những hoạt động từ thiện từ những doanh nghiệp, người nổi tiếng, nhà làm phim môi trường Mzung Nguyễn đăng những dòng sau đây lên Facbook: “Tấm phản gỗ nguyên khối rộng 1,5 x 3m là một trong số rất nhiều tấm ở một xưởng gỗ nằm sát rừng Phước Bình. Rất rất nhiều xưởng gỗ lớn khủng khiếp, quy mô hàng tấn ra vào liên tục đã tồn tại ở đây hàng chục năm nay. Nay biết nhạy cảm nên mở miệng là bảo gỗ từ Nam Phi... Chưa kể ở các sảnh và các phòng tiếp khách của các cơ quan quản lý rừng thường đặt những bộ bàn ghế gỗ chạm trổ hoành tráng. Mỗi lần đến làm việc phải ngồi trên khối gỗ lớn thật khó chịu, những trao đổi về môi trường rừng kế đó mới thật là gượng gạo, khiên cưỡng. Nhìn mấy cảnh này đủ để hiểu tại sao rừng chỉ còn cây gỗ nhỏ, cây bụi, không cách gì cản lũ từ nguồn. Vùng nào cũng vậy, chẳng riêng gì miền Trung, lũ có thể ập xuống bất cứ lúc nào, lấy đi sinh mạng, sinh kế của không ít người”.

Bây giờ phản trọc phú cứ phải bằng gỗ quý liền khối, đủ để xẻ chắc cả chục tấm phản giống ở nhà ông bà tôi ngày xưa.

Những tấm phản ấy có thể làm một vài người nể phục, thèm khát? Nhưng càng ngày nhìn những tấm phản khủng bố ấy, người ta chỉ thấy ghê sợ và đặt câu hỏi về chủ nhân của chúng. Khả năng tham nhũng, tiếp tay cho lâm tặc, buôn lậu gỗ có hoặc không. Nhưng chắc chắn những tấm phản kia là bằng chứng cho tội ác gián tiếp gây nên những thiệt hại về người và của trong thiên tai lũ lụt. Không gì có thể biện hộ kể cả có lấy lý do gỗ nhập khẩu đi chăng nữa. Rừng Amazon cháy ảnh hưởng đâu riêng gì Brazil?!

Hầu hết các hoạt động sản xuất của con người đều ảnh hưởng xấu đến môi trường. Trong đó, sự phát triển của những ngành như công nghiệp nhựa hay khai thác rừng hoàn toàn tỷ lệ thuận với thiên tai và ô nhiễm. Con người tự khoác cho giới tự nhiên những giá trị ảo để kinh doanh mưu lợi. Những giò lan “đột biến” được thổi giá đến tiền tỷ gần đây là một thí dụ. Người tự quy định một số loài gỗ là quý, ra sức khai thác mỗi khi có thể, nhưng xin thưa đó không phải những sản vật thiên nhiên ban tặng. Thân gỗ chết có thể được định giá nhưng cây sống thì không. Làm sao mua được lá phổi của hành tinh, làm sao thay thế được công dụng giữ nước, ngăn lũ của những cánh rừng già. Nhiều người không chịu hiểu những nguyên lý đơn giản của sự sống liên quan tới tất cả các loài. Những người hiểu ra thì thường lại bất lực. Vì thế, Nhà nước cần có những giải pháp quyết liệt để chặn đứng nạn phá rừng. Lời cảnh báo từ thiên nhiên đã quá rõ ràng.   

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.