Những quy định quan trọng của Thông tư hướng dẫn lập Báo cáo tài chính nhà nước

Những quy định quan trọng của Thông tư hướng dẫn lập Báo cáo tài chính nhà nước
Báo cáo tài chính nhà nước là một công cụ hữu hiệu giúp cho công tác quản lý tài chính của nhà nước ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn; đồng thời, giúp cho các cơ quan, đơn vị và nhân dân có thể kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả hoạt động tài chính của nhà nước trong từng năm tài chính.

Căn cứ các quy định của Luật Kế toán năm 2015, Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ về Báo cáo tài chính nhà nước (Nghị định 25); ngày 28/12/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư số 133/2018/TT-BTC hướng dẫn lập Báo cáo tài chính nhà nước (Thông tư 133).

Thông tư gồm 3 chương và 15 điều kèm theo Phụ lục về nội dung, phương pháp lập các chỉ tiêu trên Báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) và 04 mẫu biểu Báo cáo cung cấp thông tin tài chính.

Căn cứ quy định tại Nghị định số 25, Thông tư 133 đã hướng dẫn các chỉ tiêu cụ thể của BCTCNN; hướng dẫn biểu mẫu, quy trình tổng hợp, lập và gửi báo cáo cung cấp thông tin tài chính phục vụ tổng hợp, lập BCTCNN; hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc việc lập BCTCNN.

Đối tượng áp dụng của Thông tư bao gồm Bộ Tài chính và các Vụ, Cục thuộc/trực thuộc Bộ Tài chính (gồm: KBNN các cấp; Vụ NSNN; cơ quan Thuế; Tổng cục Hải quan; Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại; Cục Tài chính doanh nghiệp; Vụ Tài chính ngân hàng; Cục Quản lý công sản; Tổng cục Dự trữ nhà nước); Bảo hiểm xã hội Việt Nam; cơ quan tài chính địa phương; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (Ủy ban nhân dân cấp xã); các đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách cấp trung ương, tỉnh, huyện.

BCTCNN chỉ trình bày thông tin về vốn và khoản thu từ vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ngân hàng, các tổ chức khác và được tổng hợp từ thông tin tài chính do các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương (Cục Tài chính doanh nghiệp, Vụ Tài chính ngân hàng) và địa phương (Sở Tài chính) theo dõi, cung cấp. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước không phải là đối tượng áp dụng Thông tư này.

Căn cứ quy định tại Điều 30 Luật Kế toán năm 2015 và Điều 11, Điều 12 Nghị định số 25, Thông tư 133 hướng dẫn việc trình BCTCNN như sau: KBNN lập BCTCNN toàn quốc, trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ, báo cáo Quốc Hội; KBNN cấp tỉnh lập BCTCNN tỉnh, xin ý kiến Sở Tài chính bằng văn bản trong thời gian 10 ngày kể từ ngày xin ý kiến, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Trên cơ sở chuẩn mực kế toán công quốc tế có tính đến điều kiện thực tế của Việt Nam, Thông tư 133 đã đưa ra một số một số yêu cầu thông tin của Báo cáo cung cấp thông tin tài chính, BCTCNN (gồm: Tính trung thực, khách quan, hợp lý; tính phù hợp và đảm bảo tính nhất quán, liên tục và tính so sánh) và một số nguyên tắc cơ bản khi lập BCTCNN (gồm: Tổng hợp trên cơ sở các Báo cáo cung cấp thông tin tài chính lập cùng kỳ kế toán năm với BCTCNN, tức là kỳ báo cáo từ ngày 01/01 đến ngày 31/12; phải thực hiện loại trừ các số liệu phát sinh từ các giao dịch phát sinh giữa các đơn vị trong khu vực nhà nước).

Để cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc khu vực nhà nước không phải lập thêm báo cáo (ngoài các báo cáo phải lập theo quy định hiện nay), Thông tư 133 hướng dẫn báo cáo cung cấp thông tin tài chính phục vụ lập BCTCNN là các Báo cáo tài chính; Báo cáo tài chính tổng hợp (hợp nhất); Báo cáo bổ sung thông tin lập theo hướng dẫn tại các chế độ kế toán áp dụng cho đơn vị.

Ngoài ra, do một số đơn vị là cơ quan quản lý nhà nước khác không có Chế độ kế toán (gồm Cục Tài chính doanh nghiệp, Vụ Tài chính ngân hàng; Cục Quản lý công sản và Sở Tài chính) hoặc do một số báo cáo tài chính của các đơn vị hiện chưa có đủ thông tin cần thiết, phục vụ tổng hợp, lập BCTCNN (như thông tin về các giao dịch giữa các đơn vị trong khu vực nhà nước) nên để đảm bảo thông tin cần thiết phục vụ lập BCTCNN, Thông tư hướng dẫn biểu mẫu báo cáo cung cấp thông tin tài chính cho các đơn vị này; đồng thời; giao Tổng Giám đốc KBNN hướng dẫn chi tiết việc cung cấp các thông tin bổ sung.

Những quy định quan trọng của Thông tư hướng dẫn lập Báo cáo tài chính nhà nước ảnh 1  

Thông tư hướng dẫn các đơn vị gửi Báo cáo cung cấp thông tin tài chính được dưới dạng bản mềm (file điện tử), được phê duyệt, ký số theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của KBNN và gửi qua Cổng thông tin điện tử KBNN theo định dạng do KBNN thông báo. Hình thức gửi báo cáo giấy (kèm file điện tử) chỉ được áp dụng trong trường hợp đơn vị không đáp ứng đủ các điều kiện đăng ký giao dịch điện tử với KBNN theo quy định.

Để đảm bảo thời gian lập BCTCNN theo đúng quy định của Luật Kế toán năm 2015, Nghị định 25, các đơn vị phải đảm bảo thời hạn gửi Báo cáo cung cấp thông tin tài chính như sau: Ủy ban nhân dân cấp xã; các đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách cấp huyện gửi trước ngày 01/04 của năm tài chính tiếp theo; Sở Tài chính, các đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách cấp tỉnh gửi trước ngày 30/06 của năm tài chính tiếp theo; các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính và các đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách trung ương gửi trước ngày 01/10 của năm tài chính tiếp theo.

Để đảm bảo chất lượng thông tin đầu vào, từ đó, đảm bảo chất lượng của BCTCNN, Thông tư 133 quy định trách nhiệm của KBNN các cấp và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan trong việc kiểm tra Báo cáo cung cấp thông tin tài chính.

Ngoài ra, Thông tư 133 đã cụ thể hơn quy định tại Khoản 3, Điều 9 Nghị định 25 liên quan đến chế tài áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức không chấp hành đầy đủ, kịp thời chế độ cung cấp thông tin cho KBNN các cấp. Việc quy định chế tài này sẽ góp phần đảm bảo cung cấp thông tin đầu vào của BCTCNN được kịp thời và có chất lượng hơn.

Thông tư 133 hướng dẫn lập BCTCNN theo biểu mẫu quy định tại Nghị định 25 với nội dung chi tiết, cách thức tổng hợp số liệu của từng chỉ tiêu trên BCTCNN theo hướng dẫn tại Phụ lục 01 Thông tư 133.

Theo Thông tư 133, căn cứ lập BCTCNN là trên cơ sở các báo cáo cung cấp thông tin tài chính của các đơn vị, BCTCNN năm trước, BCTCNN tỉnh (khi lập BCTCNN toàn quốc) hoặc Báo cáo tổng hợp thông tin tài chính huyện (khi lập BCTCNN tỉnh); đồng thời, Thông tư 133 cũng hướng dẫn trình tự lập BCTCNN.

Các loại giao dịch nội bộ cần phải loại trừ khi lập BCTCNN toàn quốc, BCCTNN tỉnh và Báo cáo tổng hợp thông tin tài chính huyện; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc kiểm tra, đối chiếu giao dịch nội bộ đều được Thông tư 133 hướng dẫn cụ thể.

Bên cạnh đó, Thông tư 133 hướng dẫn các nội dung kiểm tra và cơ quan kiểm tra BCTCNN (đó là Bộ Tài chính kiểm tra BCTCNN toàn quốc và KBNN thực hiện kiểm tra BCTCNN tỉnh).

Theo quy định của Thông tư 133, khi phát hiện sai sót trên BCTCNN, nếu BCTCNN đã được báo cáo cấp có thẩm quyền (Quốc hội đối với BCTCNN toàn quốc, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với BCTCNN tỉnh), KBNN thực hiện điều chỉnh số liệu BCTCNN của năm đã phát hiện sai sót và thuyết minh về việc điều chỉnh này.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2019. BCTCNN đầu tiên sẽ được lập theo số liệu tài chính của năm 2018, đảm bảo phù hợp với quy định tại Điều 73 Luật Kế toán năm 2015 và tại Điều 19 Nghị định 25.

Ngoài ra, để tổ chức triển khai thực hiện lập BCTCNN, thông tư cũng quy định Vụ NSNN, Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế toán có trách nhiệm cung cấp danh sách đơn vị dự toán cấp I thuộc các cấp ngân sách trước ngày 15/01 hằng năm.

Việc ban hành Thông tư 133 cùng với các văn bản pháp lý khác (như Luật Kế toán năm 2015, Nghị định 25; sửa đổi, ban hành các thông tư hướng dẫn Chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị trong khu vực nhà nước...) đã tạo khung pháp lý tương đối đầy đủ cho việc lập BCTCNN. Tuy nhiên, để triển khai, lập BCTCNN từ năm 2019 (trên cơ sở số liệu năm 2018), trong thời gian tới, cần phải khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Ban hành công văn hướng dẫn lập BCTCNN: Do Thông tư 133 đưa ra các quy định cơ bản, có tính nguyên tắc, ít có sự biến động, đặc thù nên để đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của năm tài chính 2018 (trong bối cảnh báo cáo năm 2018 của một số đơn vị thuộc khu vực Nhà nước lập theo chế độ kế toán cũ, chưa được sửa đổi, thay thế phù hợp quy định của Luật Kế toán năm 2015, chưa có đủ thông tin tài chính cần thiết để lập BCTCNN), trong tháng 03/2019 cần khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc cung cấp thông tin tài chính; văn bản hướng dẫn KBNN địa phương trong việc tổng hợp, lập BCTCNN năm 2018.

Công tác đào tạo, tập huấn: Cần phải nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ kế toán liên quan đến việc lập BCTCNN trong và ngoài hệ thống KBNN thông qua tổ chức đào tạo, tập huấn về cơ chế, chính sách, triển khai, vận hành hệ thống CNTT. Dự kiến, đợt đào tạo đầu tiên sẽ bắt đầu trong tháng 03/2019 cho công chức liên quan của đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách cấp trung ương, tỉnh huyện; một số Vụ/Cục đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin: Cần khẩn trương hoàn thành việc nghiên cứu, xây dựng một hệ thống công nghệ thông tin đáng tin cậy và đủ mạnh để tiếp nhận, xử lý thông tin các đơn vị cung cấp, đảm bảo tháng 6-7/2019 đưa vào vận hành, hỗ trợ việc lập BCTCNN.

Triển khai thí điểm việc lập Báo cáo tài chính hợp nhất tại một số bộ, ngành và thí điểm lập BCTCNN tại một số địa phương trước khi chính thức lập BCTCNN (từ tháng 7/2019) nhằm kịp thời rà soát, phát hiện và tìm giải pháp cho các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình lập BCTCNN theo quy định.

Có thể thấy, khối lượng các công việc chuẩn bị cho việc chính thức lập BCTCNN còn tương đối nhiều. Do vậy, ngoài sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, KBNN cần phải tiếp tục tích cực, khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các điều kiện cần thiết, đảm bảo triển khai lập BCTCNN theo đúng kế hoạch./.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.